|
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch. Ảnh: AFT |
"Đây là lần thứ tư trong vòng 11 tháng qua, chúng tôi đã gửi văn bản giải trình về cùng một vấn đề nêu trên: 2 lần cho quý Bộ, 1 lần cho Ban X, 1 lần cho Bộ Y. Nếu quý Bộ vẫn không chấp nhận văn bản giải trình lần này, Ban vận động chúng tôi sẽ ngừng mọi nỗ lực thành lập Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch và sẽ gửi công bố như vậy đến các thành viên là Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, những đơn vị đã gửi đơn hoặc bày tỏ nguyện vọng tham gia Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch...”
(Trích đơn xin thành lập Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch)
Dù đã nghỉ hưu và muốn giành quãng đời còn lại cho Phật pháp, nhưng người phụ nữ ấy lại không thể ngồi yên trước vấn nạn thực phẩm bẩn đang ngày càng nhức nhối.
Ròng rã hơn 1 năm kiên trì, bền bỉ gõ cửa các cơ quan chức năng, với tâm nguyện hướng tới một nền thực phẩm minh bạch, sòng phẳng, trong thời đại mà "minh bạch" đang được xem là một thứ xa xỉ...
Những nỗ lực không mệt mỏi của bà đã được đền đáp...
Ngày 25/7/2017, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 2279/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, với mục tiêu cụ thể là phát triển và thúc đẩy các tiêu chuẩn minh bạch và an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
Bà nguyên là Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và là một trong những người có tâm huyết thực sự với nền nông nghiệp nước nhà. Sau những năm tháng lăn lộn và đồng hành cùng các doanh nghiệp thủy sản, bà giành trọn những ngày tháng tuổi già của mình để thành lập Công ty cổ phần Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc Traceverified.
Đây là nền tảng để bà khởi xướng việc thành lập Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT), nhằm kết nối những nhà sản xuất chân chính với những người tiêu dùng đang khát khao được sử dụng thực phẩm sạch hơn, an toàn hơn.
Vượt qua hơn 700 ứng viên trên thế giới, Truy xuất nguồn gốc điện tử và Hiệp hội Thực phẩm minh bạch là một trong 30 dự án khởi nghiệp vì cộng đồng được tài trợ tham dự hội chợ công nghệ SLUSH ở Phần Lan năm 2015.
Tôi gặp TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, khi vô tình đi "lạc" vào buổi Hội thảo góp ý xây dựng Điều lệ và Bộ Quy tắc ứng xử để chuẩn bị cho Đại hội thành lập AFT. Lần đầu tiên được nghe bà nói về vấn nạn thực phẩm bẩn, về những trang trại xanh đúng nghĩa, về những người trẻ tâm huyết với nông nghiệp sạch và về ước mơ có một nền thực phẩm minh bạch, tôi hoàn toàn bị "chinh phục". Không ai nghĩ rằng, người phụ nữ tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng ấy đã 65 tuổi.
Mặc dù, tôi và bà đều làm việc tại tòa nhà cũ của Sở Khoa học & Công nghệ TP. HCM ở 79 Trương Định, nhưng thật khó để hẹn gặp vì bà đang bận rộn chuẩn bị cho Đại hội thành lập AFT diễn ra vào ngày 22/11 tới. Sau nhiều lần "hò hẹn" bất thành, cuối cùng tôi cũng được gặp bà dù chỉ là trong ít phút vì "cô phải về đi đám giỗ nhà hàng xóm". Không quan cách, không chút khách sáo nào mà thật dễ gần, dễ mến.
Câu chuyện bắt đầu trong căn phòng làm việc nhỏ nhắn trên tầng cao nhất của tòa nhà mà chúng tôi vẫn hay đùa là "cổ kính nhất" giữa trung tâm Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt này.
P/V: Được biết sau khi nghỉ hưu, bà đã quay trở lại thương trường và tham gia quản lý, cố vấn cho một số doanh nghiệp về thực phẩm, nhưng cuối cùng, bà lại chọn thành lập Công ty cổ phần Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc Traceverified và đứng ra làm Trưởng ban vận động thành lập AFT. Vì sao bà lại chọn lĩnh vực này để khởi nghiệp?
TS Nguyễn Thị Hồng Minh: Nói khởi nghiệp có lẽ đúng hơn với các bạn trẻ mới bắt đầu sự nghiệp. Ở tuổi của tôi khi bắt đầu làm một việc gì đó, thì chỉ là vì đam mê, hay vì muốn góp phần thay đổi một cái gì đó trở nên tốt đẹp hơn.
