Theo tác giả David Kok, chuyến thăm của ông Obama cho thấy cả hai bên đều muốn có quan hệ gần gũi hơn, có thể khiến cho Trung Quốc lo lắng. Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vậnvũ khí không nhằm vào Trung Quốc mà là để giúp Việt Nam tăng cường khả năng tự vệ. Ông Obama cũng tuyên bố rằng "không có quốc gia nào có thể áp đặt ý chí cho bạn và quyết định thay cho số phận của bạn" và khẳng định Mỹ không có ý định áp đặt vào việc xây dựng thể chế.
Mỹ cũng tranh thủ Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội với các thỏa thuận kinh doanh và hỗ trợ song phương trên các lĩnh vực như công nghệ cao, năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và giáo dục, đáng chú ý là thỏa thuận mua 100 máy bay Boeing của VietJet Air hay các thỏa thuận Chương trình hòa bình dạy tiếng Anh và mở các cơ sở, chi nhánh của các Trường Đại học Mỹ tại Việt Nam.
Nhưng thỏa thuận lớn nhất chính là việc Mỹ cam kết cùng Việt Nam tham gia TPP. Trong khi TPP được coi là biện pháp để Mỹ chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, Việt Nam muốn sử dụng việc tiếp cận rộng lớn hơn vào thị trường Mỹ và nhận được nhiều khoản đầu tư từ Mỹ để thúc đẩy nền kinh tế của mình. Theo đó, Việt Nam mong muốn rằng những thành tựu kinh tế sẽ nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia tại Biển Đông, nơi có các tranh chấp với các nước láng giềng, đặc biệt với Trung Quốc.
The Straits Times đánh giá với việc ông Obama là Tổng thống Mỹ thứ ba thăm Việt Nam sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có thể thấy Việt Nam là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, các chuyến thăm này đều nằm trong nhiệm kỳ thứ hai của các vị Tổng thống này, cũng cho thấy Việt Nam chưa phải là ưu tiên cao nhất. Trong chuyến thăm của Tổng thống Obama, không có một phát biểu hay ẩn ý nào cho thấy Mỹ cam kết bảo vệ Việt Nam.
Tổng thống Mỹ vẫn tuyên bố lập trường không thay đổi là không đứng về phía bên nào trong vấn đề Biển Đông. Về nguyên tắc, lệnh cấm bán vũ khí đã bị dỡ bỏ, nhưng những đề nghị bán vũ khí sát thương vẫn phải đáp ứng những tiêu chí nhân đạo.
Theo The Straits Times, quan hệ Mỹ - Việt sẽ phát triển mạnh mẽ hơn ngoài khía cạnh hợp tác kinh tế hay không ở một chừng mực sẽ phụ thuộc vào những hành động của Trung Quốc. Chiến lược của Trung Quốc đối với Việt Nam tiếp tục theo hai hướng: cứng rắn về vấn đề Biển Đông và thông qua thuyết phục chiến lược để ngăn chặn việc Việt Nam xoay trục. Việt Nam vẫn là thách thức mạnh mẽ đối với các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc, với một số lượng lớn các đảo mà Việt Nam đang nắm giữ cũng như với việc Việt Nam có khả năng đẩy mạnh hợp tác với Mỹ, Nhật và Philippines trong lĩnh vực bảo đảm an ninh biển.
Về mặt chiến lược, rõ ràng Trung Quốc đang lôi kéo Việt Nam với những thuyết phục về tương đồng chính trị và tình đồng chí trong lịch sử, đặc biệt nêu rõ rằng sự tồn tại của chế độ chính trị như nhau ở hai nước một phần phụ thuộc vào quan hệ hữu nghị tốt đẹp, đoàn kết chống lại âm mưu lật đổ của thế lực tư bản. Một thực tế là giờ đây người láng giềng khổng lồ đã có tiềm lực quân sự ngày càng mạnh mẽ hơn và có thể trở mặt một lần nữa như đã từng làm trong cuộc chiến năm 1979.
The Straits Times cho rằng sức mạnh mềm của Trung Quốc có vẻ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để được như sức mạnh mềm của Mỹ đối với Việt Nam. Thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tăng 150% trong thập kỷ vừa qua, trong khi Việt Nam tiếp tục thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc. Mỹ là địa điểm di cư và giáo dục hàng đầu đối với người dân Việt Nam, trong khi rất ít người muốn học tập hoặc sinh sống tại Trung Quốc.
Sức mạnh mềm của Mỹ cũng đã cho thấy nhiều người dân xếp hàng dọc các tuyến phố ở Hà Nội và TPHCM để chào đón Tổng thống Mỹ, trong khi các chuyến thăm của các Chủ tịch Trung Quốc thì không được như vậy. Chuyến thăm của Tổng thống Obama đã củng cố thêm nhận định về khả năng Việt Nam xoay trục về phía Mỹ. Những lợi ích kinh tế sâu rộng và to lớn sẽ góp phần khiến hai quốc gia cam kết bảo đảm an ninh cho nhau.
The Straits Times nhận định, trên thực tế sự xoay trục sẽ chỉ có hiệu quả cho Việt Nam nếu như những giả thuyết chiến lược có sự thay đổi nhanh chóng và cơ bản. Những giả thuyết này có thể bao gồm sự thay đổi lớn trong quan hệ Việt Nam - Trung và việc Việt Nam mất thêm đảo chẳng hạn. Một cuộc tấn công trên bộ của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam là không thể và không dự đoán được, nhưng một cuộc tấn công bất ngờ hay một cuộc xung đột trên Biển Đông không thể bị loại trừ hoàn toàn.
The Straits Times kết luận, hiện nay chỉ có những tổn thất của Việt Nam trên Biển Đông mới có thể dẫn đến việc hình thành liên minh Việt Nam - Mỹ. Nếu như Trung Quốc có những hành động khiến cho Việt Nam tiến gần hơn với Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ tạo ra những liên minh khác của Mỹ, ngoài những liên minh hiện có như Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn, và Mỹ - Philippines. Lúc đó, giả thuyết về một sự bao vây chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc tại Đông Á sẽ được hoàn tất.