CMCN 4.0: Con người chỉ giám sát, điều hành hệ thống
VietTimes -- Trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), máy móc, robot sẽ thay thế các công nhân lao động trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp. Con người sẽ chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Tài chính |
Theo thông tin từ Bộ Khoa học - Công nghệ, cuộc CMCN 4.0 đã phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, tác động tới tất cả mọi ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội. Đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho cuộc cách mạng này đã trở thành vấn đề cấp bách.
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cuộc CMCN 4.0 đang chuyển những ngành thâm dụng tài nguyên, lao động giản đơn, sang các ngành có giá trị hàm lượng tri thức, khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Cụ thể hơn, Bộ trưởng cho biết, cuộc CMCN 4.0 đã tạo ra quá trình chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, chủ yếu dựa vào việc gia tăng đầu tư, khai thác lợi thế về tài nguyên, nhân công giá rẻ sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu với động lực chính là việc tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, tính cạnh tranh của các ngành kinh tế.
Thứ hai, sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0 sẽ hình thành các nhà máy thông minh, nơi mà các máy móc sẽ được kết nối, tự động ra quyết định toàn bộ hoạt động của nhà máy, từ khâu thu thập, phân tích yêu cầu, xây dựng kế hoạch sản xuất, thiết kế, tổ chức sản xuất tới phân phối, thông qua hệ thống thực - ảo, dựa trên nền tảng của các công nghệ số, ứng dụng của Internet vạn vật.
Trong các nhà máy đó, sẽ không còn thấy các công nhân lao động với các thao tác đơn giản trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp mà thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo.
"Con người lúc này sẽ chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Như vậy, rõ ràng là bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao hết sức khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo. Điều này tạo sức ép rất lớn, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải chuyển đổi phù hợp, nếu như không muốn bị bỏ lại phía sau.
"Các cơ sở đào tạo nếu vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn, thì sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao", Bộ trưởng nói.
Một vấn đề nữa mà ông Tuấn Anh nhấn mạnh, đó là tác động từ việc Việt Nam đã và đang ký kết, gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương thế hệ mới.
"Nhân lực chất lượng cao sẽ không còn chỉ đáp ứng tiêu chuẩn trong nước, mà sẽ cần phải tính tới những tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nước ngoài", Bộ trưởng nói và khẳng định, Việt Nam phải thay đổi phương thức, mô hình đào tạo để bắt nhịp, nếu không sẽ tụt hậu.
Về vấn đề nâng cao chất lượng nhân lực, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, trước đây, chúng ta tìm giáo viên trong số 90 triệu dân Việt Nam, nhưng giờ chúng ta tìm giáo viên trong số 7 tỷ người trên thế giới".
Hơn nữa, trong cuộc cách mạng 4.0 này, tinh thần dám làm, dám thay đổi, sẵn sàng phá hủy những nền tảng đã đạt được mới có thể tạo ra sự khác biệt.
"Nếu tìm một từ khái quát nhất để mô tả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì tôi xin dùng từ "làm ngược", làm ngược những gì chúng ta đang làm. Trước đây chúng ta học trước rồi đi làm nhưng giờ chúng ta làm trước rồi học thì việc học hiệu quả hơn", ông Hùng chia sẻ.