|
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), hoạt động bán hàng đa cấp dựa chủ yếu vào thực phẩm chức năng và mỹ phẩm (chiếm 83% doanh thu, trong đó thực phẩm chức năng chiếm tới 59%). Ảnh: Bộ Công thương |
Cụ thể, tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng 7 điều kiện:
1- Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
2- Có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.
3- Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Nghị định này.
4- Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
5- Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của Nghị định này.
6- Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.
7- Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.
Có 3 trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp: 1- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực mà không được gia hạn; 2- Doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; 3- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi.
Đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương
Nghị định cũng quy định cụ thể quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, trong đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp được coi là có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nếu thuộc một trong các trường hợp: Doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện có thực hiện chức năng liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại địa phương; doanh nghiệp có người tham gia bán hàng đa cấp cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú) hoặc thực hiện hoạt động tiếp thị, bán hàng theo phương thức đa cấp tại địa phương.
Doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp sau khi có xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bằng văn bản của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó.
Trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm ủy quyền cho một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để thay mặt doanh nghiệp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm lưu trữ, xuất trình hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 2/5/2018.