|
Người dân xếp hàng dài chờ đi thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông (Ảnh - Hoàng Anh) |
Nhiều người chủ quan khi tiêm đủ 2 mũi vaccine
Hiện, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội đang có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19.
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Đây là câu chuyện về ý thức. Tại Hà Nội, đa số người dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi người không có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Thực tế, người dân đang có tâm lý chủ quan sau khi tiêm vaccine”.
|
Người cao tuổi được tiêm vaccine COVID-19 tại Hà Nội (Ảnh - Minh Thuý) |
Theo TS. Hùng, tâm lý chủ quan của người dân chỉ là 1 phần, vấn đề quan trọng nhất là việc quản lý nhà hàng, khách sạn, tàu điện,… những nơi tập trung đông người của chính quyền cơ sở.
“Qua quan sát của tôi, hiện vẫn có những nơi tạo điều kiện cho việc vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch diễn ra. Điển hình là nhà hàng, khách sạn, chợ,… Thực tế này đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các chủ cơ sở và việc quản lý hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 của chính quyền cơ sở. Nếu không có biện pháp quản lý tốt, xử lý nghiêm vi phạm phòng, chống dịch COVID-19, thì dịch có nguy cơ bùng phát. Lúc đó, việc giãn cách xã hội, phong toả trên diện rộng buộc phải thực hiện và hậu quả kinh tế của dịch sẽ lớn hơn rất nhiều” – ông Hùng nói.
Cùng với đó, tác nhân gây bệnh COVID-19 đang lẩn khuất trong cộng đồng, không thể phát hiện triệt để. Đa số những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đều đã tiêm vaccine COVID-19, khi mắc bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Vì thế, biện pháp truyền thông để nâng cao ý thức của người dân, cùng với việc chính quyền tăng cường kiểm tra, giám sát là vô cùng quan trọng.
Về việc tổ chức cho người dân đi tàu điện trên cao tập trung đông người tiềm ẩn nguy cơ vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19, TS. Hùng cho rằng phải có cơ quan, tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc phòng, chống dịch của người dân khi đi tàu.
|
Người dân Hà Nội háo hức đi thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông, trong đó có nhiều người cao tuổi (Ảnh - Hoàng Anh) |
Trẻ em cần được đi học trở lại
Theo Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, trong khi người dân được tự do đến những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, thì trẻ em, học sinh – đối tượng dù chưa được tiêm vaccine nhưng ít bị lây nhiễm và nếu mắc COVID-19 thì chỉ ở mức độ nhẹ, khi đi học được trường học quản lý chặt chẽ, thì lại chưa được đến trường học trực tiếp theo chỉ đạo mới nhất của UBND TP. Hà Nội vào chiều ngày 6/11.
Điều này cho thấy Hà Nội đang chống dịch chưa phù hợp với tình hình thực tế. Nơi cần được tăng cường biện pháp chống dịch thì buông lỏng, còn nơi cần được mở cửa thì chưa được mở - trường học. Nếu dịch COVID-19 xuất hiện trong trường học thì việc khoanh vùng, xử lý đơn giản hơn rất nhiều so với việc xử lý dịch ngoài cộng đồng (nhà hàng, khách sạn,…) – khu vực nhiều người đi/đến, không thể kiểm soát, truy vết triệt để.
|
Giáo viên kiểm tra nhiệt độ cho học sinh (Ảnh - Minh Thuý) |
“Tôi cho rằng việc để trẻ học online trong thời gian quá dài không tốt. Bởi việc học online bằng máy tính có thể gây hại đến sức khoẻ, tâm lý, chất lượng học tập của trẻ. Nếu trường học không mở cửa bây giờ thì không còn cơ hội nào tốt hơn. Bởi việc tiêm vaccine COVID-19 không thể phòng bệnh 100% và cũng không thể một sớm một chiều bao phủ vaccine cho trẻ em được. Hơn nữa, chúng ta phải xác định sống chung với dịch COVID-19 lâu dài” – ông Hùng khẳng định.
Hà Nội sẽ tiếp tục phát hiện ca nhiễm mới
Đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại TP. Hà Nội, PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng – cho hay: Tình hình dịch COVID-19 ở TP. Hà Nội đã được dự báo từ trước. Khi thành phố nới lỏng các hoạt động thì phải cách ly những người tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ. Thực tế, người dân đi lại, tụ tập, hội họp nhiều thì nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng cao, nhất là những người đi từ vùng dịch về như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, di chuyển bằng đường bộ. Khi vào thành phố, những ca F0 sẽ có điều kiện tiếp xúc rộng rãi hơn. Đây chính là nguy cơ xuất hiện những ổ dịch lớn khiến số ca cộng đồng gia tăng.
|
PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Ảnh - Minh Thuý) |
“Theo tôi, hiện TP. Hà Nội đã bao phủ được vaccine COVID-19 cho phần lớn người dân, các ca mắc COVID-19 không nặng nên tình hình dịch COVID-19 ở Thủ đô vẫn kiểm soát được. Tuy nhiên, người dân không thể chủ quan, lơ là. Nếu mọi người chủ quan, lơ là thì dịch COVID-19 sẽ bùng phát. Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên tập trung rất đông người dân cũng như phương tiện đi lại. Mặc dù thành phố đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch nhưng, trẻ em chưa được tiêm vaccine, người cao tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi, nên cộng đồng vẫn phải chú ý thực hiện nghiêm 5K – khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế” – ông Phu nói.
Trước những thắc mắc của người dân về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi tuyến tàu điện Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động, ông Phu cho hay: “Tôi cho rằng khi đi tàu điện, người dân phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19 như khi đi xe buýt. Nếu hành khách đi tàu điện không thực hiện quy định phòng, chống dịch tốt thì tàu điện chính là môi trường làm lây lan dịch bệnh – nhiều đối tượng đi lại, tập trung đông đúc”.
|
Theo ông Phu, nếu hành khách đi tàu điện không thực hiện quy định phòng, chống dịch tốt thì tàu điện chính là môi trường làm lây lan dịch bệnh (Ảnh - Hoàng Anh) |
Dự báo tình hình dịch COVID-19 trong thời gian tới tại TP. Hà Nội, ông Phu cho hay: Thời gian tới, số ca mắc COVID-19 có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên, thành phố đã cơ bản bao phủ vaccine COVID-19 cho người dân nên sẽ giảm được tối đa số ca mắc COVID-19 nặng. Song không được chủ quan, vì dịch diễn biến phức tạp, khó lường, chỉ lơ là một chút, xử lý chậm một nhịp trong việc phát hiện, truy vết, cách ly người bệnh cũng như phong toả ổ dịch, thì dịch có thể bùng lên. Hà Nội cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch để giữ vững thành quả chống dịch COVID-19.