Công nghệ biến cỏ thành nhiên liệu sinh học

 Không giống như bắp (ngô), cỏ dễ sinh sôi, sống được ở mọi nơi, nên việc chuyển đổi cỏ thành nhiên liệu rẻ tiền sẽ là một bước tiến lớn của công nghệ sinh học
Cỏ sẽ được xử lý để chuyển hóa thành nhiên liệu nhanh hơn. Ảnh: Engadget.
Cỏ sẽ được xử lý để chuyển hóa thành nhiên liệu nhanh hơn. Ảnh: Engadget.

Mất đến hàng triệu năm để tiến trình tự nhiên chuyển thực vật thành dầu thô, sau đó được tinh luyện thành xăng. Tuy nhiên gần đây, các nhà nghiên cứu của trường đại học Ghent đã tìm ra cách đẩy nhanh quá trình này.

Họ làm việc này bằng cách làm biến đổi cỏ để chúng phân hủy nhanh hơn, sau đó thêm vi khuẩn Clostridium sản sinh ra decane, một trong những thành phần chính của xăng và nhiên liệu phản lực.

Mặc dù decane là nhiên liệu gây ô nhiễm, máy bay thương mại vẫn sẽ cần nó ít nhất là trong vài thập kỷ tới. Vì vậy, các nhà khoa học tin rằng phương pháp mới của họ đủ hiệu quả và hoàn toàn khả thi về mặt thương mại.

Để quá trình chuyển đổi này hoạt động, đầu tiên,các nhà khoa học đã làm biến đổi cỏ bằng một hợp chất đặc biệt giúp chúng phân hủy nhanh hơn và tạo ra nhiều vi khuẩn. Sau đó, họ sử dụng vi khuẩn Clostridium, một vi khuẩn có cấu tạo tương tự các loại vi khuẩn tốt có trong ruột người, nhằm hỗ trợ quá trình lên men.

Quá trình lên men này giống như lên men bia. Nó sản xuất ra axit lactic và các dẫn xuất của axit lactic, sau đó tiếp tục xử lý để sản sinh ra axit caproic. Quá trình này kết thúc với việc sản sinh ra decane.

Theo Engadget, decane và các nhiên liệu tương tự không phải nhiên liệu sạch (do sản sinh khí CO2 khi đốt), nhưng chúng vẫn có mật độ năng lượng cao hơn nhiều nhiên liệu khác. Điều này dẫn tới việc sử dụng decane của ngành hàng không trong tương lai gần, bởi máy bay phản lực cần trở nên tương đối nhẹ để bay được lên cao.

Hiện tại, phương pháp này chỉ có thể sản sinh ra vài giọt nhiên liệu sinh học, nhưng các nhà khoa học cho rằng nó khá hiệu quả. Với việc tiếp tục nghiên cứu và phát triển, phương pháp này có khả năng trở nên phổ biến trong thương mại, nhất là trong ngành hàng không.

Không giống như bắp (ngô), cỏ dễ sinh sôi, sống được ở mọi nơi, cho nên việc chuyển đổi cỏ thành nhiên liệu rẻ tiền sẽ là một bước tiến lớn của công nghệ sinh học.

Theo Zing

http://news.zing.vn/bien-co-thanh-nhien-lieu-post734118.html