Tờ The Financial Times Anh ngày 6/6 cho hay, cuối tuần trước, tại diễn đàn an ninh thường niên tổ chức ở Singapore (Đối thoại Shangri-La), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã đi đầu lên án Trung Quốc, cảnh cáo Bắc Kinh hầu như đang tạo ra một bức "Trường Thành tự cô lập" ở châu Á.
Nhưng, các quan chức và chuyên gia quốc phòng cho rằng, cuộc khẩu chiến về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông đã che đậy một sự thực: Trung Quốc đã thay đổi bất hợp pháp, thành công hiện trạng của vùng biển có tài nguyên phong phú này.
Một quan chức ngoại giao châu Âu cho rằng: "Năm 2015, mỗi người đều đang cảnh cáo mối đe dọa của kế hoạch xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, nhưng, hiện nay, họ đã thi công (trái phép) đường băng máy bay chiến đấu, bến cảng và công trình radar ở Biển Đông".
Theo quan chức này: "Họ (Bắc Kinh) đã thay đổi (phi pháp) hiện trạng vùng biển này, hiện nay bất cứ ai đều đã bất lực đối với điều này".
Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền vô lý và bất hợp pháp ở Biển Đông. Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng tìm mọi cách áp đặt yêu sách này, bất chấp chủ quyền và quyền lợi của các nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei...
Mỹ lo ngại tự do đi lại và sự ổn định khu vực bị ảnh hưởng, vì vậy, đã tiến hành đáp trả đối với tham vọng của Trung Quốc. Mỹ đã tiến hành tuần tra trên biển, trên không ở khu vực lân cận các đảo nhân tạo mới do Trung Quốc xây dựng phi pháp gần đây, đồng thời đã làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước châu Á như Việt Nam và Philippines.
Trung Quốc xây dựng trái phép các công trình mới trên các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của không quân, hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc cũng như phạm vi hoạt động của đội tàu đánh cá - lực lượng được Trung Quốc sử dụng làm công cụ để thúc đẩy cái gọi là "quyền lợi lịch sử" ở vùng biển này.
Một quan chức quốc phòng cao cấp Indonesia đã tiến hành phản đối việc nhiều tàu cá và một tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm phạm vùng biển Indonesia gần đây. Ông cho biết, sự hung hăng đe dọa ngày càng gia tăng của Bắc Kinh khiến ông cảm thấy "rất lo ngại".
Ông nói: "Các quan chức ngoại giao có thể phê phán Trung Quốc. Nhưng, chúng tôi cấp bách cần nhiều thiết bị hơn để nâng cao khả năng nghe, nhìn trên biển, như vậy chúng tôi mới có thể ứng phó tốt hơn với mối đe dọa này".
Ngoài tình hình căng thẳng trên biển, Trung Quốc còn đang đối mặt với khả năng yêu sách "đường chín đoạn" vô lý, phi pháp của họ bị bác bỏ hoàn toàn về mặt pháp lý trong thời gian sắp tới khi Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines.
Ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã cùng với Bộ trưởng Quốc phòng các nước Nhật Bản, Pháp, Anh và các nước khác lên án Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế, từ chối không thừa nhận Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc có quyền thụ lý đối với vụ kiện này. Phán quyết về vụ kiện này dự tính sẽ đưa ra trong vòng vài tháng tới.
Quan chức Trung Quốc khó có thể tìm được nhiều nước ủng hộ lập trường (vô lý) của họ. Đối mặt với chỉ trích, họ đáp trả cho rằng, Philippines đã bẻ cong luật pháp quốc tế, còn Mỹ dối trá, bởi vì đến nay Mỹ vẫn chưa chính thức phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
Mặc dù lập trường của Trung Quốc đã bị lên án ở Singapore, nhưng Bắc Kinh muốn lợi dụng thực lực kinh tế của họ cùng với tiếp tục đe dọa quân sự để lôi kéo Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte.
Ông Rodrigo Duterte đã ám chỉ cho hay, ông có thể sẽ áp dụng lập trường ôn hòa hơn về vấn đề lãnh thổ trên biển, tiến hành đàm phán song phương với Bắc Kinh để đổi lấy đầu tư của Trung Quốc đối với Philippines và cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Nhà phân tích an ninh Euan Graham từ Viện nghiên cứu Lowy Australia cho rằng: "Đến nay, biến số lớn nhất của Biển Đông chính là ông Rodrigo Duterte cùng với khả năng ông này tìm kiếm tiến hành đàm phán với Trung Quốc".
Ông Rodrigo Duterte sẽ chính thức nhậm chức vào cuối tháng này. Ông trở thành nhân tố không xác định cho thấy, Trung Quốc có thể lợi dụng thực lực kinh tế và quân sự để áp đặt yêu sách vô lý, phi pháp của họ, cho dù có bị cộng đồng quốc tế phê phán thế nào.
Tại Đối thoại Shangri-La lần này, Thiếu tướng Diêu Vân Trúc đến từ đoàn Trung Quốc đã vất vả đáp trả các quan điểm của Mỹ, nhấn mạnh: "Không thể cho rằng có thể kéo bè kết cánh đối phó Trung Quốc". "Trung Quốc đều đã hòa nhập rất sâu vào thế giới về kinh tế, chính trị và an ninh".