Công nghệ rửa cát sạch đầu tiên của người Việt

Biến cát san lấp thành cát xây dựng, tăng tuổi thọ công trình, tiết kiệm ximăng và nhân công… là những tính năng nổi bật của thiết bị sàng lọc và rửa cát do Võ Tấn Dũng - một nhà sáng chế không chuyên ở Cần Thơ - chế tạo.
Tác giả Võ Tấn Dũng và thiết bị sàng lọc, rửa cát do ông chế tạo. Ảnh: NV
Tác giả Võ Tấn Dũng và thiết bị sàng lọc, rửa cát do ông chế tạo. Ảnh: NV

Tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên

Là Giám đốc Công ty Phan Thành - chuyên về vận tải và xây dựng, ông Võ Tấn Dũng có cơ hội đi nhiều nơi từ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến miền Đông Nam Bộ. Ông nhận thấy trong khi các công trình xây từ thời Pháp thuộc vẫn tốt thì các công trình mới xây lại xuống cấp, tường ẩm thấm, rong rêu, bong tróc.

Bắt tay vào tìm hiểu, ông nhận thấy nguyên nhân là chất lượng bêtông kém do cát không sạch. “Tình trạng mua cát ở các cửa hàng vật liệu về sàng thủ công rồi dùng ngay đang rất phổ biến. Việc sàng cát chỉ loại bỏ rác lớn và sỏi chứ không làm sạch được bụi, bùn, sét, chất hữu cơ” - ông Dũng cho biết.

Năm 2007, ông Dũng bắt đầu nghiên cứu chế tạo thiết bị sàng lọc và rửa cát. Phiên bản đầu tiên chỉ giúp sàng rửa, cho ra cát sạch. Tiếp tục cải tiến, ông cho ra thiết bị vừa sàng rửa vừa phân loại cát sạch để đáp ứng các nhu cầu khác nhau trong xây dựng.

“Cát được đổ vào hệ thống để sàng lọc, tách tạp chất, phân loại theo kích thước hạt. Cát sạch lắng dưới đáy hầm thu, sau đó được phơi trên nền bêtông, được phân tích độ sạch và kích cỡ thành phần hạt để xác định chủng loại nhằm cung cấp cho khách hàng theo đúng yêu cầu. Tỷ lệ bụi ở cát đã xử lý chỉ còn dưới 0,8%. Trong quá trình lọc, nước thải mang theo cát nhỏ và bụi sẽ chảy vào hồ lắng, được thu hồi làm cát san lấp nền” - ông Dũng cho biết.

Thiết bị sàng lọc và rửa cát có khả năng xử lý 150m3 cát mỗi giờ. Việc phân loại cát trải qua nhiều công đoạn: Tách thô, tách tinh và tách bằng lực của dòng nước.

Thạc sỹ (ThS) Lê Văn Quang - Trung tâm Vật liệu xây dựng miền Nam - nhận xét, thiết bị này phù hợp với TPHCM và đặc biệt là khu vực ĐBSCL - nơi thiếu cát chuẩn để sản xuất bêtông. “ĐBSCL là vựa cát rất lớn do sông Mêkông mang lại; nhưng hiện nay, cát ở đây chủ yếu được sử dụng để san lấp, rất lãng phí. Giải pháp rửa cát của ông Dũng giúp tiết kiệm tài nguyên và cung cấp thêm nguồn vật liệu tốt cho xây dựng”.

Theo ông Quang, đây là thiết bị rửa và phân loại cát hiệu quả đầu tiên của Việt Nam. Mặc dù một số người khác cũng đã chế tạo máy rửa cát, nhưng chưa đưa ra được một quy trình cụ thể và theo quy chuẩn như thiết bị của ông Võ Tấn Dũng.

Tăng tuổi thọ công trình, giảm chi phí

Theo ThS Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ, cát được làm sạch và phân loại bằng hệ thống trên sẽ đảm bảo tuổi thọ công trình đến hàng trăm năm. “Lấy ví dụ một công trình trị giá 1 tỷ đồng - lẽ ra có thể sử dụng 100 năm, nhưng nếu dùng cát kém chất lượng, tuổi thọ công trình sẽ chỉ còn 30-40 năm, nghĩa là thiệt hại 600-700 triệu đồng” - ông Ngọc phân tích.

Kỹ sư Hà Văn Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng Cần Thơ - thì cho rằng: “Một công trình dùng cát lẫn tạp chất thường bắt đầu hỏng sau khoảng 20-30 năm, nhưng nếu sử dụng cát đạt tiêu chuẩn, đúng kỹ thuật thì sau 50-70 năm vẫn chưa phát hiện dấu hiệu suy giảm chất lượng”.

Công nghệ làm sạch và sàng lọc cát này đã được chuyển giao cho Công ty cổ phần cát đá Việt sàng rửa sạch (Cần Thơ) từ đầu năm 2016. Ông Châu Hoàng Trung - Phó Giám đốc kỹ thuật của công ty - cho biết: Trước đây, cát khai thác lên được dùng luôn để trộn bêtông nên rất tốn ximăng. Từ khi được chuyển giao công nghệ của Công ty Phan Thành, mỗi mét khối bêtông tiết kiệm được 43kg ximăng. Ngoài ra, chi phí nhân công cũng giảm do tiết kiệm được khâu sàng cát thủ công.

Theo tính toán của ThS Lê Thành Phiêu - Đại học Cần Thơ, hiện giá mỗi mét khối cát thường rẻ hơn cát sạch khoảng 30.000 đồng. Tuy nhiên, nếu tính cả 10% tạp chất phải bỏ đi trong cát thường, chi phí để sàng, đãi tạp chất, chi phí tiết kiệm ximăng… thì mỗi mét khối cát sạch giúp tiết kiệm 58.000 đồng.

Ông Châu Hoàng Trung hào hứng cho biết, nhờ thiết bị sàng lọc cát sạch, lợi nhuận của công ty tăng gần 90 triệu đồng/tháng, số người biết đến và sử dụng cát sạch ở Cần Thơ ngày càng tăng lên.

Thiết bị sàng lọc cát sạch của Công ty Phan Thành từng đoạt giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (Vifotec) năm 2011, giải dành cho giải pháp xuất sắc nhất năm 2011 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao tặng và bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngày 3/10/2016, thiết bị đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế.

Theo Khoa học và Phát triển