Có thật bà chủ VietJet Air là tỷ phú USD?

VietTimes -- Căn cứ trên cổ phần mà bà Thảo đang sở hữu tại các doanh nghiệp có liên quan, con số tính toán chưa cho thấy bóng dáng về một “nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam”…
Nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam?!
Nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam?!

Ngày 24/03/2016, Bloomberg xuất bản bài viết tiêu đề “How Bikini Airline Helped to Create Vietnam's First Woman Billionaire” (tạm dịch: Hãng hàng không “bikini” giúp tạo nên nữ tỷ phú đầu tiên của Viêt Nam thế nào). Đúng như tựa đề, nội dung cốt lõi của bài viết tập trung khắc họa hành trình làm giàu của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng không VietJet.

Bài báo cho biết, rằng bằng các dữ liệu và tính toán của Bloomberg Billionaires Index, thì sau khi hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam (Viet Jet Air) thực hiện IPO, bà Thảo sẽ có tài sản ròng vượt 1 tỷ USD, để sẵn sàng trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của không chỉ của Việt Nam mà còn là cả Đông Nam Á.

Tất nhiên thông tin trên ngay lập tức trở thành “hot trend” của truyền thông Việt. Nguyễn Thị Phương Thảo, bà chủ VietJet Air, nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam – những cụm từ này đã phủ kín trên hầu hết các site kinh tế Việt Nam nhiều ngày sau đó, khơi dậy trong công chúng sự ngưỡng mộ, niềm tự hào về một người phụ nữ tài sắc và giàu có đến ngỡ ngàng.

Nên nhớ, trước bài báo này của Bloomberg, Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn còn là một cái tên tương đối xa lạ với công chúng, và chuyện bà sẽ là tỷ phú USD thì lại càng chẳng mấy ai ngờ.

Tài sản của tỷ phú

Đến thời điểm này, gần như chưa có một công bố cụ thể nào về các danh mục tài sản mà bà Thảo đang sở hữu, thậm chí, thông tin về nhóm các công ty có liên quan đến bà Thảo cũng là rất khiêm tốn.

Theo thông tin trong bài viết trên Bloomberg, phần lớn tài sản của bà đến từ cổ phần ở VietJet và Dragon City (Phú Long) – dự án bất động sản rộng 65 hecta ở TP Hồ Chí Minh (nguyên văn: The majority of her wealth is derived from her stake in VietJet and her holdings in Dragon City, a 65-hectare real estate development in Ho Chi Minh City).

Tuy nhiên, quan điểm này cũng sẽ mang đến không ít những băn khoăn.

Thứ nhất, với trường hợp của VietJet, sau lần tăng vốn gần nhất (tháng 3/2016), vốn điều lệ (vốn cổ phần) của hãng bay này mới chỉ có 1.450 tỷ đồng, tức là khoảng 70 triệu USD.

Thứ hai, với trường hợp của Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long, chủ đầu tư dự án Dragon City 65 hecta mà Bloomberg đề cập. Theo tìm hiểu của VietTimes, Dragon City chính thức ra mắt ngày 03/12/2007 và được Phú Long giới thiệu là có tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD, dù chỉ tọa lạc ở một khu vực ngoại ô, khá xa trung tâm Sài Gòn.

Đáng nói là sau nhiều lần điều chỉnh mô hình cũng như bổ sung vốn, cập nhật đến tháng 8/2011, vốn điều lệ của CTCP Địa ốc Phú Long cũng mới chỉ là 700 tỷ đồng, tức là khoảng 35 triệu USD quy đổi theo tỷ giá hối đoái USD/VND tại thời điểm đó.

Tỷ phú USD hay IPO Roadshows cho VietJet Air?

Như vậy, giả sử bà Thảo có sở hữu cả 100% vốn cổ phần của VietJet và Phú Long, thì tính theo mệnh giá cổ phần tại hai DN này, “nữ doanh nhân kiếm được 1 triệu USD đầu tiên ở tuổi 21” cũng còn xa mới đạt mốc tỷ phú đô la.

Có thể có ý kiến cho rằng, thị giá của các cổ phiếu VietJet và Phú Long sẽ cao hơn rất nhiều so với mệnh giá. Nên biết, giá đấu bình quân của mỗi cổ phiếu Vietnam Airlines (một hãng hàng không rõ ràng là vẫn “trên tầm” VietJet) trong lần IPO mới đây cũng chỉ là 22,307 đồng; còn cổ phiếu bất động sản “hàng khủng” như VIC (Vingoup) chốt phiên gần nhất (30/3) cũng chỉ là 47.000 đồng/cổ phiếu.

Tất nhiên, ngoài VietJet và Phú Long, bà Thảo còn sở hữu cổ phần tại rất nhiều doanh nghiệp khác, trong đó có cái tên khá nổi tiếng là Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. HCM (HDBank) – nơi bà đang giữ cương vị Phó Chủ tịch thường trực HĐQT.

Trong bài viết trên Bloomberg, hãng tin này cho biết HDBank có tổng tài sản vào khoảng 4,6 tỷ USD (số liệu năm 2015) với 225 chi nhánh và 10.000 nhân viên. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VietTimes, trong tổng số 8.100 tỷ đồng vốn điều lệ của HDBank, sở hữu cá nhân của bà Phương Thảo chỉ là 16,8 triệu cổ phần (3,3585% VLĐ), tương ứng với khoảng 168 tỷ đồng theo mệnh giá, tức là khoảng 8 triệu USD.

