|
Nhận dạng khuôn mặt được sử dụng khắp Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Một tòa án ở Hàng Châu đã đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ kiện đầu tiên của Trung Quốc về việc sử dụng nhận dạng khuôn mặt sau khi cả hai bên nộp đơn kháng cáo, giữ nguyên phán quyết ban đầu và yêu cầu xóa dữ liệu bổ sung.
Vào cuối năm 2019, công viên Safari Hàng Châu đã thay thế hệ thống vào cửa dựa trên dấu vân tay bằng một hệ thống sử dụng nhận dạng khuôn mặt, khách hàng sẽ bị từ chối vào cửa nếu họ không sử dụng hệ thống mới.
Guo Bing, Phó Giáo sư luật tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Chiết Giang, lo ngại rằng hệ thống mới này có thể được sử dụng để "đánh cắp" danh tính của người dùng và đã yêu cầu hoàn lại tiền. Khi Công viên từ chối, ông Guo đã khởi kiện vì vi phạm hợp đồng.
Ông nói với tờ Southern Metropolis Daily vào thời điểm đó : "Mục đích của vụ kiện không phải để được bồi thường mà là để chống lại việc lạm dụng nhận dạng khuôn mặt."
|
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng cho cơ sở làm thủ tục tại ga tàu sân bay Đại Hưng ở Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua |
Vào tháng 11 năm ngoái, tòa án Nhân dân Hàng Châu đã yêu cầu Công viên Safari bồi thường cho ông Guo 1.038 NDT (tương đương 158 USD) và xóa dữ liệu khuôn mặt của ông. Tuy nhiên, tòa án không công nhận hành vi của công viên Safari là gian lận. Cả hai bên đều kháng cáo.
Vào ngày 9/4, tòa án tuyên bố sẽ giữ nguyên các phán quyết ban đầu, nhưng yêu cầu công viên xóa thông tin dấu vân tay của ông Guo.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin đây là một vụ kiện mang tính bước ngoặt; một số chuyên gia pháp lý, bao gồm cả bản thân ông Guo, tin rằng vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng.
People's Daily đã đăng một bài bình luận nói rằng phán quyết cuối cùng của tòa án có nghĩa là mọi người có thể "dũng cảm nói không với nhận dạng khuôn mặt".
Ông Guo nói với Southern Metropolis Daily rằng ông đang cân nhắc xem có nên nộp đơn yêu cầu xét xử lại hay không vì tòa án đã không xem xét kỹ lưỡng việc viên Safari từ chối tiếp nhận những khách hàng không cung cấp dữ liệu khuôn mặt của họ.
He Yuan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật Dữ liệu của Đại học Giao thông Thượng Hải, cho biết mặc dù quyết định này "có ý nghĩa rất lớn" vì lần đầu tiên một tòa án phán quyết rằng công dân có thể yêu cầu xóa dữ liệu của họ, nhưng tòa án đã không giải quyết liệu rằng có hợp pháp hay không khi Công viên chỉ cho phép vào cửa bằng nhận dạng khuôn mặt.
"Tòa án không chú ý đến nguyên tắc giảm thiểu dữ liệu, trong trường hợp này là xác định xem liệu nhận dạng khuôn mặt có cần thiết để vào sở thú hay không và liệu nó có cung cấp cho mọi người tùy chọn một phương pháp xác minh giúp bảo mật thông tin cá nhân hay không." Ông nói thêm rằng vụ kiện ban đầu là do vi phạm hợp đồng, không phải do sử dụng dữ liệu.
Theo ông He, Trung Quốc vẫn thiếu khung pháp lý đầy đủ để bảo vệ thông tin cá nhân, đồng thời cho biết thêm rằng các tòa án cũng cần xem xét cách cân bằng giữa việc bảo vệ dữ liệu sinh trắc học và nhu cầu phát triển kinh tế.
Trung Quốc vẫn đang vật lộn với những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu khi giao dịch ngầm thông tin cá nhân phát triển mạnh trong bối cảnh Bắc Kinh thúc đẩy lĩnh vực kỹ thuật số trong nền kinh tế nội địa của Trung Quốc.
Không có luật dành riêng cho việc bảo vệ thông tin cá nhân và thiếu các hướng dẫn rõ ràng, các cơ quan thực thi của Trung Quốc đã phải vật lộn để theo kịp chuỗi công nghiệp dữ liệu. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc nhấn mạnh triển khai hai điều luật cơ bản: Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân (PIPL) và Luật Bảo mật Dữ liệu.
"Có những dấu hiệu rõ ràng rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang bị lạm dụng," Guo trả lời tờ The Paper vào tháng 11 năm ngoái. "Nó không chỉ gây ra rủi ro lớn về an toàn cho người dùng mà còn là rủi ro lớn đối với an ninh công cộng."
Theo SCMP