Thực phẩm là vấn đề của mọi gia đình, tôi có 17 năm làm việc tại cơ sở chế biến thực phẩm và 13 năm phụ trách lĩnh vực an toàn vệ sinh thủy sản. Có lẽ do cái “nghiệp” nên thực phẩm sạch cho mọi người tiếp tục là vấn đề bận tâm của tôi sau khi nghỉ hưu.
Hiệp hội Thực phẩm minh bạch sẽ mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp và cho cộng đồng?
Ngày càng có nhiều nhà sản xuất thực phẩm có trách nhiệm, sản phẩm của họ đạt các tiêu chuẩn qui định, nhưng sản xuất không theo kỳ vọng bởi thị trường của họ rất chậm “lớn”. Trong khi đó nhu cầu về thực phẩm an toàn, minh bạch thông tin của người tiêu dùng cũng đang không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, niềm tin ở giữa hai bên đang bị mất.
Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch mong muốn kết nối các nhà sản xuất thực phẩm có trách nhiệm để phối hợp nỗ lực xây dựng kênh thực phẩm an toàn, chất lượng, giúp nhà sản xuất xây dựng uy tín, phát triển thị trường, tích cực truyền thông để người tiêu dùng biết đến và an tâm khi mua sản phẩm.
Hội thảo góp ý xây dựng Điều lệ và Bộ Quy tắc ứng xử để chuẩn bị cho Đại hội thành lập AFT.
Hiện nay trên thị trường có tình trạng cấp giấy chứng nhận theo hình thức. Có nhiều loại tem, nhãn mác chỉ cần có tiền là mua được. Vậy làm sao để các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng tin tưởng và tham gia vào Hiệp hội?
AFT đã đạt được sự đồng thuận của doanh nghiệp là sẽ xây dựng các giá trị chung bao gồm Tiêu chuẩn minh bạch, Qui tắc ứng xử nội bộ, Quỹ phát triển thị trường, thương hiệu chung của AFT...
Trong đó, Quy tắc ứng xử là quan trọng nhất. Quy tắc này qui định những nguyên tắc, điều kiện mà hội viên phải có khi gia nhập Hội, quy định chế độ kiểm soát nội bộ để đảm bảo thông tin minh bạch và trung thực luôn đi kèm với thực phẩm khi đưa ra thị trường.
AFT cũng sẽ xây dựng tiêu chuẩn “ Hướng hữu cơ - Organic based standart OBS” và “Thuận tự nhiên - Nature based standart NBS” để hội viên thực hiện nhằm cung cấp thực phẩm không hóa chất cho người dùng và bảo vệ sức khỏe cho những người trực tiếp tham gia sản xuất, canh tác.
AFT là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tự nguyện, phi lợi nhuận, hoạt động vì cộng đồng không phải vì mục đích kinh doanh. Vậy bà có nghĩ rằng mình đang làm việc bao đồng hay “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”?
Hiệp hội bao giờ cũng là tổ chức phi lợi nhuận, Hội có vai trò rất quan trọng để kết nối nhằm tìm giải pháp để giải quyết những vấn đề chung mà ai cũng gặp phải. Nếu Hội Thực phẩm minh bạch thành công trong việc góp phần xây dựng nền sản xuất thực phẩm chất lượng, an toàn thì cộng đồng được hưởng lợi, trong đó có tôi và gia đình tôi.
Thường thì ở tuổi của bà, và nhất là người đã có vị trí như bà, người ta sẽ chọn làm cố vấn, tại sao bà lại chọn cho mình con đường khó khăn là tự mình “đứng mũi chịu sào”?
Tôi cũng thích làm cố vấn (cười). Nhưng như tôi đã nói, có lẽ là do cái "nghiệp". Trên đời ai cũng nghĩ là mình chọn việc, nhưng thực ra là việc chọn mình.
Không ai thành công mà không trải qua những đoạn đường đầy sóng gió. Sóng gió lớn nhất trong cuộc đời bà là khi nào? Điều gì giúp bà vượt qua được những sóng gió đó?
|
Nhiều sóng gió nhưng có 2 cái lớn nhất, một là vào năm 1987. Tôi nhận Quyết định bổ nhiệm Giám Đốc Nhà máy Đông lạnh Cà Mau trong tình trạng nợ nần, thua lỗ. Nhà máy tại “mỏ” tôm nhưng công nhân không có việc làm. Sau hai năm ở vị trí GĐ, nhà máy đã có lãi, hoàn thành nghĩa vụ thuế và có tiền để đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nhân có việc làm thường xuyên với mức lương khá.
Hai là lúc nhận nhiệm vụ Thứ trưởng, năm 1994. Khi đó tôi 42 tuổi, là phụ nữ duy nhất trong Lãnh đạo Bộ Thủy Sản kể từ cấp Vụ trở lên, tuổi đời thấp hơn nhiều vị Vụ trưởng, lại đến từ một vùng xa xôi, tỉnh Minh Hải ( nay là Cà Mau) với văn hóa khác biệt so với Hà Nội. Vượt qua những khó khăn đó, lĩnh vực xuất khẩu và an toàn vệ sinh do tôi phụ trách đã có nhiều khởi sắc và được ghi nhận.
Với tôi, niềm tin vào lẽ phải, vào sự chính trực và vào tập thể cũng như yêu thích sự đổi mới cùng với tinh thần trách nhiệm đã giúp tôi vượt qua được những cơn sóng lớn của cuộc đời.
Là 1 nhà khoa học, một doanh nhân, một chính khách và bây giờ lại là một startup, bà cảm thấy mình "phù hợp" với vai trò nào nhất?
Dù trước đây có vai trò trong bộ máy chính quyền nhưng tôi không phải là người làm chính trị, tôi bản chất là người “kỹ trị”. Tôi thấy tự do hơn khi làm doanh nghiệp, làm tư vấn.
Từng giữ vai trò là Thứ trưởng bộ Thủy sản trong 13 năm, vậy kinh nghiệm của một chính trị gia có giúp ích cho bà trong công việc mới mẻ mà bà đang thực hiện?
Kinh nghiệm cũ chỉ giúp một phần. Cuộc sống là sự biến chuyển không ngừng, nên việc tiếp cận thông tin, học hỏi không ngừng giúp chúng ta rất nhiều trong những chặng đường mới. Tôi sống với hiện tại, cố gắng để không phí hoài những ngày tháng rất có giới hạn của mình.
Đứng trên vị trí là một doanh nhân khởi nghiệp, bà có nghĩ rằng Việt Nam đang tạo môi trường và cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp rộng đường sáng tạo và phát triển?
Gần đây, Chính phủ đã quan tâm và có một số chính sách cho việc tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tôi có dịp dự một số sự kiện kết nối đầu tư ở nước ngoài. Các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư tư nhân có mặt rất đông để tìm ra những startup có triển vọng để đầu tư. Trong khi ở Việt Nam, các sự kiện kết nối đầu tư hầu như vắng bóng các "đại gia", các nhà đầu tư lớn. Theo tôi, Chính phủ cần có chính sách tác động nhằm thay đổi hiện trạng này. Nếu nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư cho startup thì nguồn tiền đầu tư sẽ được xã hội hóa rộng rãi và hiệu quả hơn.
|
Phụ nữ khởi nghiệp thường gặp nhiều bất lợi hơn so với nam giới. Có nhiều nữ startup thất bại vì không thể cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Bà có lời khuyên nào cho các bạn nữ đang trên hành trình khởi nghiệp?
Thế giới cũng như Việt Nam đã nghiên cứu và thống kê nhiều về sự kỳ thị, sự bất công đối với người phụ nữ so với nam giới. Việt Nam cũng đã có một số chính sách hỗ trợ cho nữ lao động nhưng tôi nghĩ cần có chính sách riêng cho nữ doanh nghiệp khởi nghiệp.Bất cứ người phụ nữ nào muốn làm việc cũng sẽ gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Người phụ nữ sẽ có thể tự "giải cứu" cho mình nếu ngay từ đầu biết cách xây dựng quan hệ trên nguyên tắc: cùng chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm trong gia đình.
Dù tuổi không còn trẻ và rất bận rộn nhưng trông bà lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Vậy bí quyết của bà là gì?
Tôi tập buông xả, mỗi ngày giành ít nhất 60 phút hành thiền. Khi làm việc thì cố gắng hết mình nhưng nếu việc không thành thì biết là chưa đủ phước, đủ duyên, không để điều đó tác động mà buồn khổ.
Một ly nước chưa đầy, người lạc quan thì nhìn vào phần có nước và nghĩ thiếu chút nữa thôi là đầy và sẽ cố gắng để làm đầy. Người bi quan sẽ nhìn vào phần không có nước để than vãn. Cách nhìn sự vật và thái độ vị tha, từ ái sẽ giúp chúng ta vui sống.
Xin cảm ơn bà.