Được biết, ngoài các đơn vị trên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đang nắm giữ trọng trách thành viên HĐQT tại CTCP Dầu khí Đông Đô (UpCOM: PFL), một doanh nghiệp có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Nhưng khác với hoạt động có lãi (tuy không cao) của HDBank hay VietJet, PFL lại là một chương buồn trong sự nghiệp quản trị của bà Thảo, khi mà PLF cứ triền miên thua lỗ, và tính đến hết năm 2015, đã “ăn mòn” vốn chủ sở hữu đến 151 tỷ đồng. Không lạ khi thị giá của cổ phiếu PLF hiện đã rớt xuống mức cùng cực, dưới 2.000 đồng/cổ phiếu.

Mô hình kinh điển   

Ít người biết rằng doanh nghiệp khởi sự và cũng là hạt nhân trong hành trình lập nghiệp sau khi hồi hương của bà Thảo là Công ty Cổ phần Sovico (Sovico Holdings), nơi mà bà đang giữ cương vị Chủ tịch HĐQT và chồng bà, ông Nguyễn Thanh Hùng đang giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng sáng lập.

Được phôi thai từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước tại Liên bang Nga, SOVICO Holdings khởi đầu là một doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, hàng thực phẩm, điện tử, may mặc... Tận dụng giai đoạn giao thời của nước Nga, Sovico tích lũy, lớn mạnh và  mở rộng mạnh lưới qua từng biến cố Đông Âu.

Vợ chồng bà Thảo bắt đầu hồi hương và đầu tư trực tiếp tại Việt Nam từ năm 2004, bằng việc thành lập CTCP Sovico, doanh nghiệp có số vốn điều lệ tại thời điểm hiện tại là khoảng 1.000 tỷ đồng.

Theo công bố của Sovico Holdings, tập đoàn này đang quản trị và điều hành hơn 20 đơn vị thành viên và liên kết. Và cổ phần sở hữu của bà Thảo tại các công ty hiện nay, hầu hết cũng được thông qua “hạt nhân” này.

Phu quân của bà Thảo, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Sovico Holdings, ông Nguyễn Thanh Hùng.

Đúng như mô hình kinh điển của giới tài phiệt quốc tế, mạng lưới doanh nghiệp của Sovico Holdings được gây dựng trên 3 trọng tâm căn bản là tài chính ngân hàng - bất động sản - công nghiệp (điện – năng lượng và hàng không).

Bằng mô hình này, về mặt lý thuyết, nhóm công ty Sovico gần như đã gây dựng được một cộng đồng tương hỗ nội khối, tạo sự chủ động bền vững cho các công ty thành viên, cũng như tận dụng triệt để các lợi thế của nhau để cùng lớn mạnh.

Trong đó, “chân tài chính” với vai trò đầu mối huy động, thu xếp vốn sẽ đóng vai trò như một “bơm điều tiết” các nguồn lực tư bản cho các dự án đầu tư bất động động sản hay năng lượng – vận tải, thậm chí còn là “tạo thanh khoản” trong trường hợp cần thiết.

Ngược lại bất động sản, năng lượng – vận tải cũng lại là một kênh hút vốn khổng lồ, ổn định với biên lợi nhuận cao cho nguồn vốn huy động của nhóm các tổ chức tài chính trong hệ thống.

Được biết ngoài những cái tên đã đề cập bên trên như HDBank, BĐS Phú Long, VietJet, PFL, Sovico Holdings còn đang đầu tư và duy trì sở hữu tại hàng loạt công ty như: Công ty Chứng khoán Phú Gia, Viet – Nga Infrastructure Investment Joint Stock Company, PVFC CAPITAL, PVFC INVEST, Bac Ha JSC, SGS Rubber Invesment JSC, Furama Resort, CTCP Ariyana, CTCP Đầu tư Sóng Việt, CTCP Đầu tư và Xây Dựng Tràng An, CTCP Du lịch Hồ Gươm, Cty Sài Gòn Sovico Phú Quốc, PVFC Land.

Tuy nhiên, sở hữu nội bộ của các thành viên trong hệ thống Sovico Holdings, theo tìm hiểu của VietTimes, cũng là rất chằng chịt. Câu chuyện này cùng với “trận đồ” sở hữu chéo sẽ được VietTimes đề cập trong một bài viết khác.

Bloomberg Billionaires Index dĩ nhiên sẽ có những cơ sở dữ liệu (hay lý do) riêng khi đưa ra đánh giá “tỷ phú USD” đối với bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Tuy nhiên, căn cứ trên cổ phần mà bà Thảo đang sở hữu tại các doanh nghiệp có liên quan, con số tính toán chưa cho thấy bóng dáng về một “nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam”.

Thậm chí tổng vốn cổ phần của tất cả các doanh nghiệp thuộc khối Sovico Holdings cũng chưa chạm ngưỡng 1 tỷ USD.

Vậy, bà chủ VietJet Air còn có những của chìm của nổi nào đủ để phong danh "nữ tỷ phú đô la đầu tiên" của Việt Nam?!

Ninh Giang - Quốc Dũng