Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM hôm 11/1 tổ chức họp báo công bố kết quả nâng cấp, mở rộng tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP.HCM qua tổng đài 1022.
Ông Lê Quốc Cường (ngồi giữa), Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, chủ trì buổi họp báo hôm 11/1 - Ảnh: H.Đ
Sau khi nâng cấp, để báo các sự cố hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, người dân có rất nhiều lựa chọn thực hiện. Người dân có thể gọi điện, nhắn tin đến Tổng đài 1022, tải về ứng dụng “Tổng đài 1022” trên Android hay iOS, hoặc vào Cổng thông tin 1022.tphcm.gov.vn để báo sự việc. Với nền tảng kỹ thuật mới, đại diện Sở TT&TT cho biết rất dễ để tích hợp thêm các đầu mối khác vào hệ thống tổng đài này, không phức tạp như hạ tầng viễn thông cũ.
Sở TT&TT được UBND thành phố giao làm đơn vị chủ trì, cùng 84 đơn vị gồm có Sở ngành, UBND 24 quận huyện và các đơn vị quản lý/sở hữu/duy tu hạ tầng tham gia giải quyết xử lý các sự cố do người dân phản ảnh. Hệ thống tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật địa bàn thành phố Hô Chí Minh sau khi nâng cấp có các hình thức tiếp nhận nói trên. Riêng trên ứng dụng di động, người dân có thể chụp ảnh hiện trường để gửi lên trung tâm, đồng thời ứng dụng có thể xác định vị trí người chụp để biết khu vực phản ảnh.
Các nâng cấp mới cho phép người dân theo dõi được quá trình xử lý; nhận được thông báo tiếp nhận cũng như kết quả xử lý sau khi hoàn tất giải quyết xử lý sự cố; đối chiếu thực tế xử lý và tiếp tục phản ảnh lại hệ thống trong trường hợp thực tế sự cố chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt chất lượng.
Hệ thống tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hoạt động liên tục 24/7, người dân hoàn toàn có thể liên hệ với hệ thống bất kỳ thời gian nào để phản ánh sự cố hạ tầng thuộc các lĩnh vực: Đối với hạ tầng giao thông, hệ thống tiếp nhận các sự cố về sụt lún mặt đường; hố “tử thần”; hư hỏng mặt đường; ổ gà ổ voi; hư hỏng hoặc mất biển báo giao thông;...
Đối với cấp và thoát nước, hệ thống tiếp nhận các trường hợp bể ống cấp nước; nước tràn ra mặt đường; các trường hợp ngập nước; hệ thông thoát nước bị nghẹt; cống bể; mất nắp cống; nắp cống gập ghềnh, sụp cống; nắp hố ga hư hỏng;...
Một đoạn đường ngập nước ở Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: H.Đ
Đối với chiếu sáng, hệ thống tiếp nhận các sự cố về gãy/đổ cột đèn chiếu sáng; rò rỉ điện; đèn không sáng; đèn sáng ngày, tắt đêm; đèn sáng, tắt liên tục; mất đèn chiếu sáng;...
Đối với cây xanh, hệ thống tiếp nhận các trường hợp cây bật gốc ngã; cành nhánh gãy; cây bị chặt phá; cây rỗng mục chết khô; cây bị xe đụng ngã; cây nghiêng bật gốc.
Đối với điện lực, viễn thông, hệ thống tiếp nhận các sự cố gãy đổ cột điện; đứt cáp viễn thông, cáp điện; cáp viễn thông, cáp điện chùng, võng gần sát mặt đường; cáp treo không đúng độ cao quy định; tủ cáp viễn thông ngã/đổ/nghiêng; sụp/lún hầm cống cáp; nắp hầm cáp gập ghềnh;…
Lưu thông công cộng: phản ánh thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt và tra cứu thông tin về xe buýt;...
Với hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của hệ thống 1022, trong tương lai hệ thống 1022 có thể mở rộng tích hợp thêm các trường hợp như sau:
Kết nối và tích hợp thêm thông tin từ các kênh mạng xã hội, hệ thống camera,... (hiện nay có 5 kênh tiếp nhận thông tin).
Mở rộng thêm một số lĩnh vực tiếp nhận thông tin khác như tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về vệ sinh môi trường, trật tự lòng đường và lề đường.
Ngoài ra, nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống 1022 sẽ tiếp tục được sử dụng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân đến đường dây nóng Thành ủy 0888.247.247 và Trung tâm hỏi đáp dịch vụ công thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ICTNews