Chuyên gia Nga nói: J-31 Trung Quốc không thể là thế hệ 5, còn thua xa F-35 Mỹ

VietTimes -- Nói J-31 sở hữu hành trình và trọng tải chiến đấu ngang với F-35 Mỹ là kiểu nói năng một cách tùy tiện. Còn máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga cũng phải đến năm 2017 mới có thể đưa vào hoạt động.
Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc bay biểu diễn ở Triển lãm hàng không Chu Hải-2014 (Ảnh tư liệu).
Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc bay biểu diễn ở Triển lãm hàng không Chu Hải-2014 (Ảnh tư liệu).

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 8/7 dẫn báo chí Nga đăng bài viết "Máy bay J-31 Trung Quốc không thuộc thế hệ thứ năm" của các tác giả Mikhail Khodarenok và Alexander Zinchenko.

Bài viết cho rằng máy bay mẫu của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mới nhất J-31 Cốt Ưng Trung Quốc đã chụp được trên đường vận chuyển. 

Báo chí đã đã tiến hành mổ xẻ đối với máy bay này và đưa ra kết luận, mặc dù ngoại hình của máy bay tiêm kích Trung Quốc khiến người ta nghĩ đến máy bay chiến đấu F-35 Mỹ, nhưng nó vẫn còn có khoảng cách so với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Gần đây, có người đã ngẫu nhiên chụp được máy bay chiến đấu mới nhất của Trung Quốc trong quá trình vận chuyển. Việc vận chuyển máy bay đã tuân thủ tất cả các biện pháp giữ bí mật: thân máy bay được bọc kỹ bằng vải bạt.

Dự đoán, đây là chiếc nguyên mẫu thứ hai của J-31. Các loại dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đang dốc toàn lực để nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Căn cứ vào tài liệu của Trung Quốc, tốc độ của loại máy bay này có thể đạt tới 2.200 km/giờ, sử dụng nhiên liệu được bố trí bên trong, đồng thời còn trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động.

Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc bay biểu diễn ở Triển lãm hàng không Chu Hải-2014 (Ảnh tư liệu).
Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc bay biểu diễn ở Triển lãm hàng không Chu Hải-2014 (Ảnh tư liệu).

Loại máy bay này từng xuất hiện tại Triển lãm hàng không Chu Hải vào năm 2014. Khi đó, nhà nghiên cứu phát triển Trung Quốc cho biết, máy bay Cốt Ưng áp dụng công nghệ tàng hình, có thể đứng vào hàng ngũ máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cùng với F-35 Mỹ và T-50 Nga.

Nhưng, sau khi bay thử, chiếc máy bay chiến đấu được sơn màu đen này hoàn toàn không được trưng bày công khai ở bất cứ đâu, cho thấy nó được "giữ bí mật" rất cao. 

Thực ra, máy bay chiến đấu T-50 Nga cũng chưa bao giờ được trưng bày ở trạng thái tĩnh tại các triển lãm hàng không. Tư lệnh Không quân Nga Victor Bondalev cho biết trưng bày cho công chúng về thành quả nghiên cứu mà chưa được trang bị là "hơi sớm". 

Những người nghiên cứu máy bay J-31 dám mạnh mẽ tuyên bố loại máy bay này là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Liệu những tuyên bố này có căn cứ hay không?

Về động cơ, trước đây có tin cho biết máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc sẽ sử dụng động cơ RD-93 của Nga - đây là phiên bản xuất khẩu của động cơ RD-93 trang bị cho máy bay chiến đấu MiG-29 Nga, lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội là 8.300 kgf.

Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc bay biểu diễn ở Triển lãm hàng không Chu Hải-2014 (Ảnh tư liệu).
Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc bay biểu diễn ở Triển lãm hàng không Chu Hải-2014 (Ảnh tư liệu).

RD-93 không phải là động cơ thế hệ thứ năm - không thể không tăng lực để tiến hành tuần tra siêu âm.

