Nói đến Hà Nội là nói đến lịch sử của Thủ đô, nhưng không chỉ là tiếng vọng của các triều đại hay các cuộc chiến chống ngoại xâm mà là những con người quả cảm và những tính toán chiến lược cân não. Trong bảo tàng lịch sử của Hà Nội có rất nhiều những bản đồ, tranh ảnh và những tấm bia lớn tưởng niệm những cuộc chiến chống các triều đại phong kiến phương bắc xâm lược: Tống, Minh và Thanh vào thế kỷ XI, XV và XVIII. Cho dù Việt Nam trải qua thời kỳ bắc thuộc đến tận thế kỷ thứ X, nhưng Việt Nam luôn giữ vững sự độc lập chính trị với Trung Quốc và đây là một điều phi thường mà không một luận thuyết nào có thể lý giải đầy đủ được.
Thực tế, để có thể hình dung về lịch sử Việt Nam cần phải có sự thấu hiểu và cảm xúc mãnh liệt. Chiều sâu của những thắng cảnh như đền Ngọc Sơn (đền tưởng niệm chiến thắng quân Nguyên vào thế kỷ XIII), tượng Phật bằng đồng được bao phủ bởi hương, vàng lá và gỗ sơn son thiếp vàng và được bao quanh bởi Hồ Hoàn Kiếm xanh ngắt với bờ hồ trải đầy lá, đưa người ta tìm đến lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hồ Chủ tịch, con người nhỏ bé mà vĩ đại của thế kỷ XX, đã hợp nhất chủ nghĩa Mác, Nho giáo và tinh thần dân tộc thành một thứ vũ khí vô song đối phó với Trung Quốc, Pháp, Mỹ, đặt nền móng cho cuộc chiến đấu chống ba đế quốc lớn của thế giới. Lăng của Người nằm giữa những tòa nhà xây dựng theo lối châu Âu có tuổi thọ hàng thế kỷ và những công trình một thời là trung tâm đầu não của Đông Dương, một thể chế mà Pháp cố kéo dài sau Thế chiến II, gây ra một cuộc chiến với Việt Nam và đã khiến Pháp thảm bại nhục nhã cực độ sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Bên cạnh những dấu ấn kỳ vĩ của thành phố đầy truyền thống đấu tranh anh dũng với thiên sử thi hào hùng là những khu phố buôn bán ồn ào, khu kinh doanh rộn ràng, những dòng người vừa lái xe vừa tranh thủ nhắn tin lúc tắc đường và những cửa hàng mặt tiền tấp nập. Đây là một chuỗi các cửa hàng kiểu tư bản, với những quán café ở khắp mọi nơi, mỗi quán lại thiết kế khác nhau, phục vụ vài loại cà phê ngon nhất thế giới…
Người Việt Nam hiện nay đang học hỏi các nước phát triển, vì lợi ích của họ và gia đình nhưng cũng để bảo vệ sự độc lập trước một Trung Quốc năng động không kém. Và giống như từ ngàn xưa, Hà Nội vẫn là thành phố của những tính toán chính trị phức tạp. Đó là cái giá của việc là một cường quốc trung bình đầy tiềm năng, có dân số đứng thứ 13 thế giới, với đường bờ biển dài, ở vị trí giao nhau giữa các tuyến đường biển quan trọng và nằm sát khu vực dự trữ năng lượng khổng lồ ngoài khơi.
Trong chuyến thăm đến Việt Nam, tôi đã nhận thấy một đất nước đang không chỉ cấp bách phát triển kinh tế mà còn vấp phải những thách thức trong việc tìm kiếm một tạm ước với Trung Quốc - người hàng xóm lâu đời và đang tìm kiếm vị thế bá chủ. Đây là thách thức mà Việt Nam ngày càng nhìn về phía Mỹ để tìm sự trợ giúp, cho dù hai nước từng là kẻ thù một thời.
Điều đó có thể khiến người Mỹ ít nhất là phải thay đổi quan điểm lịch sử của mình và cố gắng nhìn thế giới qua con mắt của Việt Nam. Ông Ngô Quang Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khi đó đã nói với tôi rằng thời điểm quan trọng của nước Việt Nam ngày nay không chỉ là năm 1975, khi Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền nam mà là năm 1995, khi quan hệ Việt – Mỹ bình thường hóa, Việt Nam gia nhập ASEAN và ký vào bản Hiệp định khung với Liên minh châu Âu. “Nói cách khác, chúng tôi đã hòa nhập với thế giới”, ông Ngô Quang Xuân nói. Ông Xuân thừa nhận rằng trước khi đưa ra những quyết định này, nội bộ Việt Nam đã phải thảo luận rất nhiều. Mặc dù Việt Nam đã thắng Pháp và Mỹ nhưng giới chức Việt Nam đã cảm nhận sự thua kém vì những sự kiện sau đó, theo như các quan chức nước này giải thích với tôi trong chuỗi đối thoại diễn ra trong vài tuần.
Hãy cùng xem xét: Việt Nam đã đưa quân sang Campuchia vào năm 1978, giải phóng đất nước này khỏi nạn diệt chủng của Polpot của chính quyền Khmer Đỏ. Hành động này mang tính tự vệ và thực hiện nghĩa vụ quốc tế để đẩy lùi mối đe dọa chiến lược từ chế độ Khmer Đỏ tàn bạo, đã mang lại tác động nhân đạo tích cực và sâu sắc. Tuy nhiên, vì nghĩa cử nhân đạo này, nước Việt Nam thân Liên Xô lúc bấy giờ đã bị cấm vận bởi liên minh thân Trung Quốc bao gồm cả Mỹ, vì kể từ sau chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon tới Trung Quốc năm 1972, Mỹ đã nghiêng hẳn về phe Trung Quốc.
