|
Thuốc thông dụng. Ảnh minh họa SciTech Daily |
Nhiều loại thuốc, trong đó có một số như thuốc điều trị bàng quang, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine (chống dị ứng), thuốc đau dạ dày và bệnh Parkinson có tác động kháng cholinergic ở một mức độ nào đó. Những người cao tuổi thường xuyên sử dụng các loại thuốc thông dụng này.
Quá trình đánh giá một công cụ mới để xác định, loại thuốc nào có nhiều khả năng có tác dụng phụ kháng cholinergic hơn (ngăn chặn hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh) đối với cơ thể và não bộ đã được tiến hành dưới sự chỉ đạo của Đại học Exeter, Anh và tổ chức tín thác về sức khỏe tâm thần “Kent & Medway NHS và Social Care Partnership Trust”.
Những phát hiện gần đây của hai tổ chức này được công bố trên tạp chí Age & Aging. Theo bản báo cáo khoa học này, nhiều loại thuốc kê đơn và không kê đơn ảnh hưởng đến não bằng cách ức chế chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine, có thể dẫn đến tác dụng kháng cholinergic bất lợi cho cơ thể.
Các tác dụng phụ kháng cholinergic bao gồm mất phương hướng, mờ mắt, chóng mặt, ngã và suy giảm chức năng não. Tác dụng của thuốc gây hiệu ứng kháng cholinergic có thể khiến người bệnh dễ ngã hơn và liên quan đến tăng nguy cơ tử vong. Việc sử dụng những loại thuốc này trong thời gian dài có liên quan đến nguy cơ sa sút trí tuệ cao.
Để giải quyết tình trạng này, các nhà nghiên cứu phát triển một công cụ sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) nhằm tính toán tác động tiêu cực các loại thuốc. Các nhà khoa học đã thiết kế và xây dựng Công cụ Nhận thức Phụ tải Kháng cholinergic quốc tế (IACT), một công cụ trực tuyến sử dụng phân tích cấu trúc hóa học và xử lý ngôn ngữ tự nhiên để xác định các loại thuốc có tác dụng phụ, gây hiệu ứng kháng cholinergic.
Đây là là công cụ đầu tiên sử dụng công nghệ Máy học để tạo ra một phương tiện, được cập nhật tự động, có thể truy cập thông qua cổng thông tin điện tử - website.
Phụ tải kháng cholinergic được tính toán theo phương pháp chấm điểm dựa trên những tác dụng ngoại ý đã được ghi nhận, phù hợp chặt chẽ với cấu trúc hóa học của thuốc đang được xem xét kê đơn, cho phép hệ thống AI tính điểm chính xác và cập nhật hơn bất kỳ phương pháp đánh giá nào trước đây.
Công cụ được phát triển sau khi đã nghiên cứu điều tra bổ sung, lập mô hình tính toán bằng phương thức sử dụng dữ liệu bệnh nhân thực tế, tăng cường khả năng giảm thiểu rủi ro từ những loại thuốc thông thường khi kê đơn cho một bệnh nhân cụ thể.
GS Chris Fox thuộc Đại học Exeter, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: Việc sử dụng thuốc có tác dụng phụ kháng cholinergic có thể gây ra những tác hại đáng kể như té ngã và lú lẫn nhưng là vấn đề có thể tránh được, nghiên cứu này nhằm giảm bớt những tác dụng phụ có hại vì những tác dụng phụ không mong muốn có thể khiến bệnh nhân nhập viện và tử vong. Công cụ phân tích và đánh giá mới này cung cấp khả năng hướng tới một phương pháp tiếp cận thuốc cá nhân hóa phù hợp hơn, đảm bảo đúng bệnh, người được điều trị an toàn và hiệu quả, tránh được những tác dụng phụ kháng cholinergic không mong muốn.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát và lấy ý kiến từ 110 chuyên gia y tế, bao gồm cả dược sĩ và y tá kê đơn. 85% nhóm chuyên gia y tế cho biết sẽ tích cực sử dụng công cụ để đánh giá nguy cơ tác dụng phụ kháng cholinergic cho từng bệnh nhân. Các nhà khoa học cũng thu thập những phản hồi của các chuyên gia y tế về khả năng, sự thân thiện và thuận lợi trong sử dụng phần mềm để hoàn thiện công cụ hơn nữa.
TS Saber Sami thuộc Đại học East Anglia, Anh cho biết: “Công cụ của chúng tôi là công cụ đầu tiên sử dụng công nghệ AI sáng tạo trong những biện pháp nhằm giảm phụ tải kháng cholinergic. Sau khi các nhà phát triển tiến hành những nghiên cứu sâu và kỹ lưỡng, công cụ trên cơ sở AI sẽ hỗ trợ dược sĩ và chuyên gia y tế có thể xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân và kê đơn thuốc hiệu quả ”.
GS Ian Maidment thuộc Đại học Aston, cho biết: “Tôi đã làm việc trong lĩnh vực này hơn 20 năm. Tác dụng phụ kháng cholinergic có thể làm bệnh nhân suy nhược và rất yếu. Chúng tôi luôn cần những công nghệ tiên tiến, hiệu quả để đánh giá chính xác những tác dụng phụ đối với từng bệnh nhân."
Theo SciTech Daily