Công nghệ dịch thuật sẽ góp phần giúp các cơ quan nghiên cứu đối ngoại hoạt động hiệu quả hơn

VietTimes -- Sáng 6/8/2018, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cùng Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm "Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong dịch thuật và nghiên cứu khoa học. Diễn giả được mời là TS Nguyễn Ái Việt - nguyên Viện trưởng Viện CNTT ĐHQG Hà Nội. 
TS Nguyễn Ái Việt - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQG Hà Nội giới thiệu về công nghệ dịch thuật
TS Nguyễn Ái Việt - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, ĐHQG Hà Nội giới thiệu về công nghệ dịch thuật

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, PGS TS Lê Phước Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Phó Chủ tịch Phụ trách Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam cho biết, khối lượng tài liệu mà các viện nghiên cứu đối ngoại phải dịch ra tiếng Việt và dịch từ tiếng Việt ra các thứ tiếng khác là rất lớn. Chính vì vậy, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thì các cơ quan về đối ngoại tất yếu phải ứng dụng công nghệ để dịch thuật. Thêm vào đó, ông cũng kỳ vọng là công nghệ dịch thuật còn giúp chia sẻ tri thức của các thế hệ đi trước đến những người kế tục sự nghiệp. 

Giới thiệu về phần mềm hỗ trợ dịch thuật Boconhan của công ty Viegrid, TS Nguyễn Ái Việt cho biết, ngoài tính năng bảo mật so với sử dụng phần mềm dịch của Google, Bocohan còn lưu giữ trạng thái của các văn bản dịch. Nhờ đó, người dịch có thể chủ động trong công việc của mình với nhiều văn bản một lúc. Các nội dung dịch cũng được cập nhật vào hệ thống và những lần tiếp sau có thể xử lý được nhanh hơn. Tuy nhiên, với các cơ quan có nhu cầu dịch thuật, ngoài việc mua bản quyền với Bocohan cho các cá nhân còn cần phải đầu tư máy chủ và cơ sở dữ liệu dịch thuật chuyên ngành để có thể sử dụng tài nguyên cho các công việc chung. 

Sau phần giới thiệu về Bocohan, TS Nguyễn Ái Việt đã trả lời những câu hỏi của các đại biểu tham gia. Không chỉ các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, các đại biểu đến từ các đơn vị khác đều có chung nhận định là trong công tác nghiên cứu đối ngoại, xu thế ứng dụng công nghệ dịch thuật là tất yếu. Tuy nhiên, công nghệ này chỉ hỗ trợ dịch thuật chứ không thể thay thế con người. 

Kết luận hội thảo, TS Lê Phước Minh cho biết, mặc dù đa phần người dùng Internet đều đã quen với Google song trong công việc của mình, chúng ta không thể bảo mật thông tin. Cũng giống như bóng đá, muốn có những đội bóng mạnh thì khán giả phải mua vé và đi xem tại sân vận động thì phần mềm dịch thuật cũng cần được các cơ quan có nhu cầu chính thức đầu tư để sử dụng. Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông sẽ sớm triển khai ứng dụng công nghệ dịch thuật và hy vọng chỉ vài ba tháng sẽ có hiệu quả với năng suất hơn hẳn trước đây.