Ví dụ, ở Trung Quốc có Hoàng đế Thục Hán Lưu Bị thời Tam Quốc, nhà thơ thời Đường Lý Bạch, Liêu Trọng Khải, Đặng Tiểu Bình...Pháp có Hoàng đế Napoléon Bonaparte, Ấn Độ có Javaharlal Nehru, các nước khác có Vincent van Gogh, Charlie Chaplin, Adolf Hitler, Walt Disney, Margaret Thatcher, Saddam Hussein, Barack Obama...
Sinh 1769 - Napoléon Bonaparte
Napoléon Bonaparte (1769-1821), nhà chiến lược quân sự Pháp, chính khách và hoàng đế Vương triều Trăm ngày, đã để lại cho các thế hệ sau “Bộ pháp điển Napoléon” và nhiều chiến lược quân sự kinh điển. Ông xuất thân quý tộc, đi từ việc ủng hộ Cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ, sau đó nắm quyền trong một cuộc đảo chính rồi tái cấu trúc để xưng hoàng đế. Sau nhiều trận chiến đại thắng, cuối cùng ông đã bị đánh bại trong trận Waterloo, bị bắt và chịu giam cầm trên đảo hoang giữa Đại Tây Dương rồi chết.
Napoléon Bonaparte (trái) trong phim "Chiến tranh và Hòa bình" (Ảnh: BBC). |
Napoléon sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Corsica, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự Paris, ông trở thành sĩ quan pháo binh. Cách mạng Pháp bùng nổ, ông đã giúp đảng cách mạng Jacobin lật đổ vương triều Bourbon và chinh chiến cho chế độ Cộng hòa ở khắp Châu Âu. Trong các trận chiến khốc liệt với "Liên minh chống Pháp" ở Châu Âu, ông thường giành lấy ít thắng nhiều và được biết đến là một trong những nhà chiến lược quân sự xuất sắc nhất trong lịch sử, được các học viện quân sự toàn cầu nghiên cứu, giảng dạy.
Bị thúc đẩy bởi làn sóng hỗn loạn của thời cuộc ở Pháp và châu Âu cùng với tham vọng cá nhân, Napoléon đã phát động cuộc đảo chính Tháng Sương Mù năm 1799 để nắm chính quyền, đến năm 1804, ông đã cải tổ thể chế, xưng hoàng đế. Sau đó, ông tiếp tục chiến đấu với kẻ thù, chinh phục, xâm lược và đàm phán... cho đến khi bị người Anh đánh bại trong "Trận Waterloo" năm 1815 và bị quản thúc tại đảo Saint Helena trên Đại Tây Dương trong phần còn lại của cuộc đời. Ngày 5 tháng 5 năm 1821 ông qua đời vì bệnh tật. Một thế kỷ rưỡi sau, các bác sĩ Scotland phát hiện ra ông chết vì nhiễm độc thạch tín. Nhưng liệu ông có bị đầu độc hay không vẫn là một bí ẩn chưa được giải đáp.
Napoléon cũng có những sáng kiến chính trị quan trọng, ông đã thực hiện một số cải cách xã hội và thể chế. Bộ Pháp điển Napoléon (sau này được gọi là "Bộ luật dân sự") được ban hành năm 1804 đã trở thành nền tảng cho việc xây dựng luật dân sự Pháp và sự ra đời của các bộ luật dân sự trên thế giới, được cho là một trong những di sản quan trọng để lại cho các thế hệ sau.
Vincent van Gogh, chân dung tự họa (Ảnh: BBC). |
1853 - Vincent van Gogh
Họa sĩ hậu ấn tượng người Hà Lan Vincent Van Gogh (1853-1890) được biết đến là người đi tiên phong cho chủ nghĩa Biểu hiện trong lịch sử nghệ thuật và có ảnh hưởng sâu rộng đến nghệ thuật hiện đại trong thế kỷ 20. Theo Encyclopedia Britannica, ông được công nhận là họa sĩ vĩ đại nhất sau Rembrandt và là một trong những bậc thầy của chủ nghĩa hậu ấn tượng. Các tác phẩm của ông có phong cách rất đặc biệt và độc đáo. Các tác phẩm nổi tiếng nhất bao gồm "Starry Night", "Sunflowers", "Rye Fields with Crows", v.v.
Van Gogh sinh ra tại Hà Lan và mất tại Pháp, cuộc đời ông trải qua rất nhiều thăng trầm, không được gia đình, bạn bè và giới nghệ thuật chính thống thời bấy giờ đón nhận. Ông phải chịu cảnh nghèo đói và bệnh tật, khốn khổ vì bệnh tâm thần. Tuy nhiên, 10 năm trước khi qua đời là thời kỳ hoàng kim trong sự nghiệp nghệ thuật của ông, đặc biệt là hai năm sau khi ông định cư tại Arles, Pháp năm 1888, nơi ông đã tạo ra nhiều kiệt tác bất hủ. Cũng vào năm đó, mối quan hệ giữa Van Gogh và Gauguin, một họa sĩ tài ba khác trở nên xấu đi; trước lễ Giáng sinh, ông đã tự cắt tai trái của mình, hiện tại chưa thể xác minh được tình huống cụ thể.
