Kênh hữu hiệu để "điện tử hóa" dịch vụ hành chính
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh minh họa: VGP
|
Sáng ngày 19/5, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Australia tổ chức hội nghị “Giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp”.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Nghị định 45/2020/NĐ-CP về việc thực hiện Thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được ban hành là nghị định đầu tiên ghi nhận giá trị của một thủ tục trực tuyến và kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt các loại hồ sơ giấy cũng như quy trình làm việc trực tiếp với cơ quan nhà nước và thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần phát triển nền kinh tế số và xã hội.
Việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử mang lại lợi ích lớn cho người dân, doanh nghiệp. "Cổng dịch vụ công Quốc gia là kênh hữu hiệu nhất để điện tử hóa các dịch vụ hành chính. Việc thực hiện các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia còn tạo thêm kênh minh bạch, giám sát trong quá trình thực hiện của các cán bộ", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Từ 8 nhóm dịch vụ khi khai trương, đến nay Cổng dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp, cung cấp 406 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 235 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp.
Cổng dịch vụ công đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều về thời gian, chi phí, thủ tục hành chính. Theo ước tính, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được trên Cổng dịch vụ công trực tuyến là 6.400 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng Cổng dịch vụ công Quốc gia đóng góp hơn 3.036 tỷ đồng/năm. “Đây là những con số biết nói, những hành động thiết thực cho chúng ta thấy lợi ích mang lại cho người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh minh họa: VGP
|
Nói thêm về lợi ích đối với doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, qua tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia, doanh nghiệp có thể thể thực hiện thủ tục tại tất cả các bộ, ngành địa phương và thực hiện trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan mà không bị giới hạn bởi thời gian, địa giới hành chính. Cùng với việc thúc đẩy hoàn toàn trên môi trường điện tử, ưu tiên lớn của việc nộp hồ sơ hoặc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua cổng dịch vụ công là thêm kênh giám sát và đảm bảo sự minh bạch trong quá trình giải quyết thông tin của doanh nghiệp.
Từ ngày 12/5/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Thậm chí, qua kênh giám sát của Mặt trận tổ quốc các cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, cũng đã có thể phát hiện các vấn đề về gian lận hay trục lợi chính sách.
Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công của doanh nghiệp còn thấp
Tính đến ngày 18/5, Cổng dịch vụ công Quốc gia đã có trên 142.000 tài khoản đăng ký, trên 37 triệu lượt truy cập. Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết: “Hữu ích như thế, tốt như thế, nhưng tỷ lệ tài khoản của doanh nghiệp lại vẫn chiếm tỷ lệ khá thấp". Thống kê cho thấy chỉ có 1.142/142.000 tài khoản đã đăng ký là của doanh nghiệp, một tỷ lệ sử dụng còn thấp.
“Do đó phải xem lại xem đã tiện lợi với doanh nghiệp chưa? Nếu tiện lợi rồi thì tại sao lại chưa dùng?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi.
Đơn giản hóa các quy trình cho doanh nghiệp
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) Ousmane Dione. Ảnh: VGP
|
Tại hội nghị, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) Ousmane Dione cho biết giá trị của Cổng dịch vụ công quốc gia đã được chứng minh trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Do đó, cả cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ đều cần phải hành động.
Doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh quá trình số hóa để thay đổi và thích ứng trong tình hình mới. “Covid-19 cũng có thể coi là một hồi chuông nhắc nhở đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Đảm bảo kinh doanh liên tục trong thời đại hiện nay gần như là bất khả thi nếu không có công nghệ phù hợp”, đại diện WB chia sẻ.
Trong khi đó, về phía Chính phủ, đại diện WB cho rằng nên bắt đầu từ việc đơn giản hóa các quy trình kinh doanh. Điều quan trọng là Chính phủ hiểu rõ những lĩnh vực làm phát sinh nhiều thời gian và chi phí trong toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ, để từ đó tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ.
Ngoài ra, vị này cũng cho biết, dữ liệu và thông tin được khởi tạo và thu thập thông qua Cổng thông tin sẽ là điểm khởi đầu tuyệt vời để Chính phủ phân tích các lĩnh vực còn vướng mắc và giải pháp để gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp trong quy trình hiện tại. Các dữ liệu khác thu thập được từ doanh nghiệp cũng sẽ là những điểm định hướng hữu ích nếu được phân tích nhằm tối ưu hóa dịch vụ công trực tuyến. “Chính phủ có thể đóng vai trò là nền tảng khởi động để hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển kỹ thuật số nhanh chóng hơn”, đại diện WB nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp (thông qua các hiệp hội) đã nêu kiến nghị về các nhóm thủ tục hành chính và dịch vụ công cần ưu tiên tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hay góp ý để cải thiện nội dung, kỹ thuật và gia tăng trải nghiệm người dùng.
Một số doanh nghiệp đã đưa ra sáng kiến để tiếp tục phát triển Cổng dịch vụ công Quốc gia và nâng cao hơn nữa tỉ lệ người dùng các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Theo ICTNews