|
Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haynes, người phụ trách cuộc điều tra về SARS-CoV-2 theo lệnh của Tổng thống Joe Biden (Ảnh: AFP). |
Theo CNN ngày 5/8, cơ quan tình báo Mỹ đang khai thác một kho dữ liệu chứa một lượng lớn dữ liệu di truyền, bao gồm các bản đồ gene được trích xuất từ các mẫu virus do phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nghiên cứu. Đây có thể là chìa khóa để khám phá ra nguồn gốc của loại coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2), nhưng do nhiều lý do này, họ hiện vẫn chưa thể phân tích đầy đủ.
Theo một số nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, danh mục thông tin khổng lồ này bao gồm các bản đồ gene được trích xuất từ các mẫu virus được nghiên cứu trong một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc. Một số quan chức Mỹ cho rằng Vũ Hán có thể là nguồn gốc của sự bùng phát đại dịch COVID-19.
Nguồn tin cho CNN biết, hiện không rõ cơ quan tình báo Mỹ thu được những thông tin này bằng cách nào và khi nào, nhưng các máy móc liên quan đến việc tạo ra và xử lý dữ liệu gene virus như vậy thường được kết nối với các đám mây máy chủ bên ngoài nên có thể bị tin tặc tấn công và lấy được.
CNN cho rằng việc chuyển đổi một lượng lớn dữ liệu gốc thành thông tin có thể sử dụng được là một phần của cuộc rà soát truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 trong vòng 90 ngày do cộng đồng tình báo Mỹ thực hiện theo lệnh của Tổng thống Joe Biden.
|
Viện Virus Vũ Hán, nơi trở thành một trọng điểm điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn hai của WHO (Ảnh: zaobao). |
Các quan chức tình báo Mỹ thực hiện cuộc điều tra đánh giá kéo dài 90 ngày hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp trả lời câu hỏi về cách thức lây lan của coronavirus chủng mới từ động vật sang người.
Nhiều nguồn tin cho biết việc giải mã bí ẩn này là rất quan trọng để cuối cùng xác định xem liệu coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay được truyền từ động vật hoang dã sang người.
Các nhà nghiên cứu trong và ngoài chính phủ Mỹ từ lâu đã tìm kiếm dữ liệu gene của 22.000 mẫu virus đang được Viện virus học Vũ Hán nghiên cứu.
CNN đưa tin các quan chức Trung Quốc đã xóa bỏ dữ liệu khỏi Internet vào tháng 9 năm 2019; sau đó Trung Quốc từ chối cung cấp cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Mỹ dữ liệu gốc về những ca nhiễm COVID-19 thời kỳ đầu.
Một nguồn tin quen thuộc với cuộc điều tra của Mỹ không xác nhận cũng không phủ nhận cơ quan tình báo Mỹ hiện đang phân tích các dữ liệu liên quan đến 22.000 mẫu virus này.
Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, việc điền vào chuỗi gen bị thiếu này không đủ để chứng minh liệu SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay xuất hiện trong tự nhiên. Các quan chức tình báo Mỹ vẫn cần kết hợp các manh mối liên quan khác để xác định nguồn gốc thực sự của đại dịch COVID-19; đây là vấn đề then chốt mà chính quyền Biden đang ưu tiên giải quyết.
|
Bà Thạch Chính Lệ , người phụ trách việc nghiên cứu về virus từ loại dơi ở Viện Virus Vũ Hán (Ảnh: CGTN). |
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/5 đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ "nỗ lực gấp bội" để điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2 và gửi báo cáo cho ông trong vòng 90 ngày.
Việc chuyển đổi "núi" dữ liệu gốc này thành thông tin có thể sử dụng được chỉ là một phần của quá trình đánh giá truy xuất nguồn gốc kéo dài 90 ngày đối với SARS-CoV-2 do Tổng thống Biden ra lệnh cho cộng đồng tình báo Mỹ, và nó đã đặt ra một loạt của những thách thức, bao gồm sử dụng máy tính đủ sức mạnh tính toán để xử lý tất cả những dữ liệu này. Để làm được điều này, cơ quan tình báo Mỹ đang dựa vào các siêu máy tính từ các phòng thí nghiệm quốc gia của Bộ Năng lượng, được tạo nên từ 17 tổ chức nghiên cứu ưu tú của chính phủ.