Trong khi đó, máy bay chiến đấu F-35 Mỹ trang bị động cơ F-135, động cơ này có lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội là 19.500 kgf. Hơn nữa, nó là phiên bản nâng cấp của động cơ F-119 trang bị cho máy bay chiến đấu F-22. Tức là, đây đã là loại động cơ thế hệ thứ năm thứ hai của Mỹ.

Chênh lệch về lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội của RD-93 và F-135 rất xa. Chỉ điều này đã cho thấy không thể đặt ngang hàng giữa J-31 với F-35 về động cơ.

Điều này còn chưa tính đến chỉ tiêu mang tính kinh tế. Vì vậy, nói J-31 sở hữu hành trình và trọng tải chiến đấu ngang với F-35 Mỹ là kiểu nói năng một cách tùy tiện. Còn máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga cũng phải đến năm 2017 mới có thể đưa vào hoạt động.

Cho dù không tính đến thiết bị điện tử hàng không, radar và vũ khí, bản thân J-31 cũng thua xa F-35. Do Trung Quốc có "truyền thống giữ bí mật", hiện chưa rõ về các dữ liệu chiến thuật chính xác của thiết bị điện tử vô tuyến điện và vũ khí trên máy bay J-31. 

F-35
F-35

Vì vậy, không thể tiến hành so sánh nó với các thiết bị cùng loại của Nga và Mỹ. Việc tuyên bố máy bay chiến đấu J-31 áp dụng công nghệ tàng hình cũng bị các chuyên gia có nghề nghi ngờ.

Làm thế nào để đo được bề mặt tán xạ của máy bay Trung Quốc? Toàn thế giới hoàn toàn không có nhiều nơi thử nghiệm để có thể hoàn thành nhiệm vụ này với độ chính xác và độ tin cậy phù hợp với yêu cầu.

Những người muốn so sánh J-31 với F-35 cần chú ý, F-35 là loại máy bay chiến đấu thứ tư của Mỹ áp dụng công nghệ tàng hình. Loại thứ nhất là máy bay chiến đấu F-117 đã nghỉ hưu. 

Việc nghiên cứ chế tạo và sử dụng loại máy bay này đã phải trải qua bao nhiêu nỗ lực, rút ra được bao nhiêu kinh nghiệm, tất cả những điều này chỉ có các nhà thiết kế máy bay Mỹ mới hiểu đầy đủ.

Có thể nói, trên phương diện nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, người Trung Quốc còn nằm ở giai đoạn “cất bước”. Có điều, Trung Quốc có rất nhiều tài chính, những người được đào tạo đại học cũng không ít. 

Nhưng Trung Quốc hiện còn chưa có trường đào tạo "kiến trúc sư trưởng", chưa có cơ chế sáng tạo và đánh giá ổn định.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển của Trung Quốc trên phương diện này khiến người ta cảm thấy ngạc nhiên. 

F-22
F-22

Có lẽ, họ sẽ nhanh chóng có được năng lực giải quyết những vấn đế nan giải về công nghệ của rất nhiều công trình phức tạp.

J-31 được giới thiệu ở Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014 là FC-31, cho thấy loại máy bay này có thể được Trung Quốc dùng làm hàng xuất khẩu. Nhưng, để có được danh tiếng là một nhà chế tạo máy bay giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp là rất khó khăn. 

Máy bay được cho là thiết kế thành công của Trung Quốc có lẽ chỉ có máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long hợp tác nghiên cứu chế tạo với Pakistan. Nhu cầu các máy bay khác của Trung Quốc trên thị trường quốc tế hoàn toàn không lớn.

Trên thực tế, Trung Quốc đối mặt với vấn đề rất lớn trong nghiên cứu phát triển động cơ hàng không. Cùng với việc chế tạo lượng lớn động cơ nội, Trung Quốc cũng đã mua rất nhiều động cơ của Nga.