Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng kêu gọi điều tra ChatGPT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhóm vận động hành lang cho biết nội dung do chatbot tạo ra có vẻ đúng và đáng tin cậy nhưng thường không chính xác, có thể đánh lừa người dùng.
Ảnh: Google
Ảnh: Google

Tổ chức Người tiêu dùng Châu Âu (BEUC) đã tỏ rõ sự quan tâm về ChatGPT và các chatbot trí tuệ nhân tạo khác. Họ kêu gọi các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng EU điều tra công nghệ này và khả năng gây hại cho người dân.

Sự phổ biến ngày càng tăng của ChatGPT do Microsoft hậu thuẫn, có thể bắt chước con người và tạo văn bản cũng như hình ảnh dựa trên lời nhắc, đã thúc đẩy những công ty khác như Google, AWS và Meta Platforms phát triển các dịch vụ tương tự.

BEUC, nhóm bảo trợ cho 46 tổ chức người tiêu dùng từ 32 quốc gia, đã bày tỏ lo ngại trong các bức thư riêng vào đầu tháng này tới mạng lưới các cơ quan an toàn người tiêu dùng (mạng CSN) và mạng lưới các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (mạng CPC).

Nhóm vận động hành lang cho biết nội dung do chatbot tạo ra có vẻ đúng và đáng tin cậy nhưng thường không chính xác, có thể đánh lừa người dùng. Nhóm nói thêm, người dùng nhỏ tuổi và trẻ em sẽ dễ dàng bị đánh lừa bởi những thông tin như vậy.

“Do đó, BEUC yêu cầu điều tra những rủi ro mà các hệ thống AI này gây ra cho người tiêu dùng như một vấn đề cấp bách, để xác định sự hiện diện của chúng trên thị trường tiêu dùng và nhanh chóng nghiên cứu những hành động khắc phục nào phải được thực hiện để tránh gây hại cho người tiêu dùng” Phó Tổng giám đốc BEUC Ursula Pachl đã viết trong thư gửi mạng lưới CPC và Ủy ban Châu Âu.

Nhóm cũng kêu gọi Mạng lưới An toàn Người tiêu dùng bắt đầu trao đổi thông tin và điều tra về các rủi ro an toàn của các sản phẩm này.

Vào ngày 24/4, nhóm vận động công nghệ BSA, được tài trợ một phần bởi Microsoft, đã phát đi thông cáo khuyến nghị nhà chức trách sớm đưa ra quy tắc quản lý trình điều khiển trí tuệ nhân tạo (AI) cấp quốc gia.

BSA đại diện cho các công ty lớn trong ngành phần mềm tại Mỹ như Adobe, IBM và Oracle. "Việc quản lý không nhất thiết phải giải đáp mọi thắc mắc về AI, nhưng đó là câu trả lời quan trọng đối với một vấn đề thiết yếu mà Quốc hội có thể thực hiện tại thời điểm này", Phó chủ tịch BSA Craig Albright cho biết.

Ông Albright cũng nói rằng châu Âu và Trung Quốc đang thúc đẩy khung pháp lý quản lý những công nghệ mới và do đó, những nhà lập pháp Mỹ cần tự trả lời câu hỏi liệu chuyển đổi số có phải là "một phần quan trọng trong chương trình kinh tế" hay không. BSA khuyến nghị rằng nếu câu trả lời là có, thì cần có một chương trình quốc gia về chuyển đổi số, bao gồm các quy tắc pháp lý về AI, tiêu chuẩn quyền riêng tư cấp quốc gia và chính sách an ninh mạng mạnh mẽ.

Theo Reuters