|
TTBYT có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán, điều trị và cả tính giá đầu vào chi phí khám, chữa bệnh |
Bát nháo giá TTBYT
Trang thiết bị y tế (TTBYT) có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và điều trị, cũng là yếu tố đầu vào để tính chi phí, nên có thể làm tăng hoặc giảm giá khám, chữa bệnh. Thế nhưng, vụ dịch COVID-19 vừa qua đã làm lộ sáng nhiều đơn vị y tế nâng giá TTBYT vô tội vạ, điển hình là vụ của CDC Hà Nội và sau đó, một số đơn vị vội vàng hủy cuộc mua bán TTBYT với giá rất cao. Hàng loạt lãnh đạo CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai bị bắt vì liên quan đến vấn đề giá TTBYT.
Vụ việc của Bệnh viện Bạch Mai bất ngờ hé lộ sự thật đau lòng là người bệnh khi nằm viện còn phải gánh thêm nhiều chi phí do những vụ “thổi giá” TTBYT. Robot hỗ trợ Rosa trong phẫu thuật sọ não ở Bệnh viện Bạch Mai chỉ 7,6 tỉ đồng, đã bị nâng thành 40 tỉ đồng, rồi lấy làm căn cứ thu tiền bệnh nhân để khấu hao, dẫn đến một ca phẫu thuật chỉ 4 triệu đồng bị đội lên thành 23 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế – nguyên nhân của việc mua sắm TTBYT mỗi nơi một giá là do nhiều yếu tố. Cùng chủng loại TTBYT nhưng có nhiều mức giá, phụ thuộc vào cấu hình, tính năng kỹ thuật và các dịch vụ đi kèm. Trong khi đó, một số chủ đầu tư chưa làm tốt công tác xác định nhu cầu, không tham khảo đầy đủ thông tin về TTBYT trên thị trường để làm cơ sở xây dựng kế hoạch mua sắm. Đặc biệt, việc xây dựng dự toán cũng chưa đúng quy định.
|
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - cho biết: Chỉ những sản phẩm có thông tin chính xác và hợp pháp mới được đưa lên Cổng |
Mặt khác, công tác quản lý, mua sắm và sử dụng TTBYT tại một số bệnh viện, địa phương chưa được quan tâm, nên không nắm bắt và thực hiện đầy đủ quy định về đầu tư, mua sắm TTBYT. Một số chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc quy trình đầu tư, không công khai việc xin ý kiến của Hội đồng khoa học cơ sở, dẫn đến việc lựa chọn thiết bị không đúng nhu cầu, yêu cầu chuyên môn.
Bên cạnh đó, một số đơn vị thẩm định giá không làm đúng chức năng nhiệm vụ, quy định, thậm chí, còn không biết thẩm định giá TTBYT.
Rõ ràng, vấn đề quản lý giá TTBYT trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, để bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân, đồng thời, bảo vệ uy tín của ngành y tế và bảo vệ chính cán bộ không sa ngã.
“Chợ” TTBYT đầy đủ đầu tiên
Trước đòi hỏi của xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo gắt gao việc công khai giá và các yếu tố cấu thành giá TTBYT, để cung cấp dữ liệu cho lãnh đạo các đơn vị y tế tham khảo, giúp họ mua sắm đúng chủng loại, đúng giá trị, đúng yêu cầu chuyên môn, đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh lành mạnh của thị trường TTBYT.
Cổng công khai y tế sẽ như một “chợ” TTBYT. Bộ Y tế xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ việc công khai giá, doanh nghiệp sẽ đăng ký và được cấp tài khoản để tự thực hiện và chịu trách nhiệm quản lý các thông tin đăng công khai trên Cổng thông tin giá TTBYT. Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế xây dựng, quản lý phương án công khai giá tham khảo trên cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp cập nhật và các tổ chức, để cá nhân có nhu cầu tham khảo thông tin về giá TTBYT tra cứu.
Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế nhấn mạnh: Chỉ những sản phẩm có thông tin chính xác và hợp pháp mới được đưa lên Cổng. Doanh nghiệp có thể sửa nội dung nhưng phần mềm sẽ lưu vết. Việc công khai giá sẽ khiến các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh về giá.
