Chuyên gia Mỹ, Trung Quốc nói gì về hình ảnh "hơn 100 giếng phóng tên lửa liên lục địa" ở Cam Túc?

VietTimes – Sự kiện báo Mỹ đăng các bức ảnh vệ tinh về phát hiện “hơn 100 giếng phóng tên lửa liên lục địa” của Trung Quốc ở Cam Túc đang gây rúng động dư luận, các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc đã lên tiếng phân tích...
Ảnh vệ tinh chụp các cấu trúc được cho là "giếng phóng tên lửa liên lục địa" trên sa mạc gần Ngọc Môn, Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Theo báo Mỹ Washington Post ngày 1/7, “James Martin Center for Nonproliferation Studies” (Trung tâm James Martin nghiên cứu không phổ biến vũ khí) của Mỹ đã phân tích các hình ảnh vệ tinh thương mại, chỉ ra rằng Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng ở sa mạc gần thành phố Ngọc Môn hơn 100 giếng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Điều này không chỉ cho phép khả năng răn đe hạt nhân của Bắc Kinh được mở rộng đáng kể mà còn chứng tỏ rằng Trung Quốc có ý đồ duy trì đủ số lượng vũ khí hạt nhân sau khi Mỹ đánh đòn tấn công đầu tiên để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Theo các hình ảnh vệ tinh thương mại, khoảng mấy chục công trường đang được thi công trong một khu vực khô cằn rộng 1.810 km vuông gần thành phố Ngọc Môn, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. 119 điểm thi công có bề ngoài giống nhau này có các đặc điểm phù hợp với các cơ sở phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân của Trung Quốc ở các khu vực khác.

Ảnh vệ tinh chụp một "giếng phóng tên lửa" (Ảnh

Bắc Kinh có thể lưu giữ 250 đến 350 vũ khí hạt nhân trong kho

Bài báo chỉ ra rằng nếu tất cả hơn 100 giếng phóng tên lửa này được hoàn thành sẽ mang lại bước ngoặt lịch sử cho Bắc Kinh, thế giới bên ngoài sẽ coi Bắc Kinh là quốc gia có kho dự trữ từ 250 đến 350 vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, xét về việc Đại lục đã từng triển khai các giếng phóng làm mồi nhử trong quá khứ, vẫn rất khó để suy luận rằng Bắc Kinh sẽ triển khai bao nhiêu tên lửa trong các hầm chứa – giếng phóng này, và con số thực tế có thể ít hơn nhiều.

Hơn nữa, trong thời kì Chiến tranh Lạnh, để đảm bảo rằng các nhà hoạch định chiến tranh của Liên Xô không bao giờ có thể biết được vị trí chính xác của tên lửa, Mỹ đã di chuyển ICBM giữa các vị trí phóng để đánh lừa Moscow. Tương tự, để ngăn người ngoài khám phá sự thật về sức mạnh hạt nhân của mình, Bắc Kinh cũng có thể chơi những trò hư hư thực thực như vậy.

Tuy nhiên, Jeffrey Lewis, chuyên gia nghiên cứu vũ khí hạt nhân Trung Quốc và cũng là thành viên nhóm phân tích, cho rằng làn sóng xây dựng này tượng trưng cho nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường độ tin cậy cho khả năng răn đe hạt nhân của mình. Đánh giá từ các bức ảnh vệ tinh thương mại về vùng tây bắc Trung Quốc, quy mô của việc xây dựng này khiến người ta kinh ngạc khó tin.

Xe chở kiêm bệ phóng cơ động tên lửa liên lục địa Dongfeng-41 (Ảnh: THX).

Phát triển khả năng đòn tấn công thứ hai

Ông Jeffrey Lewis giải thích rằng nếu tính cả các giếng phóng đang được xây dựng ở các khu vực khác của Trung Quốc, thì tổng số là khoảng 145 cái. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đang mở rộng lực lượng hạt nhân, một phần vì họ duy trì khả năng răn đe, và vẫn duy trì được đủ số lượng đầu đạn hạt nhân sau cuộc tấn công đầu tiên của Mỹ, qua đó phá hủy được hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ.

Trên thực tế, chỉ mới gần đây, các quan chức Lầu Năm Góc đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng khả năng vũ khí hạt nhân. Ông Charles Richard, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược, chỉ huy Lực lượng Hạt nhân Mỹ nói tại một cuộc điều trần trước Quốc hội hồi tháng 4 rằng Bắc Kinh đang tiến hành "sự mở rộng đáng kinh ngạc"; bao gồm kho ICBM ngày càng tăng và các loại thiết bị phóng tên lửa cơ động kiểu mới có thể giấu được các vệ tinh. Ngoài ra, hạm đội ngày càng phát triển của Trung Quốc đã được bổ sung các tàu ngầm có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Đội hình tên lửa ICBM Dongfeng-41 tham gia diễu binh (Ảnh THX).

