Có thể nói, bằng cách này hay cách khác, nhóm kỹ sư của Apple làm ra chiếc Macintosh đầu tiên là những "ân nhân cứu mạng". Hoặc ít nhất thì Steve Jobs đã nghĩ như vậy. Vào một buổi chiều tháng 8 năm 1983, Steve Jobs, khi ấy mới 28 tuổi, đã nghĩ ra một cách rất độc đáo để khuyến khích nhóm kỹ sư Mac tìm cách khiến máy khởi động nhanh hơn.
"Sẽ có bao nhiêu người sử dụng máy Macintosh?" ông Jobs hỏi nhóm kỹ sư. "Một triệu? Không, nhiều hơn thế. Trong vài năm tới, tôi chắc chắn sẽ có ít nhất 5 triệu người khởi động máy Mac của họ ít nhất một lần mỗi ngày".
Ý tưởng của ông, rằng nếu máy Mac được 5 triệu người dùng đón nhận và sử dụng, và nếu nhóm của ông có thể giảm thời gian khởi động đi 10 giây, tức là họ đã tiết kiệm được ít nhất 50 triệu giây mỗi ngày. Jobs nói thêm: "Trong một năm, khoảng thời gian tiết kiệm được sẽ tương đương với hàng chục đời người. Vậy, nếu chúng ta khiến quá trình khởi động nhanh hơn 10 giây, chúng ta đã tiết kiệm được hàng chục đời người. Điều đó rất là xứng đáng, phải không?"
Nhóm kỹ sư cũng có chung quan điểm, và trong vòng vài tháng sau đó họ đã làm việc cật lực để Jobs có được điều mà ông muốn.
Những lời hứa hẹn của công nghệ
Câu chuyện trên chính là ví dụ điển hình nhất về những gì mà công nghệ đã hứa hẹn với chúng ta: giúp chúng ta tiết kiệm thời gian.
Google tiết kiệm cho chúng ta thời gian khi tìm kiếm thông tin, khi hàng triệu kết quả được trả về chỉ trong khoảng thời gian chưa đến một giây. Facebook tiết kiệm cho chúng ta thời gian khi tương tác với xã hội, khi thuật toán của họ ưu tiên chọn ra những thông tin mà họ cho rằng quan trọng đối với chúng ta hơn. Amazon tiết kiệm cho chúng ta thời gian khi mua sắm, khi chúng ta không còn phải xếp thành hàng dài đợi thanh toán. Vui vẻ hơn, Apple tiết kiệm cho chúng ta thời gian chứng minh bản thân, khi chỉ cần bạn có MacBook trong ba lô, iPhone trong túi quần, Apple Watch trên cổ tay, bạn đã "mặc định" là một trong những thành viên sành điệu nhất và thành công nhất của xã hội. Rồi thanh toán qua ứng dụng, email, hay thậm chí là ứng dụng hẹn hò trực tuyến. Có thể nói, mục tiêu tối thượng của mọi công nghệ được sinh ra và phát triển đều là giúp người sử dụng chúng tiết kiệm thời gian.
Ý tưởng rằng công nghệ có thể làm nên những điều phi thường để tiết kiệm thời gian không phải là mới. Trong một bài viết năm 1960 có tên "Cyborgs and Space" của hai tác giả Manfred Clynes và Nathan Kline, việc kết hợp con người với máy móc sẽ tạo ra sự ảnh hưởng rất lớn tới thời gian rảnh của chúng ta. Một bộ đồ vũ trụ tân tiến có khả năng tự vận hành sẽ là thứ giúp chúng ta giải quyết mọi vấn đề, và con người sẽ chẳng có việc gì cần quan tâm ngoại trừ…nghĩ xem phải làm gì trong thời gian rảnh ấy.
