Ông Thayer cho rằng có lẽ Việt Nam sẽ xem xét lại Sách trắng Quốc phòng cho phù hợp với tình hình mới. Sách trắng Quốc phòng gần đây nhất của Việt Nam công bố năm 2009 nêu rõ, Việt Nam kiên trì với nguyên tắc không gia nhập liên minh quân sự nào và cũng không cho phép bất cứ nước nào được đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình để tiến hành các hoạt động quân sự chống các quốc gia khác.
Gần đây, Việt Nam đã khai trương cảng quốc tế Cam Ranh. Mỹ được hoan nghênh sử dụng cảng này trên cơ sở như hải quân các nước khác. Ông Thayer cho rằng khó có khả năng Việt Nam sẽ chấp nhận việc Mỹ hiện diện như với các thỏa thuận đã đạt được với Philippines.
Theo quy định hiện hành của Việt Nam, hải quân mỗi nước chỉ được phép mỗi năm cập cảng Việt Nam một lần. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy hạn chế này có thể được nới lỏng nhằm cho phép các tàu tham gia hoạt động nhân đạo. Tổng thống Obama phát biểu hôm 24/5, nhấn mạnh Mỹ trông đợi sẽ có sự hợp tác sâu sắc hơn nữa giữa quân đội hai nước, để làm làm phản ứng kịp thời trước các thảm họa nhân đạo trong khu vực. Đó có thể là cơ hội để tăng thêm số tàu Mỹ ghé thăm Việt Nam.
Diplomat ghi nhận, thêm nữa, ngay trong chuyến thăm của ông Obama, hai nước Việt-Mỹ đã ký Ý định thư thành lập một nhóm công tác phục vụ Sáng kiến hợp tác nhân đạo và dự trữ y tế, có thể triển khai cơ sở hậu cần ở miền Trung Việt Nam để phòng trường hợp một thảm họa tự nhiên. Giới chức Mỹ, bao gồm cả tổng thống Obama, đều mô tả quan hệ song phương Mỹ-Việt đang tiến vào một giai đoạn mới.
Diplomat nhận xét, ý nghĩa của việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam vượt ra ngoài quan hệ song phương Mỹ-Việt, nó còn thúc đẩy cho sự tập trung của chính quyền Mỹ vào việc can dự cũng như nuôi dưỡng những đối tác mới trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương.
Động thái này cũng có ý nghĩa vượt ra ngoài mối quan hệ song phương. Các cố vấn của tổng thống, cũng như bản thân ông Obama coi quỹ đạo tích cực của quan hệ Mỹ-Việt là một sự thúc đẩy cho sự chú trọng của chính quyền Mỹ vào việc can dự cũng như nuôi dưỡng những đối tác mới trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương.
Khi xét tới chiến lược “xoay trục” hay tái cân bằng của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là bằng chứng cho thấy Washington coi trọng các đối tác mới nổi tại khu vực Đông Nam Á như Việt Nam cùng với các quốc gia khác như Malaysia (ngoài các đồng minh hiệp ước truyền thống là Thái Lan và Philippines). Động thái này rõ ràng là sự công nhận của Washington về tầm quan trọng chiến lược đang gia tăng của Việt Nam trong chính sách châu Á của Mỹ, cũng như vai trò của Hà Nội trong khu vực và thế giới.
Sự can dự của Hà Nội vào một loạt sáng kiến quan trọng do Mỹ lãnh đạo – từ thỏa thuận thương mại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới Sáng kiến an ninh hàng hải mới – cùng với đóng góp ngày càng tăng của Việt Nam cho khu vực và thế giới trong các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình, đồng nghĩa với việc giá trị của Việt Nam đã tăng lên đáng kể so với thậm chí chỉ vài năm trước.
Mặc dù tác động của việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam chủ yếu sẽ được nhìn qua lăng kính quan hệ song phương, nhưng trên thực tế tầm quan trọng của quyết định này sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ đó.
Diplomat đánh giá, việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam đã mở ra những cuộc thảo luận sâu rộng hơn giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam, Lầu Năm Góc và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Các nguồn tin từ giới công nghiệp quân sự Mỹ cho biết Việt Nam quan tâm tới các máy bay không người lái để giám sát, trinh sát và hoạt động tình báo hàng hải; các hệ thống phòng không, máy bay tuần tra săn ngầm P-3 Orion và chiến đấu cơ F-16.
Việt Nam cũng đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và công nghệ quốc phòng. Nga vẫn giữ vai trò nhà cung cấp chính nhưng giới phân tích cho rằng Hà Nội có thể lo ngại sẽ gặp một số khó khăn trong bối cảnh Nga và Trung Quốc siết chặt quan hệ hơn.
Vào năm 2015, Việt Nam đã chính thức cho nghỉ hưu 4 trung đoàn tiêm kích MiG-21 và có thông tin Hà Nội đang xem xét việc mua các chiến đấu cơ F-16 Mỹ. Loại máy bay tiêm kích này được lực lượng không quân khu vực Đông Á như Đài Loan, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan sử dụng rộng rãi, theo Diplomat.
Các nhà thầu vũ khí toàn cầu đang hết sức bận rộn châu Á, từ Úc đến Việt Nam đều đang hiện đại hóa quân đội, bổ sung từ tàu ngầm cho đến chiến đấu cơ trong bối cảnh Trung Quốc tăng nhanh sức mạnh quân sự, Bloomberg ngày 1/6 cho biết.
Ngân sách quốc phòng đăng tăng nhanh, theo dự báo của IHS Jane’s, chi tiêu quân sự của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng 23% lên tới 533 tỷ USD vào năm 2020. Theo SPIRI, năm ngoái Indonesia tăng 16%, Philippines 25% và Việt Nam tăng 7.6%.
Rất nhiều chi tiêu dồn vào năng lực không quân và hải quân trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản và ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh ồ ạt bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép. “Sức mạnh quốc gia tăng lên của Trung Quốc, bao gồm việc nước này hiện đại hóa quân sự có nghĩa những hành động và chính sách của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Sách trắng Quốc phòng Úc công bố hồi tháng 1/2016 nhấn mạnh.