CNN: Mỹ lập sân bay bí mật ở biên giới Ukraine để đưa vũ khí của các nước vào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù Mỹ và NATO tuyên bố không có ý định can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nhưng họ vẫn bí mật gửi thiết bị quân sự tới viện trợ Ukraine chống Nga.
Thời kì cao điễm mỗi ngày có 17 chuyến máy bay chở vũ khí, vật tư viện trợ Ukraine được hạ cánh tại sân bay bí mật (Ảnh: Chinatimes).
Thời kì cao điễm mỗi ngày có 17 chuyến máy bay chở vũ khí, vật tư viện trợ Ukraine được hạ cánh tại sân bay bí mật (Ảnh: Chinatimes).

Theo kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 6/3, một "sân bay bí mật" gần biên giới Ukraine đã trở thành đầu mối giao thông vận chuyển vũ khí, thời điểm nhiều nhất có tới 17 chuyến bay hạ cánh tại đây mỗi ngày.

Vào tuần trước, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã bí mật đến sân bay này để gặp gỡ các quân nhân và nhân viên, cũng như kiểm tra tình hình vận chuyển.

Theo CNN, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ, sân bay hiện đã tăng mức tiếp nhận từ vài chuyến lên tới 17 chuyến bay mỗi ngày, đạt tới công suất tối đa. Sân bay này nằm gần biên giới Ukraine, nhưng vị trí hiện tại của sân bay vẫn được giữ bí mật để "bảo vệ vũ khí được đưa vào Ukraine" trong đó có các tên lửa chống thiết giáp.

CNN đưa tin về sân bay bí mật tiếp nhận vũ khí viện trợ Ukraine

CNN đưa tin về sân bay bí mật tiếp nhận vũ khí viện trợ Ukraine

Một quan chức khác của Bộ Quốc phòng cho biết Bộ Tư lệnh châu Âu của Quân đội Mỹ (US European Command, EUCOM) là trung tâm của tuyến vận tải khổng lồ, sử dụng mạng lưới liên lạc của họ với các đồng minh và đối tác để điều phối việc đưa hàng tới Ukraine “theo thời gian thực”.

Quan chức này cho biết, Bộ Tư lệnh châu Âu của Quân đội Mỹ cũng đang điều phối quá trình giao hàng với các quốc gia khác, trong đó có Vương quốc Anh, "để đảm bảo rằng chúng ta sử dụng các nguồn lực của mình với hiệu quả tối đa để hỗ trợ người Ukraine một cách có tổ chức".

Theo CNN, Mỹ hiện đang cung cấp vũ khí cho Ukraine với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với hai tháng trước. Quan chức này cho biết, hầu hết gói viện trợ 200 triệu USD được thông qua vào cuối tháng 12 đã được chuyển giao chỉ trong vòng một tháng, chỉ còn một số đạn dược vẫn chưa được chuyển đến.

Tên lửa phòng không vác vai Singer là mặt hàng được ưu tiên cùng tên chống tăng Javelin (Ảnh: Thepaper).

Tên lửa phòng không vác vai Singer là mặt hàng được ưu tiên cùng tên chống tăng Javelin (Ảnh: Thepaper).

Ngoài ra, kế hoạch viện trợ 350 triệu USD do Ngoại trưởng Mỹ Blinken công bố ngày 26/2 cũng dự kiến ​​sẽ hoàn thành trong vài ngày hoặc vài tuần tới. Quan chức Mỹ này cho biết, chỉ một tuần sau khi Nhà Trắng chính thức thông qua gói viện trợ an ninh trị giá 350 triệu USD của Mỹ, "tuyệt đại bộ phận" đã được chuyển giao cho Ukraine. Khoảng 240 triệu USD trong số viện trợ đó đã được chuyển đến tay Ukraine, phần còn lại sẽ đến trong vài ngày hoặc vài tuần tới, "nhưng sẽ không quá lâu". Những thứ đã được giao cho Ukraine bao gồm "các khả năng được yêu cầu nhất, chẳng hạn như khả năng chống thiết giáp" (tức vũ khí chống tăng) để "làm chậm và kìm hãm" bước tiến của Quân đội Nga.

Vị quan chức cấp cao này nói thêm rằng các trang thiết bị đã được gửi đến đều là những thứ người Ukraine đã được huấn luyện sử dụng, bao gồm một số khóa huấn luyện "cấp tốc" vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1. Ông này đồng thời nói thêm rằng người Ukraine có thể "sử dụng một cách khéo léo" phần lớn những trang thiết bị quân sự được gửi tới.

Kể từ khi Nga phát động "Chiến dịch quân sự đặc biệt" đưa quân vào Ukraine, đã có 14 quốc gia, trong đó có Mỹ và Anh, đã cung cấp viện trợ an ninh cho Ukraine. CNN cho biết, trước khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào ngày 24/2, trên bầu trời châu Âu đã đầy các máy bay chở hàng quân sự của Mỹ và các nước khác, đặc biệt là máy bay vận tải C-17 của Mỹ. Các chuyến bay này đã bố trí lại quân đội dọc theo sườn phía đông của NATO, đồng thời đưa vũ khí đến các điểm trung chuyển để chúng có thể được chuyển tới Ukraine. Hiện tại, dường như tốc độ của các chuyến bay này sẽ chỉ tăng lên.

Tên lửa chống tăng Javelin được cho là phát huy hiệu quả trong việc kìm hãm bước tiến của Quân đội Nga ở Ukraine (Nguồn: Coffee or Die Magazine).

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong đợt viện trợ vũ khí của Đức cho Ukraine vào tuần trước, các hòm tên lửa phòng không kiểu vác vai đã bị mốc, và ít nhất 700 tên lửa trong số đó không sử dụng được nữa. Như thế, số lượng vũ khí hiện tại của Đức viện trợ cho Ukraine thực tế đã giảm đi một phần ba.

Ngày 6/3, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov thông báo, kể từ khi phát động “Chiến dịch quân sự đặc biệt” chống Nga vào ngày 24/2, các lực lượng vũ trang Nga đã tấn công 2.203 mục tiêu quân sự Ukraine, trong đó có 76 sở chỉ huy và trung tâm thông tin liên lạc, 111 hệ thống phòng không (S-300, Buk M1 và SA-8 Gecko), 71 trạm radar; 69 máy bay cánh cố định hoặc trực thăng bị phá hủy trên mặt đất và 24 trên không, 778 xe tăng và các xe bọc thép khác, 77 dàn phóng tên lửa nhiều nòng, 279 súng cối và pháo các loại, 553 xe quân sự và 62 máy bay không người lái.