Có tiền, biết bỏ vào đâu?

Gửi ngân hàng luôn được xem là giải pháp hợp lý và an toàn cho những người có tiền nhàn rỗi mà không biết đầu tư gì hoặc e ngại, không thích rủi ro. Tuy nhiên, lựa chọn này dường như đang kém hấp dẫn hơn kênh trái phiếu doanh nghiệp và vàng.
Thị trường vàng có mức tăng trưởng vượt trội hơn 16% trong năm 2019. Ảnh: THÀNH HOA
Thị trường vàng có mức tăng trưởng vượt trội hơn 16% trong năm 2019. Ảnh: THÀNH HOA

Nếu so với các kênh đầu tư khác, lợi nhuận từ kênh tiền gửi ngân hàng trong năm 2019 vừa qua dù có cao hơn một số loại tài sản khác, nhưng cũng chỉ ở mức trung bình.

Gửi tiền ngân hàng “có vẻ” là chọn lựa tốt

So với kênh đầu tư ngoại tệ, mà nổi bật là đô la Mỹ, vốn rất phổ biến trong những năm trước đây khi mức độ đô la hóa trong nền kinh tế còn cao và thường chứng kiến những cú sốc phá giá bất ngờ, thì năm 2019 vừa qua tỷ giá trung tâm giữa đô la Mỹ và tiền đồng tăng chưa đến 1,5%, trong khi giá giao dịch trên thị trường tự do thậm chí còn đi xuống, rõ ràng gửi tiền ngân hàng có lợi hơn rất nhiều.

Thị trường chứng khoán cũng trải qua một năm không mấy nổi bật, với chỉ số VN-Index kết thúc năm tăng chưa đến 7%, chỉ tương đương với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của một số ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại có đặc thù rủi ro khá cao và không dành cho đại đa số, vì nếu chọn sai hàng hoặc tuy đúng hàng nhưng sai thời điểm, thì thậm chí còn lỗ vốn chứ đừng nói đến có được mức lãi khiêm tốn như trên.

Thị trường bất động sản cũng trải qua một năm đầy khó khăn khi dòng vốn tín dụng ngân hàng dành cho lĩnh vực này tiếp tục bị kiểm soát và thắt chặt. Một đặc thù của kênh đầu tư này là cần phải có vốn lớn, tính thanh khoản thấp, thủ tục phức tạp, rủi ro pháp lý cao, thậm chí nguy cơ dính vào các dự án có yếu tố lừa đảo không phải nhỏ khi nhìn vào hàng loạt công ty bất động sản bị phanh phui và ông chủ bị khởi tố trong những năm trở lại đây, hoặc đối mặt với khả năng chủ đầu tư phá vỡ các cam kết như một số dự án condotel trong năm vừa qua.

Ngoài ra, thị trường bất động sản cũng có tính trồi sụt thất thường, dễ rơi vào tình trạng đóng băng, đặc biệt khi đã trải qua chu kỳ tăng giá khá dài trong nhiều năm qua.

Vì vậy, gửi tiền ngân hàng với mức lãi suất phổ biến 4,3-5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng; mức 5,3-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,5%/năm, rủi ro thấp, được nhiều người lựa chọn.

Do đó, tốc độ tăng trưởng huy động vốn luôn duy trì tích cực trong suốt những năm qua, với năm 2019 tăng 12,5%, cao hơn mức 11,3% của cùng kỳ năm 2018. Rõ ràng ngoại trừ thị trường vàng có mức tăng trưởng vượt trội hơn 16% trong năm 2019, thì kênh tiền gửi ngân hàng ở kỳ hạn trên sáu tháng đang có suất sinh lời khá tốt so với các kênh đầu tư khác.

Lợi ích nhìn từ tăng trưởng kinh tế và lạm phát

Tuy nhiên, nếu nhìn vào tăng trưởng kinh tế (GDP) ở mức hơn 7% trong năm vừa qua, nhưng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng cao nhất chỉ là 5%, thấp hơn cả tăng trưởng của nền kinh tế, còn kỳ hạn từ sáu tháng trở lên cũng chỉ phổ biến 6-7%, thì kênh tiền gửi ngân hàng tỏ ra kém sức hấp dẫn.

Về cơ bản, khi chúng ta đầu tư vào một tài sản nào đó thì phải có suất sinh lời yêu cầu cao hơn hoặc ít nhất phải bằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, nếu không thì tốc độ tăng tài sản của chúng ta đang chậm hơn tốc độ tăng trưởng quy mô của nền kinh tế.

Trong khi đó, dù lạm phát bình quân năm 2019 chỉ ở mức 2,79%, nhưng nếu tính theo tháng so với cùng kỳ năm trước thì chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2019 đã tăng đến 5,23% so với tháng 12-2018, có thể thấy lãi suất thực (lãi suất danh nghĩa trừ lạm phát) thậm chí còn bị thu hẹp hơn nữa.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những người nhạy bén đang tìm kiếm cơ hội ở những kênh đầu tư khác, mà thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng trong năm vừa qua là một ví dụ. Thống kê gần nhất cho thấy, tính từ đầu năm đến tháng 11-2019, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đã lên tới hơn 233.500 tỉ đồng, trở thành kênh hút vốn cạnh tranh trực tiếp với tiền gửi ngân hàng.

Dù liên tiếp đối mặt với những cảnh báo và kiểm soát, nhưng trái phiếu doanh nghiệp có thể vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn đối với không ít người trong năm 2020. Tuy nhiên, nếu nhìn vào làn sóng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường Trung Quốc gần đây, việc dè chừng và cẩn trọng hơn đối với loại tài sản này là cần thiết, nhất là khi kênh đầu tư này không dành cho số đông mà chỉ có những nhà đầu tư tổ chức với khả năng phân tích và định giá chuyên nghiệp mới tránh được rủi ro.

Sau màn trình diễn chói sáng trong năm vừa qua, thị trường vàng đang được kỳ vọng khá lớn về khả năng tiếp tục đi lên trong năm nay khi có khá nhiều yếu tố hỗ trợ và cả những “chất xúc tác” có thể bất ngờ đến từ những rủi ro địa chính trị không lường trước, do đó vàng sẽ là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm hơn. Thực tế, giá vàng trong những ngày đầu năm nay tiếp tục nổi sóng mạnh, khi rủi ro đụng độ quân sự giữa Mỹ và Iran đang ngày càng gia tăng.

Các hình thức đầu tư mới như nền tảng cho vay ngang hàng, góp vốn cho các quỹ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, các dự án gọi vốn cộng đồng... dù tính pháp lý chưa thật sự rõ ràng nhưng cũng đang trở nên khá thu hút người tham gia trong thời gian gần đây, do suất sinh lời hứa hẹn khá hấp dẫn.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng được kỳ vọng sẽ là “chú ngựa ô” trong năm 2020 trước những dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2019, khi có thể đón nhận thêm dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất vẫn là lựa chọn đúng thời điểm và đúng doanh nghiệp như đã nói.

Theo TBKTSG