Cổ phiếu ngân hàng thăng hoa, đây có thể là lý do!

Tại TTCK Việt Nam, tin đồn có một sức mạnh ghê gớm. Theo nhiều luồng ý kiến, hiện tại sức tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng đến từ kỳ vọng vào việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và Dự thảo sửa đổi thông tư 36 chưa phải áp dụng ngay.
Cổ phiếu ngân hàng thăng hoa, đây có thể là lý do!

Dù chỉ giao dịch trong 3 phiên nhưng thị trường chứng khoán tuần qua đã làm nức lòng các nhà đầu tư khi VN-Index chính thức vượt qua mốc 600 điểm lần đầu tiên trong năm 2016 và trụ vững trên mốc này cho đến hết tuần.

Chỉ số tăng trưởng nhờ sức kéo từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt trong phiên cuối tuần, sự thăng hoa của nhóm cổ phiếu ngân hàng là nguyên nhân chính để VN-Index có thể giữ vững đà tăng tới cuối phiên mặc dù số mã giảm điểm áp đảo so với số mã tăng điểm. Đâu là lý do của sự thăng hoa này?

Khối ngoại yêu thích cổ phiếu vua

Trong tuần qua, khối ngoại mua ròng xấp xỉ 288 tỷ đồng trên cả 2 sàn và cổ phiếu ngân hàng MBB, VCB, BID, CTG là gương mặt chính trong top 5 mua ròng của họ.

Nhưng nếu nói đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, không phải chỉ phiên cuối tuần qua mới đáng chú ý. Từ ngày 22/04/2016 khi khối ngoại tăng vọt lượng tiền đổ vào các cổ phiếu vua thì thanh khoản của các đầu tàu trong nhóm này đã tăng rất nhanh và mạnh. Cụ thể trong phiên 22/04, khối ngoại mua ròng 51,6 tỷ đồng VCB, 24,6 tỷ đồng BID, 14 tỷ đồng MBB và 6 tỷ đồng CTG.

Một số chuyên gia trên thị trường đã cho rằng, dòng tiền ngoại nói trên đền từ P-notes và có vẻ cổ phiếu ngân hàng cùng một số cổ phiếu lớn khác là khẩu vị ưa thích của P-notes.

Theo công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), rủi ro giao dịch đối với các cổ phiếu ngân hàng đang liên quan mật thiết với dòng tiền khối ngoại đã mua các cổ phiếu tại ngày 22/4. Quan sát của VDSC chỉ ra rằng kể từ hôm đó, dòng tiền này vẫn chưa cho thấy động thái bán ra.

Tuy nhiên, nếu đây chỉ là dòng tiền đầu cơ ngắn hạn sẽ dễ tạo nên áp lực bán mạnh khi đạt đến mức giá thỏa mãn nhu cầu đầu tư của dòng tiền này.

Kết quả kinh doanh Quý 1 nhìn chung là tích cực

Vietcombank đã rất nhanh công bố kết quả kinh doanh quý 1/2016 với khoản lợi nhuận trước thuế đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 61% cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý I/2016 là 1,76% giảm nhẹ so với mức đầu năm.

Vietinbank cũng có một kết quả tích cực khi trong quý 1, ngân hàng ghi nhận 2.404 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 1.923 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng 54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đạt 5.377 tỷ, tăng trưởng 14,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu tính đến 31/03/2016 là 0,96%.

Về phía Ngân hàng Quân đội, nhờ giảm trích lập dự phòng xuống chỉ bằng 1/3 cùng kỳ nên lợi nhuận trước thuế của MBB trong quý I được kéo lên mức 882 tỷ đồng, tăng 10,6% mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng giảm mạnh 28%.

Riêng BIDV, do sáp nhập với MHB, chi phí dự phòng rủi ro quý 1/2016 tăng đột biến lên gần 2.000 tỷ đồng, gấp đôi quý I/2015 khiến ông lớn này chỉ còn hơn 2.077 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và sau thuế là 1.682 tỷ đồng, giảm gần 10%.

Hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, chưa áp dụng Dự thảo sửa đổi thông tư 36?

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, tin đồn có một sức mạnh ghê gớm. Theo nhiều luồng ý kiến trên thị trường, hiện tại sức tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng còn đến từ kỳ vọng vào việc các ngân hàng được hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và Dự thảo sửa đổi thông tư 36 chưa phải áp dụng ngay.

Điều này từng được ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT của BIDV kiến nghị trong buổi đối thoại Thủ tướng và Doanh nghiệp ngày 29/04. Theo đó, ông Bắc Hà đã đề nghị Ngân hàng nhà nước điều chỉnh giảm dự trữ thanh khoản, với khoảng 8% cho kỳ hạn ngắn và 6% cho kỳ hạn dài, xin điều chỉnh giảm dự trữ bắt buộc đồng loạt ở mức 1% cho VND và 3% với ngoại tệ. Dự trữ thanh toán theo dự thảo thông tư 36 đề nghị ở mức 8%.

Những kiến nghị này nhằm tạo cơ sở cho việc giảm lãi suất.

Trong kỳ vọng của nhà đầu tư, nếu những điều trên “trở thành hiện thực”, một dòng tiền lớn sẽ lại đổ vào thị trường.

Vậy trong tuần mới, phong độ của cổ phiếu ngân hàng có tiếp tục được duy trì?

Theo VDSC, VCB đã vượt ngưỡng kháng cự dài hạn khá vững chắc và BID đã chính thức vượt ngưỡng kháng cự này trong phiên 06/05. Tuy nhiên, CTG chỉ vừa chạm ngưỡng kháng cự dài hạn. Các phiên tiếp theo thị trường nhiều khả năng sẽ chứng kiến giằng co mạnh tại BID và CTG để kiểm chứng lại việc hình thành kênh xu giá tăng của BID và CTG. Do đó, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân có thể sẽ duy trì mạnh tại các cổ phiếu trong ngành này.

Chính vì thế, nhà đầu tư vẫn có thể tận dụng tâm lý hưng phấn của thị trường để tận dụng chiến thuật đầu tư theo xu hướng. Tức cổ phiếu ngân hàng vẫn nên nằm trong tầm ngắm.

Trong một quan điểm khác, chứng khoán HSC đánh giá rằng động lực từ KQKD quý 1 và kỳ vọng lãi suất giảm chưa đủ mạnh. Trong khi đó, mối lo về mức lãi dự thu lớn và chi phí dự phòng cao ở một số ngân hàng. Vì vậy, đợt tăng hiện tại của nhóm ngân hàng chỉ là ngắn hạn.

Theo Trí thức trẻ