Theo Wall Street Journal, những người hiểu vấn đề này cho biết chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho các quan chức trong các cơ quan chính quyền ở trung ương không được sử dụng iPhone của Apple và các thiết bị mang nhãn hiệu nước ngoài khác tại nơi làm việc hoặc mang chúng vào văn phòng của họ.
Theo đó, những tuần gần đây, các nhân viên chính phủ đã nhận được chỉ thị từ cấp trên qua các nhóm chat hoặc qua các cuộc họp công việc. Lệnh này là bước đi mới nhất của chính phủ Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tăng cường an ninh mạng, đồng hạn chế luồng thông tin nhạy cảm ra khỏi Trung Quốc.
Wall Street Journal chỉ ra rằng, từ vài năm trước một số cơ quan của chính phủ Trung Quốc đã cấm quan chức sử dụng iPhone khi làm việc, và lệnh cấm mới nhất đã mở rộng phạm vi thực hiện và thắt chặt thêm việc thực thi.
Động thái của chính phủ Trung Quốc có thể gây tác động tiêu cực đến các thương hiệu nước ngoài tại Trung Quốc, bao gồm cả Apple. Hiện tại, iPhone vẫn đang chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường điện thoại thông minh cao cấp của Trung Quốc và doanh thu của iPhone tại Trung Quốc chiếm 19% tổng doanh thu của Apple trên thế giới, khiến Trung Quốc trở thành một trong những thị trường quan trọng của Apple.
Sau khi lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc xuất hiện trên các bản tin, giá cổ phiếu Apple đã lập tức giảm hơn 4% trong ngày thứ Tư (6/9) và cuối cùng giảm 3,58%, đóng cửa ở mức 182,91 USD, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 4/8 và đứng đầu mức giảm trong số các thành phần của chỉ số Dow Jones.
Hiện không rõ có tất cả bao nhiêu quan chức chính phủ đã nhận được chỉ thị này và ngoài điện thoại Apple còn có những thương hiệu điện thoại di động nước ngoài nào khác cũng nằm trong danh sách cấm.
Lo ngại về an ninh quốc gia?
Paul Haenle, người từng giữ chức vụ chủ quản các vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama, cho rằng động thái của chính phủ Trung Quốc có thể là xuất phát từ lo ngại về các vấn đề kinh tế và an ninh quốc gia.
Theo Paul Haenle, về mặt an ninh quốc gia, chính phủ Trung Quốc có thể lo ngại về việc dữ liệu của các nhân viên chính phủ bị truy cập thông qua cửa sau. Về mặt kinh tế, Trung Quốc có thể muốn thấy các nhà sản xuất trong nước mở rộng thị phần.
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các cơ quan chính phủ và các công ty nhà nước thay thế công nghệ nước ngoài, bao gồm máy tính, hệ điều hành và phần mềm, bằng những sản phẩm trong nước mà họ cho là an toàn và có thể kiểm soát được.
Vào năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã hạn chế quân nhân và nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước lớn sử dụng xe ô tô Tesla, với lý do lo ngại dữ liệu do xe Tesla thu thập có thể trở thành nguồn rò rỉ thông tin an ninh quốc gia. Tuy nhiên, xe Tesla vẫn bán chạy ở Trung Quốc.
Trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Apple hầu như không bị ảnh hưởng. Apple là một trong những công ty công nghệ có giá trị cao nhất ở Mỹ; Trung Quốc vừa là thị trường lớn vừa là cơ sở sản xuất của công ty. Apple lắp ráp hầu hết các sản phẩm của mình tại Trung Quốc và các hoạt động này hỗ trợ hàng triệu việc làm thông qua các nhà sản xuất và nhà cung cấp theo hợp đồng.
Trong nhiều năm qua, Apple được cho đã tuân thủ luật pháp nghiêm ngặt của Trung Quốc về tự do kỹ thuật số, đã xóa hàng nghìn ứng dụng khỏi App Store của công ty mà các quan chức Trung Quốc cho là bất hợp pháp. Trong đó bao gồm các mạng riêng ảo (VPN) cho phép người dùng vượt qua hệ thống lọc internet của Trung Quốc và một số ứng dụng chơi game.
