Một con đường cao tốc đang bắt đầu tượng hình trên vùng thảo nguyên thưa thớt dân cư ở Trung Á. Những chiếc ô tô, xe tải và xe buýt già cỗi từ thời Liên Xô thỉnh thoảng chạy vụt qua xe ủi đất, cần trục và máy khoan công trình hiện đại, đang hoạt động dưới sự giám sát của các kỹ sư Trung Quốc trong nỗ lực làm nên con đường nối liền Đông Á đến Tây Âu. Công trình đang diễn ra gần Shymkent, thuộc Kazakhstan, là biểu tượng của cuộc “Tây tiến” do Bắc Kinh phát động, nhằm lấn sâu vào vùng Trung Á vốn là “sân sau” truyền thống của Nga.
Chiến lược “bọc nhung”
Theo tờ The Washington Post, chuyên gia Nargis Kassenova về quan hệ quốc tế thuộc Đại học KIMEP ở Almaty (Kazakhstan) nhận định rằng Trung Quốc đang áp dụng chiến lược “bọc nhung” ở châu Á. Khoảng 1/4 số dân Kazakhstan là người Nga thiểu số trong khi truyền thông Nga thống trị các sóng truyền hình tại nước này. Do vậy, điều duy nhất mà Bắc Kinh có thể làm được là cung cấp những khoản vay cơ sở hạ tầng và đầu tư. Đầu tiên, người Trung Quốc bảo đảm rằng Con đường tơ lụa không chỉ là một con đường, mà hơn hết sẽ là một “vành đai” phồn thịnh về kinh tế. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy dân lao động nhập cư Trung Quốc đang là mối lo ngại đối với người bản xứ, vốn cho rằng chẳng sớm thì muộn nước này cũng lọt vào tay Trung Quốc. Hồi tháng 7.2015, nhiều người đã bị thương trong trận ẩu đả giữa lao động địa phương và người Trung Quốc tại mỏ đồng gần thành phố phía bắc Aktogay.Mắt xích Trung Á
Tờ The Washington Post dẫn lời Raffaello Pantucci, Giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cảnh báo rằng Trung Á đang rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc. Sự thay đổi này đã khiến giới lãnh đạo Nga báo động. Dạo gần đây, Moscow và Bắc Kinh liên tục thể hiện tiếng nói chung, cùng trên một chiến tuyến chống lại ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây, nhưng Trung Á là một trong những mắt xích yếu ớt của quan hệ song phương, là mảnh đất dễ dàng nảy mầm sự quan ngại và bất tín nhiệm.
Tất cả khởi đầu vào tháng 9.2013, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định chọn Astana, thủ đô của Kazakhstan, làm địa điểm công bố dự án đầy tham vọng mang tên “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”. Là một phần của chính sách đối ngoại mới đầy quyết đoán của ông Tập, Con đường tơ lụa hiện đại được xây dựng theo hướng khôi phục các lộ trình buôn bán thời xưa, tiến đến kiểm soát khu vực vô cùng quan trọng về mặt chiến lược nhưng lâu nay bị bỏ quên ở giữa lục địa Á - Âu. Với lịch sử giao thương kéo dài đến 2.000 năm từ thời Tây Hán, và chia sẻ 1.770 km biên giới chung, ông Tập cho rằng đã đến lúc hai nước nên nắm bắt cơ hội vàng để phát triển kinh tế và làm sâu sắc hơn quan hệ bạn bè, theo Reuters.
Khẩu hiệu “Con đường tơ lụa” có thể mới, nhưng nhiều mục tiêu của nó chẳng có gì mới mẻ. Bắc Kinh từ lâu muốn chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có trong khu vực để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế nước này; cũng như xây dựng mạng lưới hợp tác an ninh tại Trung Á nhằm ngăn chặn nguy cơ bất ổn ở Tân Cương; đồng thời tạo ra những tuyến vận tải đường bộ thay thế những tuyến hàng hải đông đúc và chật hẹp.
Từ phản đối đến thỏa hiệp
Những kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc tại Trung Á đã không diễn ra suôn sẻ, ít nhất vào thời điểm khởi đầu, với phản ứng dữ dội từ Điện Kremlin. “Khi Trung Quốc công bố kế hoạch Con đường tơ lụa ở Kazakhstan, giới lãnh đạo Nga tỏ ra hết sức hoài nghi và quan ngại”, theo tờ The Washington Post dẫn lời Alexander Gabuyev, người phụ trách vấn đề Nga trong Chương trình châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Carnegie Moscow. “Đây chẳng qua là dự án muốn giật Trung Á từ tay Nga. Trung Quốc muốn khai thác những khó khăn về kinh tế của Nga để chen chân vào khu vực”, ông Gabuyev diễn giải cách nhìn nhận của giới lãnh đạo Nga.
Moscow đã ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc nhằm thành lập một ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng trực thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, vì lo ngại đây sẽ là công cụ để Trung Quốc “bành trướng” về kinh tế. Bắc Kinh phản ứng lại bằng cách phớt lờ và thành lập Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á vào tháng 6.2015, với vốn điều lệ 100 tỉ USD. Tuy nhiên, cùng lúc đó, ông Tập tìm cách trấn an Nga, liên tục đảm bảo với Tổng thống Vladimir Putin rằng Bắc Kinh không có ý đồ thách thức sự ảnh hưởng của Nga về chính trị lẫn an ninh tại Trung Á.
Đến năm 2014, Nga tìm cách kéo Trung Á xích gần trở lại bằng việc thiết lập Liên minh Kinh tế Á - Âu, với Kazakhstan là thành viên sáng lập. Tuy nhiên, dù cố gắng hết mức, Moscow cũng phải thừa nhận rằng mình thiếu nguồn tài chính cần thiết để hỗ trợ kinh tế cho Trung Á. Theo sau sự đổ vỡ trong quan hệ với phương Tây về vấn đề Ukraine, và bị phương Tây cấm vận, quan niệm cho rằng Nga có vị thế dẫn dắt về kinh tế tại Trung Á đã đối mặt với sự hoài nghi, và cuối cùng bị chối bỏ.
Không cam lòng bị mất ưu thế tại khu vực, cuối cùng Nga quyết định nhượng bộ, theo đó Moscow lo về vấn đề an ninh, còn Trung Quốc mang lại lực đẩy về kinh tế cho Trung Á. Thế là vào tháng 5.2015, hai nước ký kết thỏa thuận nhằm cân bằng quyền lợi song phương tại khu vực, và kết hợp Liên minh Kinh tế Á - Âu với Con đường tơ lụa.
Theo Thanh Niên