TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng, phương án phá dỡ giai đoạn 1 của tòa nhà 8B Lê Trực gồm một tầng và một tum trong 8 tháng là quá dài, không thể chấp nhận được. Nếu nhà thầu đó không làm được thì cơ quan chuyên ngành phải yêu cầu thay thế, vì nếu chậm xử lý công trình rất dễ bị biến tướng.
"Tôi đã thấy báo chí thông tin có nhà thầu đưa ra thời gian phá dỡ cả 6 tầng trong 8 tháng, đây là phương án khả thi", ông Trần Chủng nói.
Chuyên gia xây dựng đánh giá, chủ đầu tưtòa nhà 8B Lê Trực đangtrì hoãn cắt ngọn tòa nhà. Ảnh: Giang Huy. |
Theo TS Trần Chủng, thời gian cắt ngọn công trình phụ thuộc vào phương pháp phá dỡ và tính chuyên nghiệp của đơn vị phá dỡ. Có đơn vị làm thủ công, có đơn vị sử dụng búa hơi phá bê tông làm trơ thép sau đó cắt thép thì sẽ nhanh hơn. Việc phá dỡ công trình cao tầng thì phải do đơn vị chuyên nghiệp thực hiện để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho người thực hiện và cả các hộ dân xung quanh.
"Để ước lượng thời gian cắt ngọn nhà 8B Lê Trực thì Sở Xây dựng Hà Nội cần tổ chức thực nghiệm tại công trình và mời các chuyên gia, tham vấn ý kiến một số công ty phá dỡ đưa ra mốc thời gian cụ thể. Sau đó mới yêu cầu chủ đầu tư làm theo", ông Trần Chủng nói.
Đồng quan điểm, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần yêu cầu nhà thầu làm việc cả 3 ca, ban ngày phá dỡ phía trong tòa nhà, ban đêm làm phía ngoài. Nếu làm tập trung thì chỉ 2-3 tháng là sẽ phá dỡ xong một tầng chứ không thể kéo dài đến 8 tháng.
"9 tháng là đủ xây dựng xong một tòa nhà trong khi tòa 8B Lê Trực chỉ cắt được một tầng. Làm như hiện nay thì không biết bao giờ chủ đầu tư mới cắt được 6 tầng", ông Phạm Sỹ Liêm nói và cho rằng, Sở Xây dựng cần ra hạn cho chủ đầu tư thực hiện chứ không thể để doanh nghiệp tự ý kéo dài thời gian phá dỡ.
Dưới góc nhìn của chuyên gia phá dỡ công trình, ông Trương Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam (Tập đoàn Phương Bắc) nhận định, doanh nghiệp chuyên nghiệp phá dỡ 1.900 m2 sàn của một tầng là chưa đến 2 tháng, còn nếu cắt ngọn toàn bộ 5 tầng sai phép thì trong vòng 7-8 tháng, cho dù mác bê tông đến 450 hay 500.
Ông Trương Văn Hải đánh giá, báo chí thông tin nhà thầu chỉ đưa 3 máy nén khí cắt bê tông và 8 công nhân tháo dỡ công trình thì chưa ổn. Nếu thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, doanh nghiệp cần đưa khoảng 45-50 công nhân và 15-20 máy nén khí hoạt động cùng lúc.
"Người trong ngành xây dựng nhìn thấy ngay là chủ đầu tư tiến hành cắt ngọn công trình một cách hình thức, cố tình kéo dài thời gian để công trình được tồn tại", ông Trương Văn Hải nói.
Sáng 21/11, chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực bắt đầu phá dỡ phần tum của công trình. Theo ông Đỗ Thế Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án, đơn vị này sẽ tháo dỡ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ dỡ tầng tum và tầng 19 tòa nhà trong 8 tháng. Giai đoạn 2 sẽ dỡ phần công trình sai phép còn lại.
Phương án phá dỡ đã được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định. Tuy nhiên, cơ quan này đánh giá, 9 tháng để phá dỡ giai đoạn 1 (phá dỡ tầng tum và tầng 19) là chưa phù hợp với tiến độ, đề nghị chủ đầu tư rà soát tiến độ để rút ngắn thời gian, đảm bảo theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội.
Sau khi có yêu cầu kiểm tra của Thủ tướng, các cơ quan liên quan đã rà soát và cho biết chủ đầu tư đã xây vượt tầng vào khoảng 16 m, tương đương 5 tầng. Một số phần giật cấp cũng xây dựng không đúng giấy phép. Do đó, cơ quan quản lý yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án cắt gọt các phần xây dựng sai phép.
Theo VnE