Cụ thể, trong bài viết có đoạn: "Nếu một người đi ra vũ trụ, để có thể điều khiển phương tiện của mình, người đó phải liên tục kiểm tra mọi thứ và thực hiện các sự điều chỉnh khi cần thiết, từ đó trở thành nô lệ của máy móc. Mục đích của Cyborg, cũng như hệ thống nội cân bằng của người đó, là để cung cấp một hệ thống có tổ chức mà các vấn đề về máy móc có thể được giải quyết một cách hoàn toàn tự động và vô thức, khiến con người có thể thoải mái khám phá, sáng tạo, suy nghĩ và cảm nhận".
Vào những năm 1970 và 1980, ý tưởng rằng công nghệ sẽ giải phóng chúng ta khỏi những phiền toái và cho chúng ta thêm nhiều thời gian rảnh xuất hiện ở khắp mọi nơi. Trong cuốn sách The Mighty Micro được xuất bản năm 1979, tác giả Christopher Evans thậm chí còn dự đoán khi thế giới bước sang thiên niên kỷ mới, công nghệ sẽ trở nên tiên tiến đến mức chúng ta có thể "làm việc 20 giờ một tuần và nghỉ hưu lúc 50 tuổi".
Một dự đoán sai lầm
Thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy, dự đoán này của ông đã không thành hiện thực. Đúng, công nghệ đã giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian, nhưng dường như chúng ta đang trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Nhà xã hội học người Đức Hartmut Rosa có viết về điều này trong cuốn sách "Social Acceleration: A New Theory of Modernity", trong đó ông mô tả một nghịch lý rằng: chúng ta càng tải nhiều ứng dụng nhằm sắp xếp cuộc sống, chúng ta càng bị quá tải.
Ông có viết: "Nhịp độ của cuộc sống" đã tăng lên, và cùng với nó là sự căng thẳng, bận rộn và thiếu thời gian… Trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, công nghệ đã mang lại cho chúng ta rất nhiều thời gian, nhưng thực tế chúng ta dường như chẳng còn chút thời gian nào cả". Theo ông, công nghệ đã mở ra những tiềm năng mới mà chúng ta trước đây có nằm mơ cũng không nghĩ ra, nhưng đồng thời nó cũng khiến cuộc sống trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Tất nhiên, các ứng dụng tăng năng suất làm việc hay tương tự như vậy giúp chúng ta thực hiện các công việc một cách hiệu quả hơn, nhưng phần lớn những công việc đó trước đây chúng ta thậm chí còn không làm. Ví dụ, hãy nhìn cách mà cấu trúc siêu liên kết của internet đã thay đổi cách mà chúng ta nghiên cứu thông tin như thế nào. Tuy nó có dân chủ hóa thông tin và giúp chúng ta tiết kiệm thời gian nếu so với việc đến thư viện đọc sách, nhưng đồng thời nó cũng mở ra vô số những "hang thỏ" thông tin và dễ khiến chúng ta bị lạc lối. Chẳng hạn, bạn đang muốn mua một chiếc Samsung Galaxy Note 8, bạn lên Youtube tìm video đánh giá, trên tay nó, và bạn tình cờ nhìn thấy một video khác so sánh hiệu năng giữa Note 8 và iPhone X, rồi bạn lại tìm video đánh giá iPhone X, và vòng luẩn quẩn cứ thế kéo dài mãi, trong khi mục đích ban đầu của bạn chỉ là tìm hiểu về Note 8 nhưng "lười" đi ra các quầy trải nghiệm và quyết định tìm hiểu qua Youtube để "tiết kiệm thời gian".
Đây chính là con dao hai lưỡi có tên "công nghệ". Khi về lý thuyết, các công việc có thể được thực hiện nhanh hơn, sự kỳ vọng cũng được đặt lên chúng ta nhiều hơn. Ví dụ, bạn chỉ mất vài phút để đánh máy và gửi một email, thay vì lấy giấy bút, viết thư và mang đi gửi như trước. Nếu công việc của bạn là viết và gửi thư, thì nếu trước đây bạn chỉ phải viết khoảng 50 thư mỗi ngày, thì giờ đây, với sự trợ giúp của công nghệ, có thể mỗi ngày bạn phải viết từ 100-150 thư.
Không dễ để thay đổi
Tách riêng thời gian với công nghệ không phải là điều dễ dàng, nhưng có không ít người đang muốn thử làm điều đó. Kể từ ngày 23/2, chuỗi khách sạn Wyndham Grand sẽ thí điểm chương trình giảm 5% giá phòng cho du khách nếu họ đồng ý cất điện thoại của họ vào trong một chiếc hộp trong suốt thời gian nghỉ dưỡng.
Noelle Nicolai, người đã phát triển sáng kiến này chia sẻ: "Trong cuộc đời tôi, tôi đã nhìn thấy cách mà điện thoại len lỏi vào khoảng thời gian chỉ vài phút đứng xếp hàng, ngồi đợi món tại một nhà hàng hay thậm chí khi tôi đang ngồi chơi với các con của mình trên sàn nhà. Ở đây, câu chuyện cũng tương tự như vậy, khi nhiều du khách dùng điện thoại ngay cả khi đang ngồi với nhau, mất đi sự tương tác với nhau. Vì vậy, chúng tôi muốn tạo ra một chương trình nhằm giúp các gia đình có khoảng thời gian vui vẻ và không bị gián đoạn bên nhau, bằng cách loại bỏ những sự phiền nhiễu mà công nghệ ngày nay mang lại".
Đây là một ý tưởng rất đáng hoan nghênh và cần được nhân rộng. Tuy nhiên, liệu những sự cố gắng này có đủ để thay đổi ngành công nghiệp đang nuốt trọn cả thế giới, ẩn mình dưới danh nghĩa "giúp chúng ta tiết kiệm thời gian"? Suy cho cùng thì, chẳng phải những nền tảng của Google hay Facebook kiếm tiền bằng cách khiến cho bạn phải liên tục sử dụng chúng hay sao? Ngay cả những dự án như xe tự lái của Google, thứ được cho là sẽ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, thực tế chỉ nhằm mục đích tận dụng thêm một vài tiếng mỗi ngày của chúng ta để kiếm lợi nhuận, khi không phải lái xe, chúng ta còn làm gì ngoài việc…ngủ hay xem Youtube, lướt Facebook?
Tất nhiên, các gã khổng lồ công nghệ nhận ra rằng họ chưa thực sự giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và ít nhiều muốn thay đổi điều đó. Gần đây, Mark Zuckerberg tuyên bố Facebook sẽ đưa ra những sự điều chỉnh với mục đích giảm thời gian người dùng sử dụng nó. Theo ông, làm như vậy, người dùng sẽ cảm nhận được sự cải thiện về mặt chất lượng. Trong khi đó, Apple cũng tiết lộ sự quan tâm của mình về nạn "nghiện smartphone" của giới trẻ và cam kết sẽ cung cấp các công cụ mới để giám sát thời gian người dùng nhìn vào iPhone của họ. Nhiều khả năng chúng sẽ xuất hiện cùng với iOS 12 vào cuối năm nay.
Thực hiện những thay đổi để công nghệ thực sự giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, thay vì chỉ là "ảo giác" của tiết kiệm, là một thách thức rất lớn – nhưng hoàn toàn là điều có thể đạt được. Theo thời gian, những công ty công nghệ khác cũng sẽ phải đi theo bước chân của Mark Zuckerberg hay Tim Cook. Nhưng trong một thế giới mà ngày càng có nhiều công việc bậc thấp được tiếp quản bởi robot và trí tuệ nhân tạo – và chắc chắn sẽ còn nhiều công việc bậc cao hơn biến mất trong tương lai – có lẽ công nghệ nên từ bỏ suy nghĩ rằng chúng được thiết kế để giúp cuộc sống của chúng ta đơn giản và dễ dàng hơn.
Theo Báo Diễn đàn đầu tư