Clip bạo lực và những sai phạm của YouTube, Google tại Việt Nam

Theo Bộ TT&TT, YouTube và Google có 3 sai phạm lớn, bao gồm quản lý nội dung lỏng lẻo, không kiểm soát hoạt động đăng phát quảng cáo và để người dùng mua quảng cáo trực tiếp.

Tiếp nối lần cung cấp hành vi sai phạm của Facebook, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố những sai phạm của Google và YouTube tại thị trường Việt Nam.

Sai phạm đầu tiên của Google đến từ cơ chế quản lý nội dung lỏng lẻo. Theo lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH & TTĐT) Google tỏ ra tích cực hơn Facebook trong việc hợp tác, ngăn chặn gỡ bỏ các clip xấu độc.

Trong khoảng 18 tháng qua, đã có khoảng 8.000 clip xấu độc được gỡ khỏi YouTube theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ đáp ứng yêu cầu là 90%, thậm chí lên đến 95% trong 6 tháng đầu năm nay.

Clip độc gia tăng

Tuy nhiên, tình trạng clip xấu độc xuất hiện trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng. Qua rà soát của Bộ, số lượng video clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật tại Việt Nam lên đến 55.000. Một lãnh đạo Cục PTTH & TTĐT cho rằng việc quét clip sai phạm trên YouTube chẳng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”.

YouTube kiểm soát nội dung lỏng lẻo, không kiểm soát hoạt động đăng phát quảng cáo tại Việt Nam. Ảnh: Forbes.

Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ việc bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, còn nhiều kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm.

Một điểm rõ ràng là cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian.

YouTube cũng không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Vụ việc ngay khi kênh YouTube của Khá Bảnh bị gỡ khỏi YouTube đã có hàng loạt tài khoản khác reup các clip của kênh và thu hút lượng người xem lớn là ví dụ rõ nét nhất.

YouTube cũng cho phép bật tính năng suggest cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên YouTube (0,1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền mạnh mẽ.

Sai phạm lớn thứ 2 của YouTube, Google đến từ việc không thể kiểm soát vị trí hiển thị quảng cáo trên các clip YouTube.

Từ năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện tình trạng clip quảng cáo của một số thương hiệu lớn bị gán vào clip xấu độc, phản động. Bộ tiến hành làm việc với cả Google, nhãn hàng và đại lý quảng cáo để ngăn chặn nhưng đến nay, tình trạng này đã tiếp tục tái diễn.

Quảng cáo của một số thương hiệu lớn tiếp tục xuất hiện trên các clip với nội dung xấu độc tại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.

Việc tái diễn tình trạng này cho thấy các biện pháp khắc phục của Google không giải quyết được triệt để những vi phạm này, gây rủi ro các thương hiệu khi quảng cáo trên YouTube.

Sai phạm thứ 3 của YouTube là cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp. Hành vi này vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ: "Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hàng hóa, dịch vụ muốn quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam”.

Nhiều nội dung kích động bạo lực, giang hồ mạng trên YouTube

Không chỉ Google và YouTube, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra nhiều đơn vị có liên quan đều đang vi phạm quy định của pháp luật. Chẳng hạn, các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam hiện không chủ động kiểm soát được việc đăng, phát quảng cáo của đối tác, khiến quảng cáo bị gắn vào các clip xấu độc.

Các doanh nghiệp này cũng không báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thực hiện dịch vụ quảng cáo liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 2 Điều 15, Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong khi đó, với người mua quảng cáo trực tiếp từ YouTube, Google, hành vi của họ vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP.

Hàng chục kênh giang hồ xuất hiện trên YouTube. Ảnh chụp màn hình.

Với một số nhà sáng tạo nội dung, sai phạm chủ yếu đến từ việc họ sản xuất những nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng, nội dung cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy, nội dung gây hại cho trẻ em và nội dung sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền.

Trong khi đó, các mạng đa kênh (MCN) bị cho là chưa quản lý chặt chẽ nội dung cho các chủ kênh trong mạng lưới đăng tải, chưa xây dựng được nội dung tích cực, lành mạnh trên YouTube mà có xu hướng chạy theo nội dung vô bổ, ít tính giáo dục để câu view, câu like.

Họ cũng chưa nhận thức được vai trò quản lý của mình trong mạng đa kênh.

300 triệu USD vào túi Google, Facebook mỗi năm ở Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, thị trường quảng cáo online tại Việt Nam trị giá khoảng 400 triệu USD. Hơn 70% doanh thu này đổ vào túi của Facebook và Google (khoảng 280 triệu USD).

Trong đó, Google thu về khoảng 150 triệu USD/năm từ dòng tiền quảng cáo tại Việt Nam nhưng không có bất cứ một đại diện hợp pháp nào. “Lúc có việc, chúng tôi không biết liên hệ với ai. Làm việc qua thư điện tử có nhiều điểm bất tiện, lúc được lúc không”, lãnh đạo Cục PTTH & TTĐT cho biết.

Do đó, việc yêu cầu YouTube mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam là điều cần thiết, trước hết là chăm sóc khách hàng, sau là làm việc với cơ quan quản lý khi có yêu cầu.

Bộ cũng sẽ yêu cầu YouTube định danh các kênh YouTube tiếng Việt, chỉ xem xét chia sẻ tiền quảng cáo với những kênh đã được định danh và cam kết không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng để quản lý dòng tiền quảng cáo trên YouTube và Google, thậm chí chặn dòng tiền nếu Google không hợp tác.

Bộ cũng yêu cầu YouTube bỏ tính năng suggest đối với các kênh mà Bộ đã thông báo vi phạm, bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đây và tiếp tục phối hợp với Bộ để ngăn chặn, gỡ bỏ clip, kênh vi phạm.

  1.  Khá Bảnh - anh hùng rơm tạo ra từ YouTube Những "nút bạc", "nút vàng" của Youtube đang được trao cho những tay giang hồ, bởi lượng người trẻ theo dõi họ ngày càng cao.

Theo Zing

http://news.zing.vn/clip-bao-luc-va-nhung-sai-pham-cua-youtube-google-tai-viet-nam-post954454.html