|
Với giáo dục 4.0, sinh viên phải là những người biết đặt ra thật nhiều câu hỏi. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Cũng vì Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0, vai trò của người thầy cũng thay đổi từ trạng thái dạy học sang hướng dẫn. Giảng viên hướng dẫn sinh viên học qua các dự án, giải quyết các bài toán từ thực tế. Việc này đòi hỏi giảng viên phải tăng cường ra thực tế để có dự án hướng dẫn sinh viên. Và theo PGS TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nếu chỉ gói gọn việc dạy bên trong nhà trường thì giảng viên sẽ không thể dạy được nữa.
Liệu rằng các đại học ở Việt Nam còn chịu sức ép gì trong CMCN 4.0? Chắc chắn, tiến bộ CNTT sẽ làm xuất hiện những loại hình đào tạo mới. Hệ thống đào tạo trực tuyến đại chúng, đào tạo online là những loại hình đào tạo mới thách thức các phương thức đào tạo truyền thống.
Những khóa đại học mở trên mạng sẽ có hàng chục triệu người theo học. Sắp tới, các trung tâm xuất sắc sẽ cung cấp các khóa học trực tuyến theo nhu cầu và rất sát với thực tế. Theo đó, các trung tâm này mời những giáo sư giỏi nhất ở từng lĩnh vực đặt viết về vấn đề này. Có thể lúc đầu giá các khóa học này là đắt nhưng dần dần sẽ rẻ đi và thậm chí miễn phí.
Đó là thách thức với các nhà trường. Còn với người học thì vấn đề sẽ là gì? Theo TS Nguyễn Thành Nam - người sáng lập hệ thống đào tạo trực tuyến FUNiX của Tập đoàn FPT, tham gia đào tạo trực tuyến, sinh viên phải làm quen với việc đặt ra thật nhiều câu hỏi cho người dạy, thậm chí là cả những câu hỏi khó. Và họ càng đặt ra nhiều câu hỏi thì giảng viên càng phải mừng. TS Nguyễn Thành Nam chia sẻ: “Các bạn chất vấn, vậy thì học FUNiX có gì hơn. Không có gì hơn cả! Chỉ là chúng tôi cố gắng mang logic của cuộc đời vào trường học: Muốn có việc thì phải tiếp xúc với chuyên gia tuyển dụng. Muốn biết họ cần gì thì sao không hỏi thẳng họ”.
Vậy thì các đại học truyền thống sẽ phải làm gì trước CMCN 4.0. Chắc chắn, nếu chỉ ứng dụng CNTT thuần túy là chưa đủ mà phải có một cuộc cách mạng thực sự trong cả dạy và học. Các bậc thầy đương nhiên phải thuần thục trong việc sử dụng bài giảng trực tuyến để lôi cuốn học trò qua mạng. Số giờ lên lớp thực tế cũng vì thế mà được giảm thiểu. Tuy nhiên, sẽ có những tiết học mà sinh viên không thể vắng mặt. Đó là những buổi thảo luận chuyên đề (seminar) về một vấn đề nào đó. Có thể những seminar này cũng không cần điểm danh nhưng nếu vắng mặt thì sinh viên sẽ khó lòng tự viết được báo cáo thu hoạch.