Theo trang Zaobao của Singapore, các cơ quan tình báo Mỹ đang tìm cách giải mã các dữ liệu này. Mặc dù trong Phòng thí nghiệm Quốc gia thuộc Bộ Năng lượng Mỹ có các siêu máy tính để xử lý chúng; nhưng về mặt nhân lực, các cơ quan tình báo vẫn cần các nhà khoa học của chính phủ biết tiếng Trung có thể diễn giải được các dữ liệu trình tự gene phức tạp và vượt qua được kiểm tra an ninh chính thức, do những dữ liệu này được viết bằng tiếng Trung và sử dụng các thuật ngữ chuyên môn.
Một nguồn tin nói với CNN rằng "dường như có nhà khoa học đã vượt qua cuộc thẩm tra về an ninh. Nhưng liệu các nhà khoa học biết tiếng Trung Quốc phổ thông có vượt qua được cuộc kiểm tra? Đây là một nhóm người rất nhỏ và họ không phải là các nhà khoa học bình thường, mà là những người chuyên về sinh học? Vì vậy, có thể thấy rằng đây là vấn đề rất khó khăn".
Hiện tại, các quan chức tình báo cấp cao của Mỹ vẫn bày tỏ họ vẫn có sự bất đồng giữa hai lý thuyết chính về nguồn gốc của SARS-CoV-2, "hoặc là một sự kết hợp của hai tình huống". CNN vào tháng trước đưa tin rằng các quan chức cấp cao của chính quyền Biden chịu trách nhiệm giám sát cuộc đánh giá kéo dài 90 ngày hiện tin rằng "giả thuyết virus tình cờ thoát ra khỏi phòng thí nghiệm ở Vũ Hán ít nhất cũng đáng tin như khả năng nó xuất hiện trong tự nhiên". Đây là một sự thay đổi lớn so với một năm trước, khi đảng Dân chủ công khai giễu cợt điều được gọi là "lý thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm".
|
Bà Thạch Chính Lệ (trái) và đồng sự trong phòng thí nghiệm (Ảnh: VCG). |
Theo báo cáo, có thể đến khi kết thúc thời hạn xem xét kéo dài 90 ngày do ông Biden thúc đẩy, cộng đồng tình báo Mỹ vẫn chưa đạt được cái gọi là đánh giá "đáng tin cậy" về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Các quan chức chính phủ trước đó đã bày tỏ với CNN rằng có thể khi kết thúc hạn 90 ngày lại phải ra lệnh xem xét lần thứ hai. Các thành viên của Ủy ban Tình báo và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào đầu tuần này đã gửi một bức thư ngỏ thúc giục chính quyền Biden tiếp tục ưu tiên truy xuất nguồn gốc virus cho đến khi có thể đưa ra phán quyết như vậy để ngăn chặn một đại dịch sẽ xuất hiện trong tương lai.
Mới đây, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom đã công bố kế hoạch điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn 2, một trọng điểm là điều tra liệu có việc rò rỉ trong phòng thí nghiệm tại Viện Virus Vũ Hán. Tuy nhiên Trung Quốc đã bác bỏ và không chấp nhận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng “việc Mỹ mượn cớ truy xuất nguồn gốc virus để thao túng chính trị đã bị cộng đồng quốc tế phản đối rộng rãi”.
Trung Quốc mặt khác kêu gọi chính phủ Mỹ công bố dữ liệu về các bệnh đường hô hấp không rõ nguồn gốc ở bang Virginia, các bệnh do hút thuốc lá điện tử quy mô lớn ở Wisconsin và Maryland vào năm 2019, cũng như các trường hợp binh sĩ Mỹ mắc bệnh tới tham gia Thế vận hội Quân sự Vũ Hán, và cho phép cộng đồng quốc tế để tiến hành các cuộc điều tra kỹ lưỡng căn cứ sinh học Fort Detrick và hơn 200 phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ ở nước ngoài.