Chỉ sau khi Van Gogh tự tử ở tuổi 37, những thành tựu nghệ thuật của ông mới được thế giới công nhận và đánh giá cao. Vào thế kỷ 20, Bảo tàng Nghệ thuật Van Gogh tiến hành các cuộc triển lãm lưu diễn toàn cầu, tranh của ông được các bảo tàng, phòng trưng bày hàng đầu sưu tập; được bán với giá cao kỷ lục các cuộc đấu giá; các truyện ký, nghiên cứu chuyên đề và các bộ phim bom tấn của Hollywood đã xác lập địa vị của Van Gogh trong lịch sử nghệ thuật thế giới từ mọi góc độ .
Người quan trọng nhất trong cuộc đời Van Gogh là người em trai tên Theo, người đã cung cấp cho ông các khoản hỗ trợ tài chính và các sự trợ giúp khác chưa bao giờ gián đoạn.
Charlie Chaplin trong phòng thu Đài BBC năm 1952 (Ảnh: BBC). |
1889 - Chaplin, Hitler, Nehru
Trong số những người tuổi Sửu sinh năm 1889, một số sau này đã trở thành những nhân vật lịch sử nổi tiếng, như Charlie Chaplin, Adolf Hitler và Javaharlal Nehru.
Charlie Chaplin (1889-1977) là một ngôi sao phim hài, đạo diễn, nhà sản xuất, nhà soạn nhạc và biên đạo múa trong thời đại phim câm, ông cũng là một trong những nhân vật xuất sắc trong lịch sử điện ảnh thế giới, ông đã giành được hai giải Oscar và được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước “sir” năm 1975. Ông được tôn vinh, được mệnh danh là siêu sao thế giới đầu tiên trong lịch sử điện ảnh.
Charlie Chaplin sinh ra tại Luân Đôn, Anh; năm 5 tuổi đã lên sân khấu biểu diễn, năm 9 tuổi tham gia Đoàn kịch câm Carnot, thể hiện tài năng phi thường của mình. Năm 1912, ông đến Mỹ để biểu diễn cùng đoàn kịch. Lần đầu tiên tham gia đóng phim, ông đã tạo nên nhiều vai diễn kinh điển trong thời kỳ hoàng kim của phim câm Hollywood những năm 1930. Hình tượng người đàn ông vô gia cư tốt bụng và bất hạnh do ông tạo dựng đã nổi tiếng khắp thế giới.
Năm 1940, Chaplin thực hiện bộ phim có âm thanh đầu tiên, "The Great Dictator" (Kẻ độc tài), trong đó Chaplin đóng vai một nhà độc tài Đức quốc xã giống Hitler và một thợ cắt tóc Do Thái bị Đức quốc xã bức hại. Vào thời McCarthy, Chaplin bị buộc tội có "hành vi không là người Mỹ" và bị nghi ngờ có khuynh hướng theo chủ nghĩa Cộng sản. Ông bị FBI điều tra và suýt bị đe dọa cấm nhập cảnh vào nước này. Vì vậy, ông định cư ở Thụy Sĩ cho đến khi qua đời.
Adolf Hitler (1889-1945) sinh muộn hơn Chaplin vài ngày. Lịch sử cuộc đời và sự nghiệp của ông ta bị phỉ nhổ trên toàn thế giới.
Jawaharlal Nehru và con gái Gandhi (Ảnh: Pinterest). |
Jawaharlal Nehru (1889-1964), một nhân vật lịch sử khác sinh năm Sửu cuối thế kỷ 19, là thủ tướng đầu tiên sau khi Ấn Độ độc lập và là thủ tướng tại vị lâu nhất Thế giới Thứ Ba. Ông là một trong những người sáng lập Phong trào Không Liên kết của Thế giới Thứ Ba.
Nehru sinh ra trong một gia đình Bà la môn giàu có ở Kashmir, người cha là một luật sư nổi tiếng người Ấn Độ. Ông đăng ký vào Đại học Harrow, Anh năm 1905 và năm 1907, ông nhập học Cao đẳng Trinity của Đại học Cambridge, chuyên ngành khoa học tự nhiên. Ông cũng học chính trị, kinh tế, lịch sử và xã hội học. Ông chuyển đến London sống sau khi nhận bằng danh dự năm 1910, trở về Ấn Độ sau khi có bằng cấp luật sư tại Anh năm 1912, làm luật sư như cha mình. Năm 1917, người con gái lớn Indira Gandhi của ông chào đời.
Trong những năm 1930 và 1940, Nehru đã cùng với Mahadma Gandhi đấu tranh giành độc lập và bị bắt nhiều lần vì điều này. Sau khi Ấn Độ độc lập, với tư cách là thủ tướng đầu tiên, ông đã xây dựng các kế hoạch cải cách kinh tế, xã hội và chính trị, hướng dẫn và giám sát quá trình chuyển đổi của Ấn Độ sang chế độ cộng hòa, thể chế dân chủ đa đảng và các chính sách kinh tế của ông tích hợp kinh tế kế hoạch và kinh tế thị trường mang sắc thái chủ nghĩa xã hội rất rõ. (Còn tiếp).