Năm 1979, Trung Quốc đã tấn công Việt Nam để ngăn Việt Nam tiêu diệt bè lũ diệt chủng ở Campuchia. Trong khi đó, Liên Xô không thể hỗ trợ nhiều cho đồng minh của mình. Việt Nam lúc bấy giờ bị cô lập về ngoại giao, bị mắc kẹt ở vũng lầy Campuchia và phải chịu gánh nặng nghèo đói và những khó khăn kinh tế. Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, đã viết trong cuốn hồi ký năm 2000 của ông rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam vào những năm 1970 mang niềm kiêu hãnh như nước Phổ ở Đông Nam Á.
Nhưng sự kiêu hãnh đó không kéo dài được lâu. Tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng và sự sụp đổ của Liên Xô vào những năm 1989- 1991 đã buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia. Việt Nam lúc này hầu như không có bạn bè, và chiến thắng lẫy lừng trước Mỹ năm nào giờ chỉ còn là ký ức xa xăm.
Một nhà ngoại giao phương Tây giải thích: “Người Việt Nam không quên cuộc kháng chiến chống Mỹ vào những năm 1960, 1970. Trong khi, một vài thế hệ người Mỹ đã bị mắc kẹt trong một giai đoạn khủng hoảng tinh thần”. Người Việt Nam vẫn chưa quên 20% diện tích lãnh thổ không có người sinh sống vì bom mìn còn chưa nổ hay những vùng đất bị nhiễm chất độc màu da cam khiến cây cối, động vật không thể sinh trưởng được. Nhưng 3/4 người Việt Nam hiện nay sinh ra sau cuộc kháng chiến chống Mỹ (gọi như vậy để phân biệt với những người sinh ra trước và sau thời gian này) và thậm chí số người không còn mấy ký ức về cuộc chiến tranh còn nhiều hơn thế. Những sinh viên và cán bộ trẻ mà tôi gặp tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, một cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, đều sinh sau cuộc kháng chiến chống Mỹ rất nhiều năm chứ không như thế hệ Baby Boomers của Mỹ sinh ngay sau Thế chiến II.
Trong cuộc gặp của tôi tại hội trường Học viện Ngoại giao, trong hội trường có bức tượng của Hồ Chủ tịch, các sinh viên và cán bộ đã nói với tôi rằng thực tế, họ vẫn luôn lên án cuộc xâm lược của Mỹ, nhưng họ không muốn nói đến chiến tranh nữa. Họ đã thất vọng về việc Mỹ không can thiệp chống lại Trung Quốc những năm 1990 khi Trung Quốc thách thức Philippines tại Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Một sinh viên đã tóm tắt rằng “sức mạnh của Mỹ rất quan trọng đối với an ninh thế giới”.
Quả thực, sau đó các sinh viên và cán bộ tại Học viện ngoại giao đều sử dụng thuật ngữ “cân bằng quyền lực” để so sánh Mỹ và Trung Quốc. “Trung Quốc quá mạnh và hung hăng. Đó là lí do vì sao Pax Sinica (hòa bình theo trật tự kiểu Trung Quốc) rất nguy hiểm”, một nữ học giả phân tích. Trong khi Mỹ đối với Việt Nam đã là quá khứ thì hiện nay Trung Quốc vẫn là trung tâm. Robert Templer đã viết trong cuốn Shadow and wind - một cuốn sách mở đường về Việt Nam đương đại năm 1998 rằng: “Phần lớn lịch sử Việt Nam đều là chống xâm lược, chủ yếu là chống xâm lược phương bắc. Nỗi lo sợ bị thống trị vẫn luôn thường trực và vượt qua mọi khoảng cách về ý thức hệ, nó đã tạo nên nỗi lo lắng và ý thức gìn giữ bản sắc Việt”.
Một nhà ngoại giao Việt Nam đã từng nói với tôi: “Láng giềng phương bắc đã xâm lược Việt Nam 17 lần. Mỹ xâm lược Mexico chỉ 1 lần và hãy thử nhìn xem vấn đề này nhạy cảm với người Mexico thế nào. Chúng tôi lớn lên với những cuốn sách giáo khoa ngập tràn những câu chuyện về những người anh hùng chiến đấu chống quân xâm lược phương bắc”. Nỗi lo của người Việt Nam rất lớn vì Việt Nam chưa thể thoát khỏi ảnh hưởng của người láng giềng phương bắc khổng lồ này, nước mà chỉ riêng dân số đã gấp 15 lần Việt Nam. Người Việt Nam biết rõ rằng đặc điểm địa lý đã tạo nên mối quan hệ giữa hai nước và có cách ứng xử rất tinh tế: Việt Nam có thể giành chiến thắng nhưng sau đó vẫn sang Trung Quốc cầu hòa. Tình thế đó hoàn toàn xa lạ với Mỹ - một đất nước giống như một quốc đảo.
(còn tiếp)
* Lược thuật bài viết của Robert D.Kaplan - nhà phân tích địa chính trị hàng đầu tại Stratfor và là một phóng vên quốc gia của The Atlantic. Ông cũng là tác giả của cuốn The Revenge of Geography: What the Map Tells Us About Coming Conflicts and the Battle Against Fate (tạm dịch “Sự trả thù của địa lí: Bản đồ bật mí về những cuộc xung đột và trận chiến chống lại số phận sắp diễn ra”) xuất bản tháng 9/2012