Apple đã thống trị thị trường điện thoại thông minh có giá trên 600 USD tại Trung Quốc trong những năm gần đây sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến khả năng sản xuất điện thoại 5G của đối thủ Huawei. Huawei gần đây đã ra mắt một chiếc điện thoại hàng đầu có tốc độ nhanh hơn, một lần nữa thách thức Apple đối với tầng lớp khách hàng cao cấp.
Một trong những điểm hấp dẫn của iPhone là tính năng bảo mật và quyền riêng tư. Vào năm 2016, Apple đã tham gia vào một vụ kiện với Bộ Tư pháp Mỹ về chiếc iPhone của một tên khủng bố đã chết, sau khi cơ quan thực thi pháp luật tìm kiếm sự giúp đỡ của Apple trong việc mở khóa thiết bị, nhưng Apple từ chối đồng ý.
Trung Quốc yêu cầu một số công ty, trong đó có cả công ty nước ngoài, lưu trữ dữ liệu được thu thập tại địa phương bên trong Trung Quốc. Các công ty như Apple và Tesla hiện sử dụng các trung tâm dữ liệu được xây dựng ở Trung Quốc, nhưng những động thái này có thể không đủ để xoa dịu những lo ngại về an ninh quốc gia của chính phủ Trung Quốc.
Những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường an ninh mạng trong nước đã có từ ít nhất 10 năm trước, khi Edward Snowden tiết lộ rằng Cục An ninh Quốc gia Mỹ (U.S. National Security Agency) vào năm 2013 đã xâm nhập vào mạng máy tính của Trung Quốc.
Thay thế công nghệ nước ngoài
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã phát động chiến dịch thay thế các công nghệ nước ngoài bằng thiết bị sản xuất trong nước đối với chính quyền trung ương, địa phương và các ban ngành, chiến dịch này được biết đến rộng rãi với tên gọi "Xinchuang" (Tín Sáng), chỉ đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin.
Cả chính phủ Trung Quốc và phương Tây đều ban hành một loạt lệnh cấm đối với nhiều thiết bị và công nghệ do phía bên kia sản xuất.
Trong khi đó, Bloomberg dẫn nguồn thông thạo vấn đề này cho biết, các doanh nghiệp hoặc đơn vị thuộc sở hữu nhà nước có thể có mức độ thực thi nghiêm ngặt khác nhau. Một số đơn vị có thể chỉ cấm đưa các thiết bị của Apple vào nơi làm việc, trong khi những đơn vị khác có thể cấm hoàn toàn nhân viên sử dụng các thiết bị liên quan.
Đưa tin về lệnh cấm của Trung Quốc, trang Deutsche Welle ngày 6/9 viết: Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, Mỹ đã hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ nhạy cảm của phương Tây, với hy vọng điều này có thể kìm hãm sự phát triển công nghệ và quân sự của Trung Quốc.
Các nước phương Tây, lo ngại về khả năng gián điệp, cũng đã cấm một loạt sản phẩm của các công ty Trung Quốc. Ví dụ nổi tiếng nhất là nền tảng video ngắn TikTok; nhiều tiểu bang ở Mỹ đã cấm công chức sử dụng ứng dụng video ngắn TikTok trên các thiết bị phục vụ công việc như điện thoại di động và máy tính xách tay, và trong một số trường hợp còn cấm sử dụng trên mạng không dây của tiểu bang. Thậm chí một số quốc gia đã cấm hoàn toàn việc sử dụng TikTok.
Theo Deutsche Welle, ngoài TikTok, Huawei cũng là công ty Trung Quốc bị cấm nghiêm ngặt nhất ở phương Tây. Đức hiện vẫn đang tiến hành kiểm tra an ninh đối với các linh kiện viễn thông do Huawei cung cấp. Trong tương lai, các công ty viễn thông có thể buộc phải tháo dỡ các linh kiện Huawei đã lắp đặt.
Theo WSJ, DW