Công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 12 về 'Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin' (FAIR) chủ đề 'Công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4' diễn ra tại Huế.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: foodmanufacture.co.uk)

Ngày 7/6, tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức khai mạc Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 12 về “Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin” (FAIR) chủ đề “Công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.”

Hội nghị kéo dài đến ngày 8/6, thu hút sự tham gia của gần 300 chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên các trường đại học trong cả nước.

Phát biểu khai mạc, phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Huế, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị cho biết hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 12 về “Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ thông tin” là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên các trường đại học trong nước cùng trao đổi các đề tài khoa học.

Đây cũng là nơi các nhà khoa học trình bày và thảo luận kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin mới nhất của mình với đồng nghiệp. Từ đó, góp phần giải đáp những câu hỏi lớn mà ngành Công nghệ thông tin vẫn đang đối diện cũng như ứng dụng thành tựu khoa học của ngành vào sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội nghị cũng mở ra cơ hội để cán bộ, giảng viên các trường đại học trao đổi kiến thức, học thuật, kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học với những giáo sư đầu ngành công nghệ thông tin; góp phần thúc đẩy nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày gần 100 báo cáo trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin.

Hội nghị được phân thành 6 tiểu ban, tập trung trình bày và thảo luận các vấn đề liên quan đến hệ thống thông tin; khoa học và công nghệ tính toán; công nghệ đa phương tiện; công nghệ mạng-truyền thông và an toàn thông tin; khoa học dữ liệu; công nghệ tri thức.

Trong số đó có nhiều công trình nghiên cứu nổi bật như định vị nguồn phát sóng vô tuyến bằng phương pháp DRSSI cải tiến; kỹ thuật định vị đối tượng trong hệ thống camera giám sát phục vụ theo dõi trực quan; lập trình điều khiển mobile robot sử dụng arduino maga 2560 kết hợp module bluetooth HC05; hệ thống phân loại ảnh xuất huyết não theo hướng tiếp cận xử lý dữ liệu lớn; xây dựng ngữ liệu song ngữ Anh-Việt từ nguồn tài nguyên internet./.

 Theo TTXVN/Vietnam+

http://www.vietnamplus.vn/cong-nghe-thong-tin-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu/573555.vnp