Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố tổng hợp tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 12 và lũy kế cả năm 2019.
Theo đó, trong tháng 12/2019, có 274 đợt đăng ký phát hành trái phiếu, với giá trị đăng ký lên tới 82.691,3 tỷ đồng. Số liệu từ HNX cho thấy, chỉ có 154 đợt phát hành thành công đến từ 58 doanh nghiệp, huy động được 54.855,6 tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành trái phiếu bình quân là 4,12 năm.
Xét theo loại hình doanh nghiệp, nhóm ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 40,41% tổng số trái phiếu phát hành. Tiếp đến là nhóm bất động sản và các công ty chứng khoán với tỷ trọng lần lượt là 12,38% và 1,53%. Các nhóm doanh nghiệp khác chiếm tới 45,69% số trái phiếu phát hành trong tháng 12/2019.
Lũy kế cả năm 2019, có 217 doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu, huy động được 296.712 tỷ đồng, thông qua 905 đợt phát hành.
Với kết quả này, theo ước tính, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2019 tiếp tục đạt trên 11% GDP, vượt mục tiêu mà chính phủ đề ra (dự kiến dư dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030).
Tuy nhiên, số đợt phát hành trái phiếu thành công trong năm 2019 chỉ chiếm 73% trong tổng số 1.242 đợt đăng ký phát hành với giá trị lên tới 440.426,6 tỷ đồng. Điều này phần nào phản ánh được nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu của doanh nghiệp còn rất lớn nhưng phía “bên mua” cũng rất chọn lọc.
Một số trường hợp huy động vốn từ trái phiếu không thành trong năm 2019 đáng chú ý đều tới từ các doanh nghiệp ít nhiều có tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản như: lô trái phiếu 5.300 tỷ đồng của nhóm An Quý Hưng; lô trái phiếu 820 tỷ đồng của CTCP Sunrise Real Estate (đã đổi tên thành CTCP BB Land Holdings); hay gần đây là lô trái phiếu 250 tỷ đồng của CTCP Eurowindow Holdings.
Trong khi đó, trái phiếu của các ngân hàng đều phát hành khá thành công dù mức lãi suất thấp hơn hẳn các doanh nghiệp bất động sản.
Mức lãi suất cao kỷ lục lên tới 20%/năm thuộc về lô trái phiếu mà CTCP Đầu tư thương mại Hồng Hoàng phát hành vào cuối tháng 11. Trái chủ của lô trái phiếu "cắt cổ" của Hồng Hoàng là nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, trong năm 2019, có 6 đợt đăng ký phát hành trái phiếu quốc tế nhưng chỉ có VPBank phát hành thành công trong trương vụ trị giá 300 triệu USD.