Công ty TNHH Hải Linh muốn triệt thoái vốn khỏi Thalexim

VietTimes – Trước khi đăng ký thoái sạch vốn khỏi Thalexim, ít ai biết rằng, Công ty TNHH Hải Linh liên tục được tăng vốn điều lệ bởi Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Lê Văn Tám cùng người thân trong gia đình.
Thoái vốn tại Thalexim, 'ông trùm' xăng dầu Hải Linh sẽ chơi lớn ở lĩnh vực LNG?

Ngày 4/11, Công ty TNHH Hải Linh (Hải Linh) đăng ký bán ra 35,49 triệu cổ phiếu, tương đương 15% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP (viết tắt: Thalexim - Mã CK: TLP), nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Thương vụ dự kiến được thực hiện từ ngày 10/11 – 9/12/2021, thông qua phương thức khớp lệnh và/hoặc thoả thuận.

Động thái thoái vốn của Hải Linh diễn ra trong bối cảnh ‘ông trùm’ xăng dầu Bình Dương đã thua lỗ 2 quý liên tiếp do những tác động của dịch Covid-19.

Theo quan sát của VietTimes, việc thoái vốn của một trong những nhà đầu tư chiến lược của Thalexim dường như đã được lên kế hoạch từ nhiều năm trước.

Năm 2017, Thalexim chào đón sự tham gia của 3 nhà đầu tư chiến lược, bao gồm: Hải Linh, , Công ty TNHH TMDV Thiết bị Hướng Dương (Hướng Dương) và CTCP Xăng dầu và Dịch vụ hàng hải S.T.S (STS).

Tuy nhiên, tới Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, các cổ đông Thalexim đã chấp thuận cho các nhà đầu tư chiến lược được chuyển nhượng cổ phần trước thời hạn cam kết.

Đến tháng 9/2020, STS đã bán ra toàn bộ 34,4 triệu cổ phiếu TLP, triệt thoái vốn khỏi Thalexim.

Công ty TNHH Hải Linh lớn cỡ nào?

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, sau khi trở thành cổ đông chiến lược của Thalexim, doanh thu riêng lẻ của Hải Linh tăng trưởng vượt bậc trong các năm 2018 và 2019, lần lượt đạt 17.663,2 tỉ đồng và 18.879,6 tỉ đồng. Tương tự, quy mô tổng tài sản của công ty này, tính đến cuối năm 2019, đạt 12.257,7 tỉ đồng, tăng 66% so với đầu năm.

Ít ai biết rằng, trước khi đăng ký bán ra toàn bộ cổ phần Thalexim, Hải Linh đã 3 lần tăng vốn điều lệ trong 9 tháng đầu năm 2021, từ 1.700 tỉ đồng lên 1.950 tỉ đồng.

Tính đến ngày 28/9/2021, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Lê Văn Tám (SN 1966) góp 1.339 tỉ đồng, sở hữu 68,67% vốn điều lệ của Hải Linh. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hải – cùng địa chỉ thường trú với ông Lê Văn Tám – đứng tên cho 31,33% vốn còn lại.

Hải Linh trở thành đơn vị đầu mối xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu từ tháng 5/2015, sở hữu tổng kho xăng dầu Hải Linh Hải Phòng (sức chứa 76.450 m3), Kho xăng dầu Hải Linh Bắc Ninh (sức chứa 26.000 m3); Kho xăng dầu Hải Linh Phú Thọ (sức chứa 18.000 m3). Năm 2016, Hải Linh mua lại Kho xăng dầu Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với sức chứa giai đoạn 1 đạt 120.000 m3.

Bên cạnh đó, Hải Linh còn là chủ đầu tư dự án Kho tiếp vận LNG và tái hoá khí thiên nhiên Hải Linh Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư lên tới 8.536 tỉ đồng, tổng sức chứa 220.000 m3 LNG. Dự án nhằm tiếp nhận LNG từ nguồn nhập khẩu rồi tái hoá khí để cung cấp cho các hộ khách hàng tiêu thụ khí tại khu vực miền Nam.

Cùng với bước tiến trong lĩnh vực LNG, vào tháng 4/2019, Hải Linh đã thâu tóm toàn bộ cổ phần của Công ty TNHH Điện Lực Hiệp Phước (Hiệp Phước) – chủ đầu tư nhà máy điện Hiệp Phước - từ Công ty Power (JV) Company Hongkong Limited.

Theo tìm hiểu, nhà máy điện Hiệp Phước ban đầu được đầu tư theo hình thức BOO, nhận giấy phép đầu tư vào tháng 6/1993 với nguồn nguyên liệu đầu vào là dầu diesel.

Nhà máy này hoạt động từ tháng 7/1998 với tổng công suất 375 MW, song đã dừng hoạt động từ cuối năm 2011, sau khi đề nghị tăng giá bán điện lên gấp 3 lần để không bị thua lỗ nhưng không được chấp nhận. Được biết, sau khi mua lại nhà máy điện Hiệp Phước, Hải Linh sẽ tiến hành nâng cấp, cải tạo để có thể phát điện bằng nhiên liệu khí./.