Cổ đông Vinafood II chờ đợi gì ở tân Chủ tịch Võ Thanh Hà?

VietTimes -- Dù thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán được gần 2 năm, cơ cấu cổ đông của Vinafood II vẫn khá cô đặc, thể hiện ở phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường diễn ra hôm 29/2/2020.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tháng 12/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định số 5417 về việc triển khai cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Lương thực miền Nam - Công ty TNHH MTV (Vinafood II - Mã CK: VSF). Tới tháng 12/2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Vinafood II.

Theo đó, vốn điều lệ của Vinafood II khi cổ phần hóa là 5.000 tỷ đồng. Cụ thể, cổ đông Nhà nước sẽ nắm giữ 51% vốn, chào bán 125 triệu cổ phần (25% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược, chào bán đấu giá cho nhà đầu tư hơn 114,83 triệu cổ phần (tương đương 22,97% vốn điều lệ).

Kết quả tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược được Vinafood II công bố cho thấy, CTCP Tập đoàn T&T do ông Đỗ Quang Hiển (“bầu” Hiển) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là ứng cử viên duy nhất.

Sau phiên chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Vinafood II diễn ra vào tháng 3/2018, cổ đông Nhà nước nâng điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tăng lên 51,43% (bổ sung thêm phần cổ phiếu không chào bán hết trong đợt IPO). Tới tháng 4/2018, cổ phiếu Vinafood II niêm yết trên sàn UPCOM thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với mã VSF.

Vinafoood II muốn khai thác hiệu quả quỹ đất

Sau gần 2 năm niêm yết trên sàn chứng khoán, cơ cấu cổ đông của Vinafood II vẫn khá cô đặc, điều này được thể hiện ở phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường diễn ra hôm 29/2/2020.

Theo đó, phiên họp ĐHĐCĐ thu hút được 74 cổ đông và đại diện cổ đông tới tham dự, đại diện cho hơn 496,99 triệu cổ phần, chiếm hơn 99,39% số cổ phần có phần biểu quyết.

Tại phiên họp này, các cổ đông đã bầu bổ sung ông Võ Thanh Hà (SN 1974) vào HĐQT Vinafood II với tỷ lệ tán thành lên tới 99,99%. Ông Hà sau đó được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp từ ngày 1/3/2020.

Chân dung vị tân Chủ tịch HĐQT Vinafood II (Nguồn: Sabeco)
Chân dung vị tân Chủ tịch HĐQT Vinafood II (Nguồn: Sabeco)

Được biết, ông Võ Thanh Hà có trình độ Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Cử nhân Kinh tế đối ngoại, Cử nhân tiếng Anh thương mại.

Trong giai đoạn từ tháng 12/1999 - 3/2006, ông Hà làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản. Sau đó, ông trải qua nhiều chức vụ tại Bộ Công Thương. Từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2018, ông là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Sau đó, ông Hà bị miễn nhiệm, rồi trở thành Thành viên HĐQT Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Từ ngày 11/10//2019, ông Hà đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng Tổ đại diện vốn nhà nước tại Vinafood II.

Trước đó, hôm 19/2/2020, HĐQT Vinafood II đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hoài (Phó Chủ tịch HĐQT) giữ chức vụ Tổng Giám đốc. Thời hạn bổ nhiệm 5 năm, kể từ ngày 1/3/2020.

Cũng tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường, các cổ đông đã thông qua việc bổ sung 4 ngành nghề kinh doanh, bao gồm: Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; Đại lý môi giới, đấu giá hàng hóa; Bán lẻ nhiên liệu động cơ trong các cửa hàng chuyên doanh và Hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ.

Về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản, ban lãnh đạo Vinafood II cho biết hiện mặt bằng cơ sở đất của tổng công ty chưa khai thác hết, sẽ có kế hoạch khai thác tối đa để tăng hiệu quả.

Được biết, Vinafood II đang sở hữu những quỹ đất khủng tại nhiều vị trí khá đắc địa tại các thành phố lớn như TP. HCM, Cần Thơ, Long An, Bến Tre với 146 cơ sở nhà đất, có tổng diện tích đất 3.405.950m2. Riêng tại TP. HCM, hiện  tổng công ty này đang quản lý và sử dụng 17 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích 89.842m2

Theo phương án sử dụng đất, Vinafood II sẽ giữ lại để tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa 114/132 cơ sở nhà, đất (gồm 147/174 thửa) với tổng diện tích 2.016.542 m2.

“Bầu” Hiển sở hữu bao nhiêu cổ phần tại Vinafood II?

Những vấn đề mà các cổ đông quan tâm, đặc biệt là nhóm cổ đông chiến lược ở Vinafood II cũng được thể hiện rõ tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường.

