Câu hỏi trên được Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Đại Dương nêu lên tại buổi làm việc về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ) giữa Bộ TT&TT và Bộ KHCN diễn ra vào hôm qua (5/10).
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ TT&TT cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), Bộ TT&TT đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao. Ngày 16/8/2017, Bộ TT&TT đã gửi Bộ KHCN Công văn số 2937/BTTTT-KHCN về xây dựng đề cương đăng ký các hoạt động, nhiệm vụ sẽ triển khai để thực hiện Chỉ thị 16, tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ. Cụ thể:
Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng CNTT, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT-TT đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá CNTT-TT trong cả nước, bảo đảm an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng.
Bộ TT&TT đã cấp phép triển khai 4G/LTE-A cho các doanh nghiệp viễn thông di động. Đến hết quý I/2017, các doanh nghiệp đã triển khai, lắp đặt hơn 40 nghìn trạm 4G và Viettel đã có vùng phủ sóng 4G đến 95% dân số. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục theo dõi để bảo đảm các doanh nghiệp thực hiện đúng các cam kết khi cấp phép, cung cấp dịch vụ ổn định trong cả nước từ năm 2018.
Bộ TT&TT đang đôn đốc các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, triển khai lộ trình tắt sóng truyền hình tương tự để giải phóng băng tần 700 MHz cho thông tin di động IMT; Nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01/2017/TT-BTTTT ban hành Danh mục các sản phẩm trọng điểm theo hướng bổ sung các dòng sản phẩm hỗ trợ CMCN 4.0; nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy nghiên cứu và phát triển 5G, IoT.
Nhóm nhiệm vụ thứ hai là tập trung phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp CNTT-TT then chốt trong CMCN 4.0, ưu tiên chú trọng phát triển nhân lực CNTT, an toàn thông tin.
Nhóm nhiệm vụ thứ ba là chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí, truyền thông định hướng dư luận, giúp cho các tổ chức và người dân, có nhận thức đúng về CMCN 4.0.
Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu; các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức 3 Hội thảo lớn về CMCN 4.0 bao trùm nhiều lĩnh vực như hạ tầng băng rộng, quản lý tần số, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các hội thảo đã hút được sự quan tâm của hàng trăm đại biểu đến từ các cơ quan hoạch định chính sách, đơn vị nghiên cứu, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TT&TT cũng đưa ra kiến nghị đối với Bộ Khoa học và Công nghệ về ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực CNTT-TT có vai trò then chốt trong Cách mạng 4.0 như công nghệ viễn thông băng rộng, trí tuệ nhân tạo, IoT, phân tích dữ liệu và dữ liệu lớn. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu và xây dựng Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trọng điểm về trí tuệ nhân tạo sẵn sàng cho Cách mạng 4.0” trình Thủ tướng.
Ngoài ra, đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT đang xây dựng chiến lược tầm nhìn 2020 – 2030 3.0 và đã xây dựng nền tảng IoT. Trên nền tảng IoT này, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể phát triển ứng dụng. VNPT đã giới thiệu nền tảng IoT tại Myanmar, Iran, triển lãm tại Singapore.
Còn đại diện Mobifone nhận định, trong CMCN 4.0 vai trò của người dùng không còn ở thế bị động, mà đóng vai trò quan trọng, có tác động ngược trở lại đến nhà cung ứng, nhà sản xuất. Về IoT, các nước ASEAN đã có chính sách phát triển trong 5 năm tới, đã xây dựng chuẩn kết nối và các ứng dụng cơ bản cho các ngành.
Đại diện Mobifone đề nghị Bộ TT&TT cần đưa ra các chính sách định hướng phát triển IoT trong 5 năm tới, có chính sách phát triển thuê bao phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ. Thuê bao sắp tới sẽ không chỉ là con người mà là các thuê bao máy. IoT sẽ kết nối hàng trăm ngàn thiết bị. Bộ KHCN cần đưa ra các tiêu chuẩn về đo lường cho các thiết bị cảm biến (sensor). Đồng thời cần chuẩn hóa việc kết nối giữa các hệ thống tạo thành cơ sở hạ tầng cho thành phố thông minh.
Trả lời những đề xuất của Bộ TT&TT, Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Đại Dương nhận định, 5 tháng năm 2017 chỉ là giai đoạn khởi đầu thực hiện Chỉ thị 16, trong suốt quá trình cách mạng sẽ kéo dài sẽ thay đổi theo nhịp phát triển của công nghệ.
Cách mạng 4.0 là xu thế tất yếu và Việt Nam sẽ phải học các nước, tiến lên tham gia vào chuỗi cung ứng, trong đó có hai nhóm bộ, ngành là: bộ ngành tạo nền móng và các bộ trực tiếp ứng dụng vào sản xuất. Như vậy, Việt Nam sẽ ứng phó như thế nào, xác định sẽ tham gia với tư cách là nhà cung ứng hay người dùng?
Điều này phụ thuộc vào vai trò của các bộ tạo nền móng như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ TT&TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo... những đơn vị có vai trò rất lớn trong Cách mạng 4.0.
Bộ KHCN đã xác định, chuẩn bị cho CMCN 4.0, Bộ KHCN, Bộ TT&TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò nền móng, trong đó vai trò của Bộ TT&TT là rất quan trọng. Còn các bộ khác như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế là những Bộ trực tiếp ứng dụng hoặc sản xuất.
Sắp tới ba Bộ nền móng (Bộ KHCN, Bộ TT&TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo) sẽ làm việc với các Bộ, ngành ứng dụng để xây dựng kịch bản, chiến lược quốc gia nhằm tận dụng cơ hội của cuộc CMCN 4.0.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, tiếp thu góp ý của Bộ KHCN, Bộ TT&TT sẽ có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về định hướng, kế hoạch cụ thể triển khai Chỉ thị 16 trong ngành CNTT-TT. Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ liên hệ chặt chẽ với Vụ KHCN để xây dựng báo cáo, lưu ý tới các ý kiến của doanh nghiệp về quản lý thuê bao di động…