|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), năm 2019 được xem là năm bản lề để chuẩn bị cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng là năm Agribank xác định tiếp tục tập trung triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2.
Trong những tháng đầu năm 2019 vừa qua, Agribank đã và đang có những bước chuyển mình quan trọng với quyết tâm củng cố nền tảng vững chắc để sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa.
Bước vào triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2 cũng là thực hiện Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 gắn với xử lý nợ xấu và quá trình cổ phần hóa, đến nay, Agribank đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo lộ trình, kế hoạch cơ cấu lại. Trong đó có trọng tâm là việc chủ động triển khai công tác chuẩn bị cổ phần hóa và sẵn sàng thực thi khi có quyết định phê duyệt.
Năm 2019, Agribank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng tối thiểu 10% so với năm 2018, tăng cường nâng cao năng lực tài chính, củng cố nền tảng để sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Mặc dù mong muốn diễn ra theo kế hoạch, tuy nhiên quá trình cổ phần hóa đang chậm so với tiến độ đề ra bởi những thách thức, vướng mắc mà không chỉ Agribank có thể tự giải quyết được” - Agribank cho biết.
Khó nhất là “bài toán” tăng vốn
Khối tài sản lớn của nhà băng này cũng khiến cho việc xác định giá trị doanh nghiệp phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.
Cụ thể, Agribank là ngân hàng có khối tài sản lớn nhất, riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của nhà băng này đã tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng nhất. Bên cạnh đó, Agribank có số lượng khách hàng đông nhất với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, nên các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất.
Bên cạnh đó, Agribank hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Trong đó, Agribank cho biết một trong những vấn đề nan giải nhất đó là “bài toán” tăng vốn.
“Từ một ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, hiện nay Agribank có vốn điều lệ gần 30.500 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm "Big 4" ngân hàng thương mại” - thông báo của Agribank nêu.
|
Tính đến 31/3/2019, Agribank đã phát hành tổng cộng 20.331,459 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn trên 5 năm
|
Agribank cho biết với quy mô tài sản, nguồn vốn, đầu tư tín dụng đều trên 1 triệu tỷ đồng, dẫn đầu toàn hệ thống và thực hiện vai trò chủ đạo trong tín dụng nông nghiệp nông thôn, hàng năm tăng trưởng tín dụng từ 11-14% để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, từ cuối năm 2018, Nghị định 116 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định 55 có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng vay vốn không có tài sản đảm bảo, tuy nhiên lại là áp lực đối với Agribank khi tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn trên 70% và chủ yếu là cho vay không có tài sản bảo đảm. Điều này dẫn đến quy mô tài sản có rủi ro tăng mạnh (70-80 nghìn tỷ đồng mỗi năm).
Bên cạnh đó, đây là lĩnh vực đầu tư chính của Agribank nhưng lại thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thiên tai bất khả kháng, chi phí hoạt động lớn và rủi ro cao.
Ngoài huy động vốn cạnh tranh bình đẳng như các ngân hàng thương mại khác, trong cơ cấu tín dụng, Agribank dành một phần lớn cho các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất cho vay ưu đãi thấp, tuy vậy, ngân hàng thường xuyên trong tình trạng chưa nhận được đủ cấp bù lãi suất.
Ngày 8/8/2019 vừa qua, Agribank phát đi thông báo chào bán 5.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm. Lãi suất áp dụng là lãi suất thả nổi (có điều chỉnh định kỳ) bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng: VietinBank, BIDV, Vietcombank, Agribank) cộng với biên độ 1,2%/năm.
|
Kế hoạch sử dụng vốn từ đợt chào bán của Agribank (Nguồn: Agribank)
|
Agribank báo lãi lớn 7 tháng đầu năm 2019 Agribank vừa công bố một số kết quả kinh doanh những tháng đầu năm 2019. Theo đó, tính đến ngày 31/7/2019, tổng thu nhập của Agibank đạt 70.759 tỷ đồng, tăng 11.627 tỷ đồng , tương đương hơn 20% so với cùng kỳ năm 2018; Tổng chi phí trước thuế đạt 62.559 tỷ đồng, tăng 8.503 tỷ đồng tương đương hơn 16% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó chi phí hoạt động tín dụng tăng 19,6%. Lợi nhuận trước thuế của Agribank sau 7 tháng đầu năm 2019 đạt 8.200 tỷ đồng (sau khi tạm phân bổ các khoản phải trích), tăng 127% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn luôn duy trì trên 70% tổng dư nợ và chiếm trên 50% thị phần tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam. Đặc biệt, tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng hàng năm Agribank vẫn dành hàng trăm ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, nhất là các khách hàng thuộc các chương trình chính sách. Không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn, Agribank còn cho vay đáp nhu cầu tiêu dùng, đời sống của người dân. Đến nay, dư nợ cho vay tiêu dùng, đời sống đạt gần 220.000 tỷ đồng với trên 1 triệu khách hàng, chiếm tỷ trọng 22% dư nợ cho vay của Agribank./. |