Con đường phát triển Internet của Huawei

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Câu chuyện về "trạm gốc phân tán" là một huyền thoại trong hành trình phát triển của Huawei.

Con đường phát triển Internet của Huawei
Con đường phát triển Internet của Huawei

Vào năm 2003, sau khi đầu tư 3 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển 3G, bộ phận viễn thông của Huawei không có doanh thu trong suốt 3 năm. Khi đó, định kiến từ thị trường châu Âu với công nghệ Trung Quốc rất nặng nề, gây ra nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh doanh của hãng. Thậm chí, mức giá thấp hơn 20 đến 30% cũng không thể trở thành lợi thế cạnh tranh trong mắt khách hàng ở đây.

Kiên trì với nguyên tắc lấy khách hàng làm trung tâm, sau nhiều trao đổi để tìm hiểu nhu cầu thực sự của các nhà mạng châu Âu, Huawei phát hiện khó khăn chính của họ là lắp đặt trạm trong nhà. Do đó, bộ phận R&D không dây của Huawei đã tập hợp những kỹ sư giỏi nhất và làm việc thêm giờ trong nửa năm để phát triển trạm gốc phân tán, tạo nên một bước đột phá trong thị trường châu Âu cho các sản phẩm 3G của Huawei.

Kỹ sư tại trung tâm nghiên cứu và phát triển của Huawei ở Thượng Hải. Ảnh: Pandaily.
Kỹ sư tại trung tâm nghiên cứu và phát triển của Huawei ở Thượng Hải. Ảnh: Pandaily.

Trạm gốc phân tán là một đổi mới kiến trúc nhưng theo kiểu phá bỏ. Song song đó, Huawei cũng sáng tạo ra giải pháp - SingleRAN: Sử dụng thuật toán để tích hợp các hệ thống 2G, 3G, 4G và hệ thống trong tương lai với nhau thông qua một trạm cơ sở duy nhất, từ đó vừa làm giảm đáng kể chi phí vận hành, vừa tạo nền móng cho phát triển sản phẩm sau này. Vị thế của Huawei từ đó đã được cải thiện trên thị trường toàn cầu.

Ding Yun, thành viên Ban điều hành toàn bộ cụm R&D của Huawei, cho hay Huawei đầu tư hơn 70.000 nhân viên R&D trong chiến dịch đổi mới công nghệ những năm đầu 2000 và triết lý đổi mới của hãng là "lấy nhu cầu của khách hàng - bao gồm cả vô hình và hữu hình - làm trung tâm". Với nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, R&D phải nhắm vào nhu cầu của khách hàng và xu hướng công nghệ. Ông nói: "Huawei chạy đua với thời gian và thời đại, chứ không phải chạy đua với đối thủ".

David Wolf, một nhà tư vấn người Mỹ, tác giả của cuốn sách về hành trình của những công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, từng nhận định Huawei đã khởi xướng một hướng đổi mới theo phong cách phương Đông, khác với lối đổi mới theo kiểu bắt chước theo truyền thông phương Tây.

Bước lên vị trí dẫn đầu với công nghệ IP

Năm 2008, Huawei giới thiệu khái niệm về sóng vi ba giao thức Internet (IP), tạo nên một cuộc "chạy đua vũ trang" trong ngành công nghiệp viễn thông khi công nghệ này giúp tăng tốc độ truyền dẫn Internet lên hàng trăm lần so với các hệ thống của các nhà mạng khác. Trong khi tốc độ truyền ở trạng thái nghỉ của vi sóng truyền thống là 2 đến 8 Mbit/giây; Huawei có thể đạt được 1,6 đến 2,5Gbit/giây.

Công nghệ này trực tiếp giải quyết hai nhu cầu lớn đã bị bỏ qua: khôi phục dữ liệu nhanh chóng và cấu hình mạng cố định dễ dàng. Bước tiến này đã phá vỡ trật tự của toàn bộ ngành công nghiệp viễn thông và đưa Huawei lên vị trí hàng đầu trên thị trường. Hãng được xếp hạng nhất về truyền dẫn quang, mạng lõi và các sản phẩm truy cập cố định trên toàn cầu. Thiết bị viễn thông của hãng được xếp thứ hai.

Thành công hiện tại của Huawei ở cả hai mảng B2B và B2C khiến giới công nghệ và các đối thủ nhớ về câu nói của Nhậm Chính Phi: "10 năm sau, nếu chia ngành thương mại công nghệ điện tử viễn thông thế giới thành ba phần, Huawei sẽ chiếm một phần". Đối với mảng B2B, Huawei là nhà cung cấp lớn với nhiều sản phẩm nhất trong ngành, gồm bộ chuyển mạch Ethernet, Bộ định tuyến AR, WLAN, các sản phẩm an ninh mạng và các dịch vụ đám mây. Với B2C, Huawei có những sản phẩm ấn tượng từ trung đến cao cấp, như smartphone, đồng hồ, phụ kiện, sạc, laptop...

Hiện tại, Huawei được coi là nhà cung cấp các giải pháp về công nghệ 5G số một thế giới, bỏ xa các đối thủ trong ngành. Huawei đã vượt qua nhiều công ty ở phương Tây có lịch sử trăm năm để có mặt tại hơn 170 quốc gia. Hơn 1.500 đối tác của Huawei trên toàn cầu cũng đang cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho 1/3 dân số thế giới.

Đức Thanh