Công ty khởi nghiệp Nhật Bản thất bại trong sứ mệnh lần đầu tiên đổ bộ lên Mặt Trăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 26/4, Công ty khởi nghiệp Nhật Bản Ispace tuyên bố, lần đầu tiên thực hiện sứ mệnh đưa tàu đổ bộ hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng đã thất bại, nhưng cam kết sẽ tiếp tục thực hiện những sứ mệnh mới.
Các nhân viên của Ispace ở Tokyo sau khi nhận biết đã mất tín hiệu từ tàu đổ bộ mặt trăng Hakuto-R. Ảnh Reuters
Các nhân viên của Ispace ở Tokyo sau khi nhận biết đã mất tín hiệu từ tàu đổ bộ mặt trăng Hakuto-R. Ảnh Reuters

Tàu đổ bộ Hakuto-R Mission 1 không người lái của công ty được lên kế hoạch đổ bộ xuống bề mặt Mặt Trăng trong đêm ngày 25 rạng ngày 26/4, nhưng khoảng 25 phút sau khi tiến hành hoạt động đổ bộ, công ty không thể thiết lập liên lạc với thiết bị.

Ispace trong thông cáo báo chí cho biết: “Các chuyên gia cho rằng, khả năng cao là tàu đổ bộ cuối cùng đã mất điều khiển và rơi xuống bề mặt mặt trăng.”

Công ty cho biết, các kỹ sư đang tìm kiếm và xác định nguyên nhân, tại sao quy trình đổ bộ của thiết bị thất bại.

Takeshi Hakamada, người sáng lập và giám đốc điều hành cho biết: “Mặc dù chúng tôi không hoàn toàn mong đợi cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng thành công vào thời điểm này, nhưng chúng tôi tin rằng đã hoàn thành sứ mệnh với đầy đủ ý nghĩa, thu được rất nhiều dữ liệu và kinh nghiệm. Điều quan trọng là sứ mệnh đã cung cấp kiến ​​thức và kinh nghiệm cho việc thực hiện sứ mệnh II và những phát triển tiếp theo.

Ông cho biết, công ty hiện đang phát triển 2 kế hoạch đổ bộ tiếp theo lên bề mặt Mặt Trăng và thất bại này sẽ là bài học kinh nghiệm lớn cho sứ mệnh tiếp theo.

Nhưng sự cố đổ bộ thất bại là một kết thúc không may mắn cho sứ mệnh, được bắt đầu bằng nhiệm vụ đưa tàu vũ trụ đổ bộ lên quỹ đạo Mặt Trăng tháng 12/2022 bằng tên lửa vận tải SpaceX Falcon 9.

Có chiều cao hơn 2 mét và nặng 340 kg, tàu đổ bộ tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng tháng 3/2023. Quá trình đổ bộ và hạ cánh của thiết bị hoàn toàn tự động và tàu đổ bộ Hakuto-R được cho là sẽ thiết lập liên lạc ngay khi hạ cánh thành công.

Cho đến nay, chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc thành công đổ bộ tàu vũ trụ lên bề mặt Mặt Trăng, tất cả đều là các chương trình cấp nhà nước.

Tàu đổ bộ mặt trăng Hakuto-R của công ty khởi nghiệp Nhật Bản Ispace. Ảnh Reuters.

Tàu đổ bộ mặt trăng Hakuto-R của công ty khởi nghiệp Nhật Bản Ispace. Ảnh Reuters.

Tháng 4/2019, tổ chức SpaceIL của Israel thực hiện không thành công sứ mệnh chinh phục vệ tinh Trái Đất, ​​​​tàu đổ bộ của nhóm đã mất điều khiển và lao xuống bề mặt Mặt Trăng.

Ấn Độ cũng cố gắng đổ bộ tàu vũ trụ trên Mặt Trăng năm 2016, nhưng cuộc đổ bộ thất bại.

Hai công ty công nghệ không gian Mỹ, Astrobotic và Intuitive Machines, dự kiến ​​sẽ tiến hành cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng cuối năm 2023.

Những thất bại trong các nỗ lực chinh phục vũ trụ và Mặt Trăng thường xảy ra, nhưng đó cũng là những bài học kinh nghiệm đắt giá cho những chương trình khác nhau. “Chúng tôi xin chúc mừng nhóm Ispace, đã hoàn thành một số cột mốc quan trọng trên hành trình dẫn đến cuộc đổ bộ ngày hôm nay,” Astrobotic cho biết trong một tweet. “Chúng tôi hy vọng mọi người nhận thấy, hôm nay không phải là ngày rời bỏ những nỗ lực chinh phục Mặt Trăng, mà là cơ hội để học hỏi từ thất bại và tiếp tục tiến về phía trước.”

Ispace, niêm yết cổ phiếu trên Thị trường Tăng trưởng Giao dịch Chứng khoán Tokyo vào đầu tháng 4, đã có kế hoạch cho sứ mệnh tiếp theo trong dự án khám phá Mặt Trăng trước khi Hakuto-R đổ bộ thất bại.

Tàu vũ trụ, mang tên chú thỏ trắng thần thoại, sống trên mặt trăng trong văn hóa dân gian Nhật Bản được phóng từ mũi Cape Canaveral, Florida ngày 11/12 trên một tên lửa vận tải Falcon 9 của SpaceX.

Tàu đổ bộ mang theo một số xe tự hành hoạt động trên mặt trăng và một robot hình tròn, có kích thước bằng quả bóng chày do cơ quan vũ trụ Nhật Bản và nhà sản xuất đồ chơi Takara Tomy, thiết kế và chế tạo đồ chơi Transformer cùng phát triển.

Tàu vũ trụ mang theo xe tự hành Rashid nặng 10 kg, có kích thước bằng chiếc ghế do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất phát triển và một hệ thống ghi hình ảnh thử nghiệm của hãng Canadensys Aerospace.

Có biên chế 200 nhân viên kỹ thuật và kỹ sư, Ispace tuyên bố: “Đặt mục tiêu trọng tâm trong hoạt động của doanh nghiệp là mở rộng phạm vi không gian sống của con người vào vũ trụ, phát triển một thế giới bền vững bằng giải pháp cung cấp các dịch vụ vận chuyển tần suất cao, chi phí thấp lên Mặt Trăng”.

Ông Hakamada nhấn mạnh, sứ mệnh này nhằm đặt “nền tảng cơ sở để khai thác tiềm năng của Mặt Trăng và biến vệ tinh thành một hệ thống kinh tế, phát triển năng động và mạnh mẽ.” Công ty tin rằng Mặt Trăng sẽ có dân số khoảng 1.000 người vào năm 2040 và 10.000 người viếng thăm, làm việc mỗi năm.

Kế hoạch của công ty cho sứ mệnh thứ II, dự kiến sẽ được thực hiện ​​​​vào năm 2024, bao gồm nhiệm vụ đổ bộ thành công lên bề mặt Mặt Trăng và triển khai xe tự hành thăm dò bề mặt vệ tinh Trái Đất.

Theo Japan Times