Báo cáo chỉ ra rằng các công trình giếng phóng tên lửa được tiết lộ lần này nêu bật một cách Bắc Kinh che giấu vũ khí hạt nhân. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy khu vực công trường được bố trí thành hai vành đai khổng lồ dài, bao phủ một phần sa mạc kéo dài về phía tây và tây nam của thành phố Ngọc Môn.

Xét từ các công trường xây dựng giếng phóng khác của Trung Quốc, thấy mỗi điểm cách nhau 2 dặm Anh, nhiều điểm được một mái hình tròn che kín để bên ngoài không thể phát hiện. Còn đối với những giếng không thể che bằng mái vòm, công nhân xây dựng sẽ đào những hố tròn. Ngoài ra, một số điểm đang được xây dựng bị nghi ngờ là trung tâm khống chế.

Được thiết kế cho tên lửa Dongfeng-41?

Ông Jeffrey Lewis phân tích rằng những giếng phóng tên lửa này có khả năng được thiết kế riêng cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Dongfeng-41. Nó có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân, tầm bắn xa nhất đạt tới 9.300 dặm Anh (gần 15.000km), có thể bắn tới mọi nơi ở lục địa Mỹ. Công trường xây dựng bắt đầu từ đầu năm 2021, nhưng công tác chuẩn bị có thể đã được tiến hành trong vài tháng trước đó.

Tên lửa ICBM trong giếng phóng (Ảnh: Sohu).

Tờ Washington Post đã đề nghị xác nhận của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington và Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhưng đều không nhận được phản hồi. Về phía Lầu Năm Góc, họ từ chối bình luận về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Supple nhắc lại khả năng hạt nhân của Bắc Kinh đang ngày càng phát triển và Mỹ ước tính rằng nó sẽ tăng gấp đôi hoặc thậm chí nhiều hơn trong vòng mười năm tới.

Vì các giếng phóng tên lửa dễ dàng bị các nhà phân tích hình ảnh được đào tạo bài bản phát hiện và chúng có thể bị phá hủy bởi các tên lửa dẫn đường chính xác; ông Jeffrey Lewis cho rằng một mục đích khác của việc xây dựng rầm rộ các giếng phóng là mở rộng kho vũ khí hạt nhân để thể hiện trước Mỹ và Nga khả năng răn đe của mình là đáng tin cậy. Hiện tại, Mỹ và Nga sở hữu hơn 11.000 đầu đạn hạt nhân.

Bắc Kinh đã không phát động một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém với Washington và Moscow, ngược lại, họ áp dụng khái niệm răn đe hạn chế và duy trì một kho vũ khí hạt nhân tinh gọn nhưng mạnh mẽ, để đảm bảo rằng Bắc Kinh có thể trả đũa bất kỳ đối thủ nào khi bị tấn công.

Sơ đồ một hệ thống giếng phóng ICBM của Mỹ (Ảnh: zhihu).

Bắc Kinh không ngừng mất đi độ tin cậy trong khả năng răn đe hạt nhân

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các quan chức Đại lục phàn nàn rằng Nga và Mỹ đã đề xuất hoặc đang thực hiện các kế hoạch hiện đại hóa vũ khí hạt nhân; ngược lại, khả năng răn đe hạt nhân của Bắc Kinh đang mất dần độ tin cậy. Bắc Kinh tiếp tục từ chối tham gia vòng đàm phán kiểm soát vũ khí mới. Xét cho cùng, so với Washington và Moscow, nếu Bắc Kinh thêm những lời nguyền mới thì sẽ chỉ biến họ thành quốc gia vĩnh viễn có vũ khí hạt nhân hạng hai.

Về những bức ảnh vệ tinh này được Planet Labs chụp. Jeffrey Lewis cho rằng có một số lượng tương đối nhỏ đầu đạn có thể được giấu trong mạng lưới giếng phóng tên lửa mới được xây dựng; tuy nhiên, sự xuất hiện đột ngột của một số lượng lớn các giếng phóng mới chắc chắn sẽ gây áp lực lên các quan chức Mỹ và buộc họ phải đẩy nhanh nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Ông nói, "Chúng ta đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang phòng thủ tên lửa được thúc đẩy chủ yếu bởi sự đầu tư của Mỹ. Lầu Năm Góc tuyên bố kế hoạch nâng cấp vũ khí hạt nhân và các hệ thống tên lửa mang của Mỹ trong 20 năm tới; trong đó bao gồm tên lửa hành trình phóng từ trên không mới và ít nhất là 2 loại đầu đạn mới”.

Vào tháng 2 năm 2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hứa rằng Tổng thống Biden sẽ theo đuổi việc kiểm soát vũ khí để giảm bớt những nguy cơ gây ra bởi việc hiện đại hóa và liên tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Mặc dù không nêu rõ phương pháp cụ thể để đạt được điều này, nhưng ông nhấn mạnh rằng chính quyền Biden sẽ tìm cách "kiểm soát vũ khí hiệu quả để nâng cao tính ổn định, tính minh bạch và khả năng dự đoán; đồng thời, giảm bớt cuộc chạy đua vũ trang tốn kém nhưng nguy hiểm".

