|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Theo đó, số trái phiếu do Shinhan Finance Việt Nam phát hành không có tài sản đảm bảo nhưng có cam kết mua lại của bên thứ ba là Shinhan Card Co., Ltd - một công ty cung cấp thẻ tín dụng và là thành viên của Tập đoàn tài chính Shinhan (Hàn Quốc).
Các trái phiếu mà Shinhan Việt Nam phát hành bao gồm 2 loại kỳ hạn là 2 năm và 5 năm. Mức lãi suất áp dụng cho 2 loại kỳ hạn lần lượt là 6,5% và 6,95%/năm, tương đối rẻ nếu so với mặt bằng lãi suất trái phiếu của các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong nước phát hành.
Trái chủ của lô trái phiếu này không được đề cập cụ thể mà chỉ được cho biết là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Tổ chức tư vấn phát hành là Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam. Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) là tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu, đại lý đăng ký, lưu ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng.
Được biết, Shinhan Finance Việt Nam mới được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cấp phép hoạt động từ tháng 5/2019, có vốn điều lệ là 615 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 1/2019, NHNN đã cho phép Tập đoàn Shinhan Hàn Quốc mua lại toàn bộ công ty tài chính Prudential Việt Nam. Cụ thể, NHNN chấp thuận cho Prudential Holborn Life Limited chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV tài chính Prudential Việt Nam (Prudential Finance) cho Công ty Shinhan Card Co., Ltd. Thương vụ này ước tính có giá trị khoảng 151 triệu USD.
Ngày 5/9/2019, một công ty tài chính có 100% vốn nước ngoài khác là Công ty Tài Chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam) đã phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Lô trái phiếu có kỳ hạn 1 năm với mức lãi suất 8% năm.
Bên cạnh 2 công ty kể trên, theo tìm hiểu của VietTimes, hiện còn 5 công ty tài chính có 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, bao gồm: Công ty tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam, Công ty tài chính TNHH HD Saison, Công ty tài chính TNHH MTV Home credit Việt Nam, Công ty tài chính TNHH MTV Quốc tế Việt Nam JACCS và Công ty tài chính TNHH MTV Toyota Việt Nam.
Sự tham gia của dòng vốn đầu tư nước ngoài một mặt cho thấy tiềm năng của lĩnh vực tài chính tiêu dùng trong nước, mặt khác cũng làm cho thị trường này ngày càng trở nên cạnh tranh hơn.
Về mặt thị phần lĩnh vực tài chính tiêu dùng, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang chiếm ưu thế, trong đó có thể kể tới vị thế dẫn đầu của FE Credit. Công ty này cũng được coi là “gà đẻ trứng vàng” của VPBank khi đóng góp hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Tuy nhiên, các công ty tài chính ngoại cũng có lợi thế về nguồn vốn giá rẻ, cùng sự hỗ trợ của các tập đoàn lớn đứng sau./.