Thực tế ảo (VR-Virtual Reality) là công nghệ giúp con người có thể cảm nhận được không gian ảo một cách chân thực nhất nhờ vào các thiết bị đeo đi kèm. VR miêu tả môi trường được giả lập (ảo hóa) do con người tạo ra nhờ vào các phần mềm chuyên dụng và do thiết bị thông minh điều khiển.
Ngoài việc tạo ra không gian ảo, công nghệ VR còn có thể tương tác thực tế với người dùng qua cử chỉ và nhiều giác quan khác nhau như: thính giác, khứu giác và xúc giác.
VR và AR hưởng lợi từ 5G
Các nhà mạng di động lớn của Nhật Bản chính thức triển khai các dịch vụ 5G thương mại vào tháng 3/2020. 5G được quảng cáo là khởi đầu của một kỷ nguyên kỹ thuật số mới, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như vạn vật kết nối (IoT), xe tự lái và chuyển đổi số.
Song, chính xác 5G sẽ thay đổi cuộc sống hàng ngày của mọi người như thế nào? Theo người trong ngành, một điều đáng mong đợi ở đây là thế giới ảo và thế giới thực được tích hợp chặt chẽ hơn.
Các chuyên gia dự đoán, tận dụng khả năng của 5G với việc truyền dữ liệu tốc độ cao và độ trễ thấp, thực tế tăng cường (AR-Augmented Reality) và VR sẽ được đưa vào các dịch vụ truyền thông và giải trí của mọi người. Mạng 5G tạo điều kiện phát triển các thiết bị mới như kính thông minh và vượt qua smartphone về tính phổ biến.
Tuy nhiên, phạm vi phủ sóng của mạng 5G hiện nay khá hạn chế, phải mất nhiều năm để công chúng thực sự cảm nhận được những thay đổi do mạng 5G mang lại.
AR cho phép hiển thị nội dung số trong môi trường thực tế thông qua máy ảnh. Để sử dụng được công nghệ này, thiết bị cần được trang bị hệ thống nhận biết vật thể, bao gồm mô tả vật thể là gì, hình dạng của vật thể, vị trí của vật thể trong không gian 3 chiều. Sau đó, sử dụng các thuật toán và công nghệ khác đi kèm để tái lập hình ảnh của vật thể vào không gian thực.
Chẳng hạn, bạn tạo ra một chiếc ghế ảo, thiết bị của bạn cần tính toán sao cho đặt chiếc ghế đó vào không gian thật (nhà ở, văn phòng) để chuẩn xác nhất theo kích thước thực tế. Với sự phổ biến ngày càng tăng của AR trong video game, các nhà phát triển tin rằng 5G sẽ làm AR phát triển hơn cả trong và ngoài ngành công nghệ.
Pokemon GO là một ví dụ điển hình về ứng dụng công nghệ AR vào game. Trò chơi này từng gây sốt toàn cầu, mang về cho nhà phát triển doanh thu hàng tỷ USD. Điều mang đến thành công cho Pokemon GO chính là việc áp dụng AR nhằm tăng trải nghiệm và thú vị cho người dùng.
Tuy nhiên với mạng 4G hiện tại, tốc độ truyền tải dữ liệu thấp hơn và độ trễ cao hơn xảy ra hiện tượng lag khi chơi các game AR. Trong khi đó, mạng 5G phù hợp hơn nhờ khả năng truyền tải dữ liệu lớn nhanh chóng với độ trễ thấp. Độ trễ trong 5G chỉ là 1 mili giây, tốt hơn 10 lần so với 4G. Nó cho phép phản hồi tức thời và trải nghiệm chơi mượt mà hơn trong các trò chơi AR.
Bên cạnh đó, mạng 5G cũng sẽ cho phép các nhà phát triển trò chơi sáng tạo nội dung phong phú hơn. Các game có đồ họa AR thường khá đơn giản vì game phức tạp đòi hỏi nhiều dữ liệu, do đó cần mạng có tốc độ và dung lượng cao. Tốc độ truyền dữ liệu của 5G về lý thuyết nhanh hơn 100 lần so với 4G.
Nhiều dấu hiệu tốt cho AR
Ngoài ra, còn có các dấu hiệu khác cho thấy việc sử dụng AR sẽ phổ biến hơn trong kỷ nguyên 5G, như động thái của Apple trong phát triển kính thông minh.
4G phổ biến smartphone trên toàn cầu song các chuyên gia không chắc chắn thời gian trị vì của loại thiết bị này sẽ kéo dài bao lâu. Toshiaki Morimoto – Giám đốc điều hành của Graffity, công ty chuyên về game AR - dự đoán kính thông minh sẽ trở nên phổ biến nhờ kết hợp giữa 5G và AR. Vì AR liên quan đến việc sử dụng kết hợp chặt chẽ các hệ thống quang học và camera, các loại kính thông minh rất phù hợp với công nghệ này.
Tsutomu Taguchi, người đứng đầu nhóm phát triển 5G của nhà mạng NTT Docomo cho rằng điện thoại thông minh có thể là thiết bị chính của mọi người trong một thời gian vì quá quen thuộc. Tuy nhiên, có thể 5G sẽ mở đường cho các dịch vụ mới tương thích hơn với các thiết bị khác nhau. Điện thoại thông minh không nhất thiết phải được thiết kế tốt cho nội dung AR và VR.
Trên thực tế, NTT Docomo cũng đang đặt cược vào kính thông minh. Nhà mạng đã đầu tư khoảng 30 tỷ Yên vào startup Magic Leap có trụ sở tại Mỹ, nơi phát triển kính AR. Google và Alibaba cũng rót vốn vào Magic Leap. NTT Docomo cho biết sẽ bán thiết bị của Magic Leap trong năm nay.
Các yếu tố thúc đẩy sự gia tăng của AR không chỉ là 5G mà còn là sự phát triển của máy ảnh và cảm biến, Takuya Kamei, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu Nomura cho biết.
Thật vậy, các thiết bị gần đây của các hãng smartphone hàng đầu thế giới cho thấy điều họ quan tâm nhất là phô trương công nghệ máy ảnh. Vài mẫu mới nhất được trang bị nhiều hệ thống ống kính và cảm biến với hơn 100 triệu pixel và khả năng chụp ảnh độ phân giải cực cao 8K. Ông Kamei cho rằng máy ảnh và cảm biến được cải tiến sẽ đẩy nhanh thói quen nhìn mọi thứ qua ống kính máy ảnh.
Ông Kamei dự đoán nhiều thông tin số sẽ được tích hợp vào các quang cảnh hàng ngày. Chẳng hạn, nếu ai đó giơ điện thoại thông minh trước nhà hàng và nhìn qua camera, họ có thể thấy xếp hạng hoặc thực đơn dưới dạng AR.
Thể thao cũng là một lĩnh vực có thể tích hợp AR nhiều hơn. Nhà mạng KDDI, một trong ba nhà mạng lớn của Nhật Bản, đã cung cấp kính thông minh cho hàng chục khán giả tại sân vận động Toyota để thưởng thức các trận đấu bằng AR. Nó có thể hiển thị các chi tiết như số lần sút bóng và chuyền bóng trong thời gian thực.
Ông Taguchi nhận định: “Chúng ta chưa thể tận dụng hoàn toàn 5G ngay lập tức. Cũng giống như các hệ thống thông tin di động trước đây, chẳng hạn 4G, cần phải có thời gian để phát triển từng bước”.