Trang Kỹ thuật Thú vị (Engineering Interesting), dẫn tuyên bố của Rafael mô tả tên lửa mới của công ty là một phương pháp phòng thủ sáng tạo trước mối đe dọa ngày càng tăng của vũ khí siêu thanh. Công ty dự kiến giới thiệu thiết kế nguyên mẫu vũ khí tại Triển lãm hàng không Paris, được định hướng cho thị trường châu Âu.
Theo tuyên bố của công ty, hệ thống đánh chặn siêu thanh sẽ sử dụng giải pháp công nghệ độc đáo nhưng tuân theo những nguyên tắc thiết kế tương tự như các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa khác của Rafael. Hệ thống sử dụng kiến trúc mở dạng mô-đun, cung cấp sự linh hoạt tối đa. Rafael đã trình bày dự án với Bộ Quốc phòng Mỹ và phản hồi của Lầu Năm Góc là "tích cực".
TS Yuval Steinitz, chủ tịch Rafael giải thích: “Rafael đã nhận thức rõ ràng sự gia tăng mạnh mẽ của mối đe dọa siêu thanh, khơi dậy sự quan tâm lớn trên trường quốc tế từ năng lực tác chiến trên chiến trường đã được kiểm chứng và thực tế địa chính trị đã hình thành nhiều nguy cơ siêu thanh mới. Chúng tôi đang theo dõi sự phát triển và những mối đe dọa mới nổi trong bối cảnh an ninh hiện nay và nỗ lực phát triển những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất. Dự án Sky Sonic là một phát triển sáng tạo, độc đáo của loại hình phòng thủ đối với mối đe dọa vũ khí siêu thanh”.
Tuyên bố của Rafael cho biết: “Khả năng phòng thủ thành công trước những mối đe dọa siêu thanh đòi hỏi một phương thức tiếp cận đa diện, không chỉ bao gồm đối phó với tốc độ của vũ khí mà còn khả năng phát hiện, theo dõi và đánh chặn hiệu quả những đường bay không thể dự đoán của đầu đạn”.
Trong một buổi thuyết trình, các quan chức Rafael đã chia sẻ những thông tin kỹ thuật về mối đe dọa siêu thanh và trình chiếu một video về "Sky Sonic". Đại diện Rafael nhấn mạnh, những mối đe dọa "siêu thanh" không chỉ có đặc điểm về tốc độ cao (tên lửa đạn đạo di chuyển với vận tốc Mach 5 hoặc lớn hơn) mà còn có tính chất ngẫu nhiên của đường bay, đạn có thể lướt trên sóng xung kích và cơ động theo quỹ đạo khó dự đoán. Đặc tính kỹ thuật này đặt ra thách thức tương tự như khả năng đánh chặn những tên lửa hành trình tốc độ siêu âm bay thấp, có thể liên tục đổi hướng hoặc đường bay qua những thung lũng thấp theo địa hình.
Công ty cho biết: “Ý tưởng phát triển một khả năng phòng thủ tên lửa toàn diện chống lại các mối đe dọa siêu thanh đặt ra những thách thức phức tạp, trong đó là những khó khăn trong khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu, đòi hỏi phải có một hệ thống cảm biến đồng bộ đa tầm, có khả năng xác định và định vị chính xác đầu đạn siêu thanh trong suốt đường bay”.
Để có khả năng đánh chặn vũ khí siêu thanh hiệu quả, tên lửa đánh chặn phải sở hữu tốc độ siêu thanh và khả năng cơ động đặc biệt linh hoạt khi di chuyển trên quỹ đạo đường bay phi đạn đạo. Công ty cũng chưa công bố tầm bắn và độ cao chiến đấu của tên lửa đánh chặn. Trong cuộc họp báo, các giám đốc điều hành tuyên bố, công ty đã phát triển một công nghệ tiên tiến cho tên lửa đánh chặn nhưng không cung cấp chi tiết cụ thể về công nghệ này.
Công ty hiện đang nghiên cứu những mối đe dọa khu vực và tiềm năng xuất khẩu. Israel đã báo cáo, doanh thu xuất khẩu quốc phòng đạt trị giá kỷ lục 12,5 tỉ USD, Rafael là một trong ba công ty quốc phòng lớn nhất của quốc gia này. Hơn thế nữa, công ty Rafael có vai trò là trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) chính trong lĩnh vực trang thiết bị quốc phòng của Israel.
Rafael sẽ giới thiệu nhiều hệ thống vũ khí khác nhau của doanh nghiệp tại Triển lãm Hàng không Paris, trong đó có các hệ thống "Iron Dome" và "David's Sling" . Công ty cũng sẽ tổ chức hội thảo về hệ thống "Iron Beam", một hệ thống phòng không sử dụng laser, tích hợp với hệ thống "Iron Dome".
Theo Interesting Engineering