Để làm được việc này, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã rà soát các nhà nhâp khẩu, các công ty phải công bố giá. Do TTBYT ở Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu nên Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã làm việc với đại diện các hãng thiết bị y tế có uy tín để thống nhất phương án công khai giá. Nhưng TTBYT không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, nên Bộ Y tế yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết giá bán theo Luật giá.
Hôm nay, một ngày trước khi khai trương Cổng công khai y tế, việc chuẩn hóa bộ cơ sở dữ liệu về TTBYT đã hoàn tất với việc công khai giá niêm gần 16.700 sản phẩm, được chia thành 3 nhóm chính: Nhóm Thiết bị y tế: gồm 14 nhóm với hơn 200 tên chung về thiết bị y tế; Nhóm Vật tư y tế: gồm 10 nhóm với hơn 11.000 tên vật tư y tế căn cứ theo Thông tư 04/2017/TT-BYT về danh mục vật tư y tế thanh toán bảo hiểm y tế; Nhóm TTBYT chẩn đoán in vitro (IVD): gồm 16 nhóm với hơn 3.000 tên chung về IVD căn cứ theo Thông tư 02/2017/TT-BYT về dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm
Trong số TTBYT đã công khai trên Cổng công khai gồm 2.153 TTBYT; 11.758 vật tư y tế và 2.748 IVD.
Đặc biệt, cùng với những thông tin chính về sản phẩm như giá cả, sản xuất ở đâu, catalog, phân loại rủi ro, các sản phẩm TTBYT đưa lên Cổng còn ghi rõ thuộc nhóm nào để phục vụ đấu thầu, khắc phục tình trạng đấu thầu TTBYT như một loại hàng hóa thông thường.
|
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - chia sẻ với các nhà báo về Cổng công khai giá TTBYT |
Trở thành kênh tra cứu chính thức giá TTBYT
Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, để đáp ứng nguyện vọng của người dân và yêu cầu công khai, minh bạch của xã hội, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế sẽ tiếp tục yêu cầu các hãng/đơn vị hãng ủy quyền hợp lệ thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá theo quy định của Luật Giá. Sau đó, Vụ sẽ cập nhật nâng cấp tính năng phần mềm và tham mưu ban hành các văn bản pháp quy để hệ thống này trở thành kênh tra cứu chính thức về giá TTBYT, góp phần để thị trường TTBYT tế ngày càng minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.
Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý thông tin TTBYT và từng bước thực hiện Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực TTBYT, nhằm có công cụ, dữ liệu đủ mạnh phục vụ công tác quản lý.
“Với những nỗ lực chung của toàn ngành y tế, chắc chắn Cổng công khai Y tế sẽ thực hiện được mục tiêu minh bạch và lành mạnh hóa ngành y tế, đáp ứng nguyên vọng của người dân và xã hội, khắc phục được những tiêu cực đã xẩy ra tại một số nơi” – Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết.
|
Cổng công khai TTBYT do VVụ Trang thiết bị và Công trình y tế xây dựng chỉ trong hơn 2 tháng |
Ông Tuấn cũng cam kết tiếp tục chỉ đạo công khai toàn bộ thông tin về giá TTBYT, để kiểm soát chi phí dịch vụ y tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.
“Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, chúng tôi mong muốn sự tham gia tích cực, vào cuộc của các bên, trong đó có vai trò của bốn nhà: Nhà cung cấp càn công khai giá và các thông tin liên quan đến TTBYT họ kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu; đảm bảo giá cả và chất lượng như cam kết. Nhà sử dụng là các cơ sở y tế có trách nhiệm tham khảo, xác định nhu cầu đầu tư mua sắm phù hợp, đặc biệt, cần là nhà tiêu dùng thông minh dựa trên các thông tin đã được cung cấp công khai, minh bạch. Người dân, người bệnh giám sát và phản ánh kịp thời các thông tin, sự việc về chất lượng, giá cả, dịch vụ không phù hợp với công bố. Nhà quản lý: có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý Cổng công khai y tế đảm bảo chính xác, tin cậy và xử lý, chấn chỉnh các vi phạm, phản ảnh của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực mình quản lý” – Ông Tuấn nhấn mạnh.