Đại diện cho cổ đông chiến lược và một số cổ đông cá nhân sở hữu lượng lớn cổ phần, ông Đỗ Ngọc Khánh đề cập đến khoản lỗ sau thuế (kỳ kế toán từ 9/10/2018 - 31/12/2018) của Vinafood II (Công ty mẹ) lên tới hơn 1.834 tỷ đồng (tương ứng 36,69% vốn điều lệ). Năm 2019, tổng công ty tiếp tục báo lỗ tới 160,8 tỷ đồng.

Theo ông Khánh, việc Vinafood II kinh doanh thua lỗ kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ mất vốn của các cổ đông, mất vốn Nhà nước nếu không có các biện pháp, giải pháp đồng bộ, hành động cụ thể, quyết liệt.

“Kiến nghị Chủ tịch HĐQT, HĐQT, Tổng giám đốc nhanh chóng trong tháng 3/2020, muốn nhất là cuối tháng 4/2020 xây dựng mục tiêu, chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết của Tổng công ty và các đơn vị thành viên; Báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC - PV) và cổ đông chiến lược bằng văn bản, xin ý kiến chỉ đạo thông qua để nhanh chóng, kịp thời ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty để giảm lỗ, hòa vốn trong năm 2020 - 2021 và bắt đầu có lãi trong năm 2021 - 2022” - ông Đỗ Ngọc Khánh nêu.

Bên cạnh đó, vị đại diện cho cổ đông chiến lược cũng kiến nghị ban lãnh đạo Vinafood II sớm triển khai giải quyết các vướng mắc liên quan đến phương án sử dụng đất, thực hiện quyết toán, bàn giao sang công ty cổ phần trong năm 2020 để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, thực hiện thực hiện tái cấu trúc tổng thể và toàn diện tổng công ty và các đơn vị trực thuộc, công ty con, công ty chi phối. Kiến nghị lập phương án tái cấu trúc trình CMSC và cổ đông chiến lược thông qua trước ngày 30/6/2020; thực hiện chuẩn hóa mọi hoạt động của Vinafood II bằng các quy chế, quy định, quy trình trước ngày 30/9/2020.

Cần lưu ý rằng, cổ đông chiến lược và một số cổ đông cá nhân mà ông Khánh đại diện có tỷ lệ sở hữu tới 33,74% vốn điều lệ của Vinafood II. Do đó, không loại trừ khả năng nhóm cổ đông liên quan tới Tập đoàn T&T của “bầu” Hiển đang sở hữu tới 33,74% vốn của Vinafood II./.

Vì sao Tập đoàn T&T là ứng viên duy nhất cho vị trí cổ đông chiến lược của Vinafood II?

Vinafood II cho biết khi xây dựng Phương án cổ phần hóa chỉ có 2 nhà đầu tư quan tâm và mong muốn làm nhà đầu tư chiến lược là CTCP FPT và CTCP Tập đoàn T&T.

Tuy nhiên, đối với CTCP FPT, hồ sơ để xem xét, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không có đủ tính pháp lý (chỉ có hồ sơ photocopy) nên tổng công ty này không thể xem xét lựa chọn. Trong khi đó, CTCP Tập đoàn T&T không đạt trọn vẹn tất cả các tiêu chí nhà đầu tư chiến lược do Vinafood II xây dựng.

“Do thời điểm trình Phương án, chỉ có Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T cung cấp đủ hồ sơ theo yêu cầu và xét thấy Công ty cổ phần T&T đã đạt được các tiêu chí về nhà đầu tư chiến lược như đã được quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Tuy nhiên, còn một số tiêu chí Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T chưa đạt trọn vẹn. Tổng công ty đã đề xuất lựa chọn Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T làm nhà đầu tư chiến lược tại Tờ trình số 156/TCT-HĐTV ngày 23/8/2016 và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 7603/TTr-BNN-QLDN ngày 07/9/2016 về việc đề nghị phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty Lương thực miền Nam” - Vinfood II lý giải thêm về đề xuất lựa chọn Tập đoàn T&T làm cổ đông chiến lược.

Bên cạnh đó, Vinafood II còn cho biết Tập đoàn T&T có định hướng phát triển hướng tới các lĩnh vực nông lâm nghiệp, trong đó có lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm; đã có kinh nghiệm có ngành nghề kinh doanh liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của tổng công ty.

Mặt khác, Tập đoàn T&T có năng lực tài chính với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, kết quả kinh doanh trong giai đoạn từ 2013 đến 2016 có lãi; có đầy đủ các cam kết khi tham gia làm nhà đầu tư chiến lược./.