|
Người phát ngôn WHO cho rằng hiện tượng bệnh nhân đã khỏi bị tái dương tính với SARS-CoV-2 là do các tế bào chết bị thải loại khỏi phổi...(Ảnh: DF). |
Theo trang tin Đông Phương, Hồng Kông ngày 7/5, một người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng giải thích rằng xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính của bệnh nhân sau khi đã hồi phục có thể là do các tế bào chết bị trục xuất khỏi phổi, chứ không phải tái phát bệnh hoặc tái nhiễm virus, đó chỉ là quá trình phục hồi mà thôi.
Hồi tháng 4, quan chức y tế Hàn Quốc thông báo tại nước này đã có hơn 100 ca “phục dương” như thế gây nên mối lo ngại về việc các bệnh nhân đã được chữa khỏi lại bị mắc COVID-19 lần thứ hai; Trung Quốc cũng thông báo có nhiều ca “phục dương” như vậy.
Người phát ngôn của WHO cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP: “Chúng tôi biết rõ một số bệnh nhân sau khi hồi phục lâm sàng, khi kiểm tra thì kết quả xét nghiệm cho kết quả dương tính”. Nhưng người phát ngôn WHO không đề cập cụ thể đến các trường hợp của Hàn Quốc.
Người phát ngôn nói: “Theo như những gì chúng tôi biết cho đến nay và căn cứ những thông tin mới nhất, những bệnh nhân này dường như đã thải loại khỏi phổi vật chất còn sót lại; đó là một phần của giai đoạn phục hồi”.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC mới đây, bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia về kế hoạch khẩn cấp y tế công cộng và là nhà dịch tễ học về các bệnh truyền nhiễm của WHO, đã giải thích: trong quá trình phục hồi phổi, một số phần của tế bào chết sẽ xuất hiện; thực tế đây là những mảnh vụn của phổi cho kết quả dương tính khi xét nghiệm.
Bà Maria Van Kerkhove nhấn mạnh rằng các virus trong các tế bào chết này không còn khả năng lây nhiễm và cũng sẽ không gây tái nhiễm bệnh chủ nhân ban đầu, vì vậy đừng quá lo lắng.
Bà nói: “Đây không phải là loại virus truyền nhiễm, cũng không phải là bệnh tái phát. Đây thực sự là một phần của quá trình khỏi bệnh”.
|
Bà Maria Van Kerkhove cho rằng hiện tượng tái dương tính SARS-CoV-2 là một phần của quá trình khỏi bệnh (Ảnh: 10yan).
|
Về việc liệu người bệnh đã khỏi bệnh có kháng thể hay không? Có thể đối phó với dịch bệnh và không tái nhiễm bệnh lần thứ hai hay không? Bà Maria Van Kerkhove cho biết, sau khi phục hồi, bệnh nhân sẽ thực sự có kháng thể trong ít nhất 2 đến 3 tuần, nhưng khi nào thì kháng thể vô hiệu, hoặc miễn dịch vĩnh viễn thì vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu, xác nhận.
WHO cũng tuyên bố rằng tình trạng bệnh nhân khỏi bệnh đã cho kết quả âm tính sau xét nghiệm nhưng lại có phản ứng dương tính trở lại sau một vài tuần cần phải được nghiên cứu thêm.
Người phát ngôn nói: “Chúng tôi cần thu thập một cách có hệ thống các mẫu từ các bệnh nhân đã được phục hồi để hiểu rõ hơn về việc họ mất bao lâu để thải loại các virus sống”.
Để làm rõ tình huống phức tạp này càng sớm càng tốt, WHO cho biết: “Chúng tôi cũng cần biết liệu điều này có nghĩa là chúng sẽ truyền virut cho người khác hay không. Sự hiện diện của virus sống trong cơ thể không có nghĩa là nó sẽ lây sang người khác khi họ đi điều trị”.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ hình thành các kháng thể khoảng một tuần sau khi bị lây nhiễm hoặc phát bệnh. Nhưng các chuyên gia cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu cơ thể có tự động phát triển khả năng miễn dịch đủ để ngăn chặn một đợt tấn công mới của SARS-CoV-2 hay không; ngoài ra, nếu khả năng miễn dịch đó được hình thành, nó có thể tồn tại trong bao lâu.
Tính đến sáng ngày 8/5, dịch bệnh COVID-19 đã cướp đi tính mạng của hơn 270 nghìn người trên toàn thế giới và chính thức đã có hơn 3,9 triệu người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, vì chỉ những trường hợp nghiêm trọng mới được lấy mẫu xét nghiệm, nên người ta tin rằng số ca nhiễm bệnh thực tế còn cao hơn con số này rất nhiều.