Tên lửa Dongfeng-41 triển khai phóng (Ảnh: zhihu).

Chuyên gia quân sự Trung Quốc: không có chuyện xây dựng các giếng phóng ở Ngọc Môn!

Tài khoản WeChat "Zhengzhidao" của cơ quan truyền thông chính thức Trung Quốc Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh, ngày 3/7 dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc nói, việc Trung Quốc xây dựng hơn một trăm giếng phóng tên lửa ở một khu vực là không thực tế và không cần thiết, không tồn tại chuyện đó.

Sau khi dẫn lại các ý kiến phân tích của tờ Washington Post và ông Jeffrey Lewis, chuyên gia nghiên cứu vũ khí hạt nhân Trung Quốc cho rằng những giếng phóng tên lửa này có khả năng được thiết kế riêng cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Dongfeng 41. Nó có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân, tầm bắn xa nhất đạt tới 9.300 dặm Anh (gần 15.000km), có thể bắn tới mọi nơi ở lục địa Mỹ...Ông Tống Trung Bình (Song Zhongping), một nhà bình luận quân sự Trung Quốc , người từng là giáo viên huấn luyện viên của binh chủng Tên lửa, cho rằng “Tôi thực sự nghi ngờ tính chuyên nghiệp của các chuyên gia Mỹ thực hiện việc phân tích này. Họ thậm chí còn không có kiến ​​thức quân sự cơ bản”.

Tên lửa ICBM Dongfeng-5B hiện vẫn được phóng từ giếng ngầm (Ảnh: thepaper).

Ông Tống Trung Bình cho rằng, việc Trung Quốc xây dựng hơn một trăm giếng phóng tên lửa tại một khu vực là không thực tế và không cần thiết, không có khả năng như vậy. Cách tốt nhất để phóng tên lửa hạt nhân trên đất liền là phóng không được hỗ trợ, nghĩa là phóng từ các phương tiện phóng cơ động hoặc phóng trên đường sắt di động, không dễ bị đối phương phát hiện và có khả năng sống sót mạnh trên chiến trường. Đối với các giếng phóng, kiểu trận địa phóng được hỗ trợ như vậy, thực tế có khả năng sống sót tương đối thấp trong thời chiến.

Tống Trung Bình nói: "Thực tế, giếng phóng là một phương pháp phổ biến được sử dụng cho vũ khí hạt nhân thời kỳ ban đầu trong Chiến tranh Lạnh hồi thế kỷ trước. Với sự phát triển của tin học hóa hiện đại hóa và công nghệ phản ứng nhanh của vũ khí hạt nhân, phương pháp này đã trở nên lỗi thời. Ngay cả ở hai cường quốc hạt nhân Mỹ và Nga cũng không xây dựng các giếng phóng mới, Vả lại, việc xây dựng các giếng phóng cần rất nhiều nhân lực, vật lực và tài chính là hoàn toàn không cần thiết. Ngược lại, tên lửa Dongfeng-41 của Trung Quốc là tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn trên xe tải, có thể cơ động và phóng không cần hỗ trợ. Vì vậy việc xây dựng các giếng phóng thực sự là ‘xá cận cầu viễn’ (bỏ cái gần, đi tìm cái xa vời), không cần thiết”.

Ông Tống Trung Bình, cựu sĩ quan tên lửa, bình luận viên quân sự của Trung Quốc (Ảnh: IFeng).

Tống Trung Bình là một nhà bình luận quân sự và học giả về cứu hộ khẩn cấp. Ông sinh năm 1971 tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Pháo binh II quân đội Trung Quốc (nay là Đại học Kỹ thuật Tên lửa), chuyên về kỹ thuật thử nghiệm tên lửa, dẫn đường và điều khiển, là Thạc sĩ kỹ thuật. Từ năm 1995 đến năm 2003, ông là giáo viên tại Học viện Kỹ thuật Pháo binh II; từ năm 2006 đến năm 2011, ông công tác tại Trung tâm Cấp cứu khẩn cấp Bộ Dân chính. Từ năm 2011 đến năm 2016, ông là thành viên ban biên tập Tạp chí Quân sự Văn trích của Viện Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ số 2, và là Giám đốc Ủy ban Văn hóa Quân sự của Liên minh Công nghiệp Văn hóa Kỹ thuật số Trung Quan Thôn, thành viên của nhóm chuyên gia của Trung tâm Giao lưu Quốc tế của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, từng là bình luận viên của CCTV, Dragon TV...

Tháng 11/2016, Tống Trung Bình chính thức gia nhập Đài Phoenix TV của Trung Quốc ở Hồng Kông với vai trò bình luận viên quân sự.