Nỗi khổ của nhà thầu xây dựng: Chủ đầu tư "om" tiền thanh toán hàng chục năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(VietTimes) – Theo Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), nhiều chủ đầu tư tạm giữ một phần thanh toán gói thầu của các nhà thầu để chờ quyết toán dự án, mà thời gian chờ đợi quyết toán có khi lên đến hàng chục năm.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC)
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC)

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, vừa có báo cáo Chính phủ, nêu rõ 4 vướng mắc của các nhà thầu xây dựng tại các công trình trọng điểm quốc gia.

Trọng tâm là các vướng mắc về định mức đơn giá và cơ chế thanh quyết toán.

Về vấn đề đơn giá định mức, theo ông Hiệp, các dự án trọng điểm quốc gia hiện nay đều là các dự án đầu tư công nên việc thanh toán đều dựa trên cơ sở hệ thống đơn giá định mức do Nhà nước ban hành và các quy định trong Luật xây dựng, Luật đầu tư, Luật đấu thầu.

"Dù Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đã cố gắng cập nhật, bổ sung hệ thống định mức đơn giá theo yêu cầu của thị trường, song do công nghệ, vật liệu xây dựng luôn đổi mới nên hệ thống định mức, đơn giá chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đặc biệt là các định mức chuyên ngành như định mức về cầu dây văng, về khoan cọc nhồi…

Ngoài ra, bộ đơn giá xây dựng của địa phương (nơi có công trình) công bố để áp dụng thường thấp hơn giá thật khoảng 10-15%.

Đơn giá nhân công cũng chỉ bằng 60%-70% tiền lương thực tế mà nhà thầu phải trả", chủ tịch VACC thông tin.

Trước thực tế trên, đại diện VACC kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục khẩn trương rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống định mức áp dụng cho các dự án, công trình trọng điểm.

"Cần có sự linh hoạt, sát thực tế trong vận dụng cơ chế tránh thiệt thòi cho các nhà thầu", ông Hiệp đề xuất và lấy ví dụ dự án sân bay Long Thành. Tại dự án này, chủ đầu tư chỉ đạo rút ngắn tiến độ so với hợp đồng đã ký nhưng chi phí không được điều chỉnh. Đáng nói, khi rút ngắn, các chi phí như nhân công, ván khuôn, dàn giáo đều tăng vì phải quay vòng nhanh.

Hoặc theo định mức ban đầu, hồ sơ thiết kế Long Thành là nền sử dụng cát đen nhưng khi thi công không có cát đen cung cấp, phải dùng cát nhân tạo. Nhưng hiện nay, dù đã lợp mái, dựng xong kết cấu thép vẫn không có định mức để nhà thầu lập hồ sơ thanh toán.

Vì vậy, chủ tịch VACC kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đổi mới toàn diện hệ thống quản lý chi phí, không ban hành định mức dự toán chi tiết như hiện nay mà xây dựng hệ thống định mức – đơn giá tổng hợp để xác định giá gói thầu, tổng dự toán, tổng mức đầu tư.

Đặc biệt, cần từng bước xoá bỏ cơ chế 2 giá trong ngành xây dựng (giá công trình vốn nhà nước và công trình vốn ngoài nhà nước).

nha-thau-xay-dung-viettimes .jpg
Chủ tịch VACC kiến nghị loạt giải pháp giúp nhà thầu xây dựng thoát cảnh nợ đọng (Ảnh: Yến Thanh)

Còn vướng mắc về việc thanh quyết toán, ông Hiệp cho biết có sự bất bình đẳng giữa các chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng. Thủ tục điều chỉnh hợp đồng, thanh toán khối lượng phát sinh còn nhiều rắc rối, phức tạp.

"Thậm chí, nhiều chủ đầu tư tạm giữ một phần thanh toán gói thầu của các nhà thầu để chờ quyết toán dự án, mà thời gian chờ đợi quyết toán có khi lên đến hàng chục năm", ông Hiệp nêu và lấy ví dụ gói thầu thi công một công ty bị giữ 27 tỷ trong khi giá trị gói thầu 300 tỷ đồng.

Do đó, chủ tịch VACC kiến nghị các cơ quan soạn thảo cân nhắc đảm bảo sự bình đẳng giữa bên giao thầu và bên nhận thầu, đặc biệt là về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng.

Cũng tại báo cáo, ông Hiệp mong cơ quan quản lý quan tâm "cứu" các nhà thầu thoát khỏi cảnh nợ đọng xây dựng (do các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách chây ỳ trong thanh toán) bằng biện pháp: phần 20% cuối cùng của hợp đồng, các chủ đầu tư phải có bảo lãnh hoặc chí ít cũng phải có xác nhận khối lượng hoàn thành của chủ đầu tư mới được nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng.

"Việc giữ lại nghĩa vụ bảo lãnh chỉ thực hiện ở lần thanh toán cuối cùng. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về quy trình xác định và thanh toán khối lượng phát sinh gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư và tư vấn.

Về mức tạm ứng, VACC kiến nghị tăng từ 10% lên 15% - 20% đối với các gói thầu phải nhập khẩu các vật tư...", đại diện VACC đề xuất.

Ngoài ra, chủ tịch VACC nêu loạt giải pháp hỗ trợ lực lượng lao động ngành xây dựng như: khuyến khích lực lượng lao động nông nhàn bằng việc không thu thuế thu nhập cá nhân đối với lao động ngắn hạn, điều chỉnh đơn giá nhân công xây dựng (đơn giá tiền lương hiện nay chỉ bằng 60%-70% tiền lương thực tế)...