Con sóng HPG có thể chỉ là khoảnh khắc

Từ sau thời điểm Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG, sàn HOSE) công bố mua vào 10 triệu HPG, cổ phiếu này lập tức nổi sóng. Liệu con sóng lớn này có còn kéo dài?
Đại gia ngành thép Hòa Phát khiến giới đầu tư lo ngại khi lấn sân sang lĩnh vực thức ăn chăn nuôi
Đại gia ngành thép Hòa Phát khiến giới đầu tư lo ngại khi lấn sân sang lĩnh vực thức ăn chăn nuôi

Trước khi ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát tuyên bố việc mua vào cổ phiếu HPG, thị giá cổ phiếu này trên thị trường đã phải trải qua một đợt rớt giá kéo dài suốt từ đầu tháng 9/2014 đến đầu tháng 6/2015. Trong giai đoạn này, cổ phiếu HPG chìm nghỉm từ vùng giá 40.000 đồng/cổ phiếu (giá đã được quy đổi theo vốn điều lệ mới)  xuống mức thấp nhất  25.300 đồng/cổ phiếu của ngày 5/6/2015, giảm khoảng 40%.

Có nhiều ý kiến khác nhau về động thái tuột dốc của cổ phiếu đại gia ngành thép. Song khởi đầu của tiến trình giảm giá là cổ đông nhận được thông tin HĐQT quyết định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc và chăn nuôi. 

Cụ thể, Hòa Phát đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Phố Nối A với công suất khoảng 300.000 tấn/năm và trong 3 năm đầu tiên đi vào hoạt động sẽ đạt doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng.

Một số nhà đầu tư cho rằng, việc Hòa Phát phân tán sang lĩnh vực không phải thế mạnh của Công ty là một nước cờ khá mạo hiểm. Lĩnh vực nông nghiệp này có vẻ đã bão hòa và đang phải gặp áp lực cạnh tranh cao càng làm tăng thêm lo ngại của giới đầu tư với Hòa Phát trước quyết định tiến quân vào nông nghiệp.

Trong khi đó, là một lính mới trong thị trường thức ăn chăn nuôi đã có phần bão hòa, việc Hòa Phát có thể làm nên chuyện có vẻ là câu chuyện khá mơ hồ. Hiện tại, trên thị trường thức ăn chăn nuôi đã có 239 doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt. Trong đó, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn yếu thế tại võ đài này và các đại gia nằm trong tốp đầu đều là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Mặc dù vậy, từ khi Chủ tịch Hòa Phát công bố việc mua thêm 10 triệu cổ phần, cổ phiếu HPG cuồn cuộn nổi sóng. Từ mức 25.300 đồng/cổ phiếu hôm 5/6/2015, giá HPG tăng vọt lên 28.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 11/6. Trong các phiên sau đó, thị giá cổ phiếu HPG tiếp tục dao động quanh mốc khoảng 28.500 - 28.800 đồng/cổ phiếu.

Đợt sóng của cổ phiếu HPG diễn ra khá sớm, bởi thực tế, từ ngày 15/6 mới là thời điểm ông Trần Đình Long chính thức thực hiện đợt mua vào 10 triệu cổ phiếu và thời gian mua vào sẽ kéo dài đến tận 14/7/2015. Theo đó, tỷ lệ cổ phần do ông Long nắm giữ sẽ tăng từ 23,78% (174,3 triệu cổ phiếu) lên 25,15% (184,3 triệu cổ phiếu).

Ngoài số cổ phần do cá nhân ông Long nắm giữ, mẹ và vợ ông Long là bà Đỗ Thị Giới và bà Vũ Thị Hiền cũng đang nắm giữ lần lượt trên 430.000 cổ phiếu (tỷ lệ 0,06%) và 53,4 triệu cổ phiếu (7,28% vốn điều lệ công ty). Như vậy, gia đình ông Trần Đình Long sẽ sở hữu tổng cộng trên 238 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 32,49% vốn điều lệ Hòa Phát sau khi đợt mua cổ phiếu của ông Long kết thúc.

Rõ ràng, động thái mua vào cổ phiếu của Chủ tịch Tập đoàn đã phần nào làm an lòng một số nhà đầu tư về giá trị thực tại của Hòa Phát. Bình luận về những lo ngại của giới đầu tư về động thái lấn sân sang làm thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát, ông Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, số tiền 300 tỷ đồng đầu tư cho Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát chỉ bằng 10% so với lợi nhuận hàng năm của Hòa Phát, nếu thua lỗ thì mức độ không nhiều, nhưng nếu thành công thì sẽ được rất nhiều.

Tuy nhiên, câu chuyện đối với cổ phiếu HPG thời điểm hiện tại là, liệu đợt sóng hiện tại có thể kéo dài để bù lại phần đã mất trong đợt thoái trào từ tháng 9 năm ngoái? Trả lời câu hỏi này không dễ. Đặc biệt, động thái bắt đầu chững lại của cổ phiếu HPG ngay phiên đầu tiên Chủ tịch Hòa Phát chính thức mua cổ phiếu cho thấy, nhiều nhà đầu tư chỉ tranh thủ lướt sóng và hiện thực hóa lợi nhuận khá sớm, chứ chưa thực sự tin tưởng vào thành công của Hòa Phát trong lĩnh vực mới.

Động thái chốt lời sớm của một số nhà đầu tư cũng có những lý lẽ riêng, bởi nếu như thành công, công ty thức ăn gia súc của Hòa Phát cũng phải mất vài năm mới có thể có lợi nhuận. Đó là khoảng thời gian khá dài và không phải nhà đầu tư nào cũng đủ kiên trì cùng Hòa Phát đánh cuộc với ngành nông nghiệp, trong khi trên thị trường cũng còn không ít cổ phiếu hấp dẫn khác để quay vòng vốn.

Theo: Báo Đầu tư