Ngày 8/2/2017, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) công bố thông tin về quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Hùng Vương (Mã CK: HVG) vào diện cảnh báo. Theo đó, cổ phiếu HVG sẽ bị đưa vào diện cảnh báo từ 15/2/2017.
“Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 là -49,3 tỷ đồng căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 (niên độ tài chính 01/10/2015-30/9/2016), thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại Điểm b Khoản 1.1 Điều 22 Quy chế Niêm yết chứng khoán tại Sở GDCK Tp. Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 346/QĐ-SGDHCM ngày 23/8/2016” – HOSE thông tin.
Đáng chú ý, trước đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất (kỳ kế toán 01/10/2015-30/9/2016), HVG đã công bố lãi ròng 378 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế trong quý 4 (01/07-30/9) là 87,4 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo HVG, sản lượng xuất khẩu tăng mạnh là nguyên nhân chủ yếu khiến LNST quý 4 của DN này tăng đột biến trong quý 4.
Nhưng ngay sau đó, giới đầu tư tài chính, cổ đông của HVG gần như “ngã ngửa” với kết quả lợi nhuận sau xoát xét của doanh nghiệp này. Thay vì lãi ròng 378 tỷ đồng như công bố trước đó, thực tế, sau kiểm toán, LNST hợp nhất của HVG chỉ có 9,7 tỷ đồng. Đặc nói, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đang báo lãi 306,6 tỷ đồng đã chuyển thành lỗ 49,3 tỷ đồng.
Theo BCTC, tính đến cuối niên độ tài chính (30/9/2016), tổng tài sản HVG là 16.603 tỷ đồng. Công ty đang có 7.649,8 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 1.059,9 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Các chủ nợ lớn nhất hiện tại của HVG là các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Saigonbank, Techcombank, VIB, OCB, Agribank, ACB, TPBank...
Đóng cửa phiên 8/2/2017, cổ phiếu HVG đang ở mức 7070đ/cổ phiếu. Trước đó, cổ phiếu HVG đã có chuỗi giảm sàn 4 phiên kể từ sau kỳ nghỉ lễ Nguyên đán, nguyên nhân được cho là thị trường phản ánh tiêu cực với thông tin bất lợi đã nêu trên.