Chuyên gia Trung Quốc: Hàn Quốc và Nhật Bản đừng mơ Mỹ đánh Triều Tiên

VietTimes -- Chuyên gia Trung Quốc đánh giá tình hình bán đảo Triều Tiên, nhấn mạnh "mâu thuẫn" giữa Mỹ - Hàn và khuyên Hàn Quốc không được theo Mỹ, nên "duy trì cân bằng giữa các nước lớn"...
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: The National.

Trang tin Sina Trung Quốc ngày 1/12 cho hay ngày 29/12 Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15, hành động này đã tiếp tục làm nóng tình hình bán đảo Triều Tiên.

Theo hãng tin Yonhap Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa trả lời phỏng vấn cho biết nhìn vào tiến triển của chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên gần đây, trong ngắn hạn muốn Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân hoàn toàn không phải việc dễ dàng.

Nhưng theo ông Moon Jae-in, nếu Triều Tiên quyết định ít nhất đóng băng chương trình hạt nhân, không đi theo hướng đối thoại từ bỏ vũ khí hạt nhân thì Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế có thể bắt đầu tổ chức tham vấn, thảo luận có thể cung cấp khoản "đền bù" tương ứng cho Triều Tiên.

Trong khi đó, ngày 20/11, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đưa Triều Tiên quay trở lại danh sách "những nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố", tiếp tục gia tăng mức độ gây áp lực lên Triều Tiên.

Vào cuối thập niên 1980, Mỹ từng đưa Triều Tiên vào danh sách "những nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố". Tháng 10/2008, chính quyền Tổng thống Mỹ Bush căn cứ vào thỏa thuật đạt được giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề thanh tra cơ sở hạt nhân, tuyên bố gạt Triều Tiên ra khỏi danh sách.

Chuyên gia cho rằng, hiện nay, hành động đưa Triều Tiêu quay trở lại danh sách này của Mỹ đã thúc đẩy đối đầu căng thẳng trầm trọng hơn giữa Mỹ và Triều Tiên, không có lợi cho giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và ổn định của tình hình bán đảo Triều Tiên.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Triệu Trung. Ảnh: Ifeng.

Trước thái độ cứng rắn của Mỹ đối với Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ phản ứng như thế nào? Trung Quốc cử chuyên gia Trương Triệu Trung tuyên truyền trên đài truyền hình CCTV rằng hiện nay, Hàn Quốc và Mỹ tồn tại bất đồng rất lớn trong trong vấn đề CHDCND Triều Tiên.

Quan điểm cơ bản của Hàn Quốc cho rằng nam và bắc Triều Tiên là một dân tộc, đều là anh em, hiện đã bước vào một thời đại mới hòa bình và phát triển. Nếu bán đảo Triều Tiên khai chiến, trong vài ngày nếu không thể kết thúc chiến tranh, thì Hàn Quốc sẽ phải trả một cái giá rất lớn.

Mỹ cách Hàn Quốc hơn 10.000 km, bất kể Triều Tiên sử dụng vũ khí gì, không thể tấn công lãnh thổ Mỹ, nhưng toàn bộ lãnh thổ của Hàn Quốc đều lộ diện trước mặt Triều Tiên. Mỹ thực hiện "chủ nghĩa cô lập", sẽ không vì Hàn Quốc và Nhật Bản mà đánh Triều Tiên.

Chuyên gia vấn đề quốc tế Trung Quốc Đằng Kiến Quần cho rằng trong quan hệ đối ngoại, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cần nắm chắc hai điểm. Một là giữ cân bằng giữa các nước lớn. Hai là làm thế nào để phối hợp xử lý vấn đề Triều Tiên. Vừa không thể tấn công, vừa không thể chỉ hô khẩu hiệu hòa bình. Cần phải lựa chọn chính sách phù hợp với hiện thực và có thể "thỏa thuận ngầm" giữa các nước lớn.

Đằng Kiến Quần, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc. Ảnh: CCG.

Nhìn vào các đánh giá trên của các chuyên gia Trung Quốc có thể thấy một vài điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, Mỹ có lãnh thổ và có lợi ích to lớn trong khu vực và có thể bị tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên tấn công nếu chiến tranh xảy ra, chứ không phải chỉ có lãnh thổ cách Triều Tiên hơn 10.000 km. Chẳng hạn, Mỹ phải thực hiện cam kết đồng minh, bảo vệ an toàn cho các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản, bảo vệ các lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương như Guam, Hawaii…

Vì vậy, chuyên gia Trương Triệu Trung kết luận “Mỹ sẽ không vì Hàn Quốc, Nhật Bản mà đánh Triều Tiên”. Điều này có thể thấy chuyên gia Trung Quốc đang hỗ trợ tuyên truyền để “xui khiến” Hàn Quốc “duy trì cân bằng giữa các nước lớn”, tức là giữa Mỹ và Trung Quốc, chứ không nên nghiêng về đồng minh Mỹ.

Thứ hai, chuyên gia Trung Quốc cho rằng Mỹ đang thực hiện “chủ nghĩa cô lập”. Đây rõ ràng là một quan điểm không đúng. Trên thực tế, chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện chính sách thực dụng hơn theo tư duy của thương nhân. Từ bỏ hiệp định TPP thực ra là Mỹ từ bỏ đa phương, nhưng thúc đẩy song phương nhằm có lợi hơn cho Mỹ, chứ Mỹ không phải từ bỏ thương mại tự do.

Ngoài ra, Mỹ thậm chí đang thúc đẩy một chiến lược rộng lớn hơn, đó là chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, một chiến lược kế thừa và phát triển từ chiến lược “tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương” của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo ở khu vực.

Ba cụm tấn công tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Sina.

Nhìn chung, cho dù tổng thống Mỹ Donald Trump có thực dụng đến đâu thì tất cả vẫn phải vì lợi ích của nước Mỹ. Mỹ sẽ không thể “tham bát bỏ mâm”, không thể nhìn nhận các vấn đề thiếu tầm nhìn chiến lược. Bản thân nội bộ Mỹ cũng không cho phép làm điều đó. Đây là điểm rất đáng xem xét để nhìn nhận vai trò thực sự của Mỹ trong khu vực.

Trên thực tế, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc tiếp đón tổng thống Mỹ một cách chu đáo, long trọng đến thế. Không phải ngẫu nhiên mà ngoại giao Trung Quốc tìm mọi cách để “lấy lòng” chính quyền Donald Trump từ đầu năm 2017 đến nay. Tình hình khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có tình hình bán đảo Triều Tiên thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng rất lớn từ sự phát triển, biến động của quan hệ Trung - Mỹ.