Công nghệ Y tế 4.0: Chuyển đổi phương thức làm việc và hình thành “người thầy thuốc số”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Ngày 20/6/2022 tại khách sạn Melia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo và Triển lãm Công nghệ Y tế 4.0 (MEDTECH 4.0) với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia y tế và CNTT.
Hội thảo Công nghệ Y tế 4.0
Hội thảo Công nghệ Y tế 4.0

Sự kiện này do Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Thiết bị Y tế Việt Nam, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam và Công ty TNHH Xúc tiến Thương mại và Truyền thông BHub Việt Nam phối hợp tổ chức.

Không trực tiếp tham dự được, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã gửi bài phát biểu đến hội thảo. Trong đó, ông nhấn mạnh những tác động chính của cuộc CMCN 4.0 đến ngành y tế:

Thứ nhất, cuộc CMCN 4.0 tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ các cơ quan, đơn vị trong ngành, hướng đến những cách thức mới và ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số.

Thứ hai là tác động trực tiếp đến việc cung cấp và dịch vụ từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi.

Thứ ba là tác động đến cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ, cán bộ, thầy thuốc, bác sĩ và người lao động trong ngành, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành “người thầy thuốc số”.

Còn theo GS.TS Nguyễn Văn Kính – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng hội Y học Việt Nam - chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ mới trong ngành y tế đem lại cho các bác sĩ cơ hội làm việc tốt hơn như thực hiện các dịch vụ y tế từ xa (Tele Medicine), ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hội chẩn tốt hơn và người bệnh cũng được hưởng lợi với việc có được các bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cùng với rất nhiều kỹ thuật và công nghệ tiên tiến không kém gì các quốc gia khác.
"Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn là quyết định và lãnh đạo các cơ sở y tế tại Việt Nam cần phải thực sự quyết liệt trong chuyển đổi số" - ông Kính nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế - cho biết, sắp tới chúng ta sẽ thường xuyên đề cập đến khái niệm “bệnh viện 3 không”: Không giấy tờ, Không xếp hàng, Không thanh toán bằng tiền mặt. Ngành y tế sẽ đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa để người dân không đến bệnh viện mà vẫn có thể tiếp cận được dịch vụ y tế thông qua công nghệ số. Như vậy sẽ giúp chúng ta chủ động trong chăm sóc sức khỏe người dân. Đây là định hướng chuyển đổi số ngành y tế trong giai đoạn tới.

Trong phần giao lưu tại phiên hội thảo toàn thể, Đại tá, bác sĩ Trần Quốc Việt – Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - cho biết, chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong các bệnh viện là bước đi tất yếu và bệnh viện của ông đã chủ động ứng dụng. Tuy nhiên, với các nhu cầu phát sinh thì đương nhiên cũng lại phải tính đến chi phí. Vì thế, các đối tác cung cấp dịch vụ phải thiết kế hệ thống mở và vấn đề là làm sao tính trước được các nhu cầu phát sinh đó.

Các diễn giả trong phần giao lưu của hội thảo

Các diễn giả trong phần giao lưu của hội thảo

Đại diện cho giới cung cấp dịch vụ và giải pháp chuyển đổi số, ông Nguyễn Xuân Việt – Giám đốc Công nghệ của Công ty Hệ thống Thông tin FPT - cho biết, FPT luôn tính trước các nhu cầu phát sinh của khách hàng và phương thức thanh toán giữa hai bên không phải là bán giải pháp toàn phần mà các bệnh viện chỉ cần trả chi phí thuê thêm cho các dịch vụ mới.

Ông Lê Anh Quân – Phó giám đốc Giải Pháp Tài chính của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) - đề cập việc thanh toán viện phí của người bệnh luôn là vấn đề hết sức quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề thanh toán số về cơ bản mới chỉ diễn ra thuận lợi ở các bệnh viện lớn. Cho tới nay, vẫn có không ít người bệnh vẫn giữ thói quen mang theo tiền mặt với số lượng không nhỏ và điều này là vừa phiền phức vừa không an toàn.

Nói thêm về thực tế này, Đại tá, bác sĩ Trần Quốc Việt cho biết, Bệnh viện Quân y 175 hiện đang làm dịch vụ giữ hộ tiền mặt cho bệnh nhân và người nhà của họ. Sau đó, họ sẽ được nhận một thẻ thanh toán để thực hiện thanh toán số cho các dịch vụ cần chi trả của bệnh viện. Đến khi bệnh nhân ra viện, họ sẽ được trả lại số tiền còn dư sau khi đã chi trả các dịch vụ.

Chuyển sang thanh toán số, đương nhiên có một vấn đề nảy sinh là các nhân viên thu ngân bằng tiền mặt sẽ trở thành lao động dôi dư. Tuy nhiên, chuyển đổi số là tiến trình không thể đảo ngược của các bệnh viện và các lãnh đạo phải tính đến để bố trí họ cho các công việc khác.
Theo Đại tá, bác sĩ Trần Quốc Việt, bản thân các bệnh viện rất cần đến dịch vụ tư vấn độc lập về chuyển đổi số và sẵn sàng trả chi phí. Việc này rất cần một hành lang hướng dẫn thực hiện dịch vụ tư vấn do Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông cùng thống nhất ban hành.

Ông Like Treloat – Phó Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và kiểm toán KPMG Việt Nam - đánh giá chất lượng ngành y tế của Việt Nam hiện không hề thua kém nhiều nước và quá trình chuyển đổi số đang diễn sẽ càng làm cho chất lượng này trở nên tốt hơn. Việt Nam đang thu hút nhiều đầu tư nước ngoài và khách du lịch quốc tế. Chính vì thế, khách nước ngoài cũng cần được các cơ sở y tế Việt Nam phục vụ và chắc chắn đây sẽ là nguồn thu không hề nhỏ.