Tiêm vaccine COVID-19 vẫn bị nhiễm là điều bình thường
Đến ngày 14/6, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 61 nhân viên y tế mắc COVID-19, bao gồm các BV: BV Bệnh Nhiệt đới (55 ca), BV Nhân dân Gia Định (2), BV Nhi đồng 1 (1 ca), BV quận Tân Phú (2) và BV Nam Sài Gòn (1).
Trong đó, BV Bệnh Nhiệt đới là một trong những tuyến đầu tiếp nhận, điều trị cho người bệnh COVID-19 với tổng số 400 giường bệnh. Nơi đây cũng là nơi đã và đang tiếp nhận, điều trị nhiều ca bệnh COVID-19 diễn tiến nặng.
Ngày 12/6, dư luận hoang mang khi 53 nhân viên BV Bệnh Nhiệt đới nhiễm COVID-19, sau đó nhanh chóng tăng lên 55 ca. Đáng lưu ý, 55 ca nhiễm này đều đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine của AstraZeneca ngừa COVID-19. Điều này khiến dư luận thêm hoang mang về hiệu lực của vacine ngừa COVID-19.
Trao đổi với VietTimes, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, cố vấn chuyên môn BV Nhi đồng 1 TP.HCM cho hay: "Không có vacine nào có tỷ lệ bảo vệ 100%, luôn luôn có 1 tỷ lệ chích rồi vẫn mắc cho tất cả các loại vaccine. Vaccine COVID-19 cũng không ngoại lệ. Trên thế giới, có nước đạt tỷ lệ chích ngừa COVID-19 rất cao nhưng vẫn còn ca mắc bệnh. Điều này là hoàn toàn bình thường".
"Chích ngừa nhằm đạt các mục tiêu: Để người chích không mắc bệnh (nhưng không thể đạt 100%); Để người mắc bệnh không dễ dàng lây cho người khác và khó bị người khác lây nhiễm (điều này chưa thể đạt được nếu tỷ lệ chích ngừa còn thấp); Để người mắc bệnh không bị diễn tiến nặng, không tử vong" - BS Khanh phân tích.
Chuyên gia dịch tễ kết luận: "55 nhân viên tại BV Bệnh Nhiệt đới nhiễm COVID-19 trên tổng số 1.200 nhân viên tại đây được chích vaccine là hoàn toàn bình thường, tỉ lệ dưới 10%".
Theo bác sĩ Khanh, những người đã chích vaccine rồi vẫn bị nhiễm thì có nhiều lý do. Nếu họ sống trong cộng đồng đã chích ngừa nhiều thì khả năng nhiễm sẽ giảm, nếu sống trong cộng đồng không ai chích ngừa thì bị mắc là điều hoàn toàn bình thường.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh (BV Nhi đồng 1, TP.HCM) - Ảnh: Hoà Bình |
"Đặc biệt, các báo cáo đều ghi nhận 55 nhân viên nhiễm này đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Như vậy chúng ta đã đạt được mục tiêu chích ngừa để nếu có bị nhiễm thì cũng không bị diễn tiến nặng. Hơn nữa, báo cáo cũng cho thấy tải lượng virus trong họng 55 nhân viên này rất thấp. Điều này sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác nhưng không có nghĩa chích ngừa rồi thì muốn làm gì cũng được, mà phải đảm bảo thực hiện 5K để hạn chế bị lây và lây cho gia đình" - BS Khanh nói.
Về vấn đề trên thực tế đã có trường hợp tiêm vacine nhưng vẫn mắc COVID-19 và có diễn tiến nặng, bác sĩ Khanh cho rằng cũng tùy thuộc cơ địa của từng người. "Nếu người đó có cơ địa yếu thì khi nhiễm, diễn tiến cũng sẽ nặng nhưng tỉ lệ này rất thấp. Để có thể nói chính xác, chúng ta phải xem hồ sơ bệnh án" - BS Khanh khẳng định.
Chỉ có vaccine mới giúp cuộc sống trở lại bình thường
Bác sĩ Trương Hữu Khanh đánh giá độ phủ của vaccine COVID-19 tại Việt Nam hiện nay rất thấp. Hiện chỉ có cộng đồng tham gia điều trị bệnh nhân và những đối tượng đặc biệt đã được chích. Nếu người dân có vaccine để tiêm, độ phủ rộng khắp nước thì chắc chắn sẽ đẩy lùi được dịch COVID-19. Lúc này, nếu có ca nhiễm thì cũng sẽ chỉ có vài ca.
Tuy nhiên, một số người cho rằng hiện nay, nếu có vaccine cũng không quan trọng bằng hành vi, ý thức của mỗi người trong việc tự bảo vệ mình. Đồng thời, dư luận cũng cho rằng tiêm vaccine ảnh hưởng đến tính mạng, vì nhiều người đã có phản ứng sốc, nguy hiểm sau khi tiêm. Do đó, vấn đề hiệu lực của vaccine cần được đưa ra bàn luận nhiều để giảm thiểu những ảnh hưởng xấu đến con người.
Kiểm soát y tế tại bệnh viện Hùng Vương -TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Trăm |
Về vấn đề này, bác sĩ Khanh cho hay vaccine có vai trò quyết định tiên quyết trong việc đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Thực tế đã chứng minh trên thế giới các nước tiêm vaccine với độ phủ rộng đã gần như trở lại cuộc sống bình thường, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Khi tiêm vaccine đạt độ phủ rộng, chúng ta không phải thực hiện 5K nữa, như vậy mới có thể phát triển kinh tế. Còn trong giai đoạn hiện nay, khi vaccine chưa phủ rộng khắp nước thì phải đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ 5K.
Bác sĩ Khanh cũng cho biết, khi chưa có vaccine, dư luận bàn nhiều về hiệu lực của vaccine và hướng đến các ca phản ứng nặng sau khi tiêm. Nhưng tỉ lệ ảnh hưởng đến tính mạng vô cùng thấp, hơn nữa, trước và sau khi tiêm vaccine, mọi người đều được đánh giá nguy cơ, theo dõi kỹ sức khỏe.