Chuyển nhượng toàn bộ cổ phần HAGL Land cho Đại Quang Minh, HAGL “đoạn tình” với bất động sản

VietTimes -- Ngày 30/9, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) - đã thay mặt HĐQT công ty ký Nghị quyết số 3009/19/NQHĐQT-HAGL về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu tại CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (HAGL Land) cho CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (Đại Quang Minh).
Phối cảnh dự án HAGL Myanmar (Nguồn: Internet)

Theo đó, HAG sẽ chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ là 196.368.900 cổ phần, chiếm 47,93% vốn điều lệ, tại HAGL Land cho Đại Quang Minh - một công ty thành viên của CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký (30/9/2019).

Được biết, HAGL Land là chủ đầu tư dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê “Hoang Anh Gia Lai Myanmar Centre” (HAGL Myanmar) - dự án lớn cuối cùng của HAG.

Trong Quý 3/2018, HAG đã ghi nhận lãi 516 tỷ đồng từ thanh lý khoản đầu tư, xuất phát từ việc giảm tỷ lệ sở hữu tại HAGL Land do công ty này phát hành riêng lẻ 125 triệu cổ phiếu (với giá 13.414,63 đồng/cổ phiếu) cho “một bên thứ ba”.

Thương vụ được thực hiện sau khi HAG và Thaco chính thức công bố hợp tác chiến lược vào ngày 8/8/2018. Theo đó, công ty con của Thaco là Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính đầu tư phát triển giai đoạn 2 của dự án HAGL Myanmar với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 7.400 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Trên Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2019 đã soát xét, HAG ghi nhận khoản đầu tư vào HAGL Land có giá trị hơn 2.529,59 tỷ đồng.

Giá trị ghi nhận khoản đầu tư vào CTCP Xây dựng vào Phát triển Nhà Hoàng Anh của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Nguồn: HAG)

Bất động sản từng là lĩnh vực làm nên tên tuổi của HAG, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn này và cũng là niềm tự hào của vị Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (“bầu” Đức).

“Lợi thế cạnh tranh của Hoàng Anh Gia Lai là có quỹ đất lớn với chi phí thấp; có các công ty xây dựng; có nguồn vật liệu xây dựng là gỗ, đá với giá thành thấp. Quy trình xây dựng và kinh doanh khép kín làm cho giá thành của Hoàng Anh Gia Lai thấp hơn nhiều so với mặt bằng của ngành” - “bầu” Đức chia sẻ trong thông điệp gửi cổ đông năm 2010.

Đây cũng là thời kỳ đỉnh cao của tập đoàn này trước khi gặp trắc trở với cây cao su, bị đè nặng bởi áp lực tài chính phát sinh từ các khoản nợ ngân hàng, trái phiếu. Sau nhiều năm xoay sở, bất động sản dần trở thành lĩnh vực thứ yếu, tập đoàn của “bầu” Đức giờ đây đã và đang chuyển trọng tâm vào lĩnh vực trông cây ăn trái với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long,...

Lần đầu tiên sau nhiều năm, thư gửi cổ đông của “bầu” Đức trong Báo cáo thường niên năm 2018 không còn đề cập tới lĩnh vực bất động sản.

Thay vào đó, “bầu” Đức đặt kỳ vọng vào 18.675ha diện tích cây ăn trái sẽ mang lại nguồn doanh thu chủ lực cho HAG trong năm 2019 - năm bản lề trong chiến lược 5 năm 2020 - 2025, từ đó làm “đòn bẩy” đưa HAG trở thành Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Châu